Càng về những tháng cuối năm, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng lậu lại có diễn biến phức tạp. Giờ đây, bện cạnh công tác tác phòng chống dịch Covid-19, thì các lực lượng chức năng lại phải căng mình chống thêm gian lận thương mại.
Hải Phòng phát hiện hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu vi phạm
Theo ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP. Hải Phòng, Kế hoạch 888 của Tổng cục QLTT về đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025, mang tính dài hơn. Mục tiêu của Kế hoạch là vận động, tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật kết hợp với việc ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh truyền thống cũng như trong TMĐT; các cơ quan, tổ chức quản lý chợ, tuyến phố, trung tâm thương mại, xã, thôn, xóm, làng nghề… nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, lực lượng QLTT Hải Phòng đã tiến hành tuyên truyền, ký cam kết với 582/1.260 cở sở. Kiểm tra, giám sát, phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm. Thông qua các hoạt động kiểm tra, xử lý ngăn chặn triệt để tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ðồng thời, gắn trách nhiệm quản lý theo địa bàn của công chức, đơn vị QLTT địa phương, nhất là vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đơn vị QLTT.
Nằm trong Kế hoạch 888 của Tổng cục QLTT, ngày 19/11, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Cục QLTT TP. Hải Phòng và sự tham gia của Đoàn Công tác Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT), 8 Đội QLTT thuộc Cục QLTT TP. Hải Phòng đã đồng loạt triển khai việc kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, hộ kinh doanh trên toàn thành phố.
Với 15 điểm kinh doanh được kiểm tra trong ngày 19/11, lực lượng đã thu giữ hàng nghìn sản phẩm chủ yếu thuộc các lĩnh vực như: Thời trang, giày dép, balo, túi xách, mắt kính… Gắn các thương hiệu nổi tiếng đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như: Adidas, Nike, CK, Channel… Số lượng hàng hóa có dấu hiệu vi phạm lớn nên trong ngày 20/11, các Đội QLTT tiếp tục làm việc để kiểm đếm, phân loại và liên hệ chủ thể quyền để xác định các dấu hiệu vi phạm, định giá hàng hóa vi phạm từ đó xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Thế Hưng, trong những tháng cuối năm, đặc biệt trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng QLTT TP. Hải Phòng sẽ đồng loạt triển khai nhiều chương trình kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm đảm bảo thị trường ổn định, an toàn phục vụ nhân dân đón Tết.
Bắc Ninh thu giữ gần 5.000 đôi giày giả nhãn hiệu
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, lực lượng chức năng phát hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh xuất hiện các đối tượng có dấu hiệu lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, mạng xã hội để bán sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái…
Sau khi nhận được nội dung thông tin và đề nghị phối hợp của Công an tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đã chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ, các Đội Quản lý thị trường số 1, số 2 và số 3 phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bắc Ninh; Công an thành phố Bắc Ninh, Công an thành phố Từ Sơn, Công an huyện Yên Phong, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh tiến hành kiểm tra 4 cửa hàng Giầy Phố trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu vi phạm.
Kết quả kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 4.259 đôi giày nhãn hiệu Nike, Adidas có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và 512 đôi giầy không có nhãn hiệu. Tại thời điểm kiểm tra chủ các cửa hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa và website thương mại điện tử bán hàng của cửa hàng không thông báo với Bộ Công thương theo quy định. Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đã ra Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan tới việc vận chuyển tiêu thụ giày không rõ nguồn gốc, mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã tiến hành kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 89C - 080.01 do Trịnh Văn Lợi, ở Ý Yên, Nam Định điều khiển. Khi kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện trên xe đang vận chuyển một số lượng lớn giày thể thao và nước hoa không có hoá đơn chứng từ, không có nhãn phụ. Lái xe khai toàn bộ số hàng trên gồm: 915 chai nước hoa nhãn hiệu nước ngoài và 3.395 đôi giày thể thao mang các nhãn hiệu Adidas (1.508 đôi); Nike (1.837 đôi); Guci (25 đôi); Alexander MC Queen (30 đôi) đang được vận chuyển từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam để tiêu thụ.
Hiện, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Thanh Hóa đã bàn giao vụ việc cho Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa xử lý theo thẩm quyền.
Phú Yên phát hiện số lượng lớn hàng hóa vi phạm
Mới đây, Đội QLTT số 1 (Cục Quản lý thị trường Phú Yên) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Phú Yên) tổ chức dừng và khám phương tiện ô tô tải, mang biển kiểm soát 51C- 538.03, do tài xế Nguyễn Phan Như Nguyên, trú ở xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk điều khiển và xe ô tô tải mang biển kiểm soát 60C-5964, do tài xế Huỳnh Lê Tiến Đạt, ở xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng điều khiển, 02 xe nói trên đang lưu hành theo hướng Nam - Bắc.
Kết quả khám phương tiện, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 1.216 gói kẹo xốp, 380 hộp kem trị thâm, 30 máy nhào bột, 490 khuôn làm bánh, 360 cuộn dây cước, 02 lò vi sóng, 5.401 lưỡi cưa các loại, 2.400 mũi khoan, 660 trục vít và nhiều mặt hàng khác, tất cả hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra tài xế xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chừng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa theo quy định pháp luật. Lực lượng chức năng đã lập hồ sơ, tạm giữ hàng và phương tiện để xử lý theo quy định.
An Giang thu giữ hàng ngàn bao hoá chất không chứng từ
Thông tin từ Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cho biết, tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang vừa phối hợp lực lượng chức năng phát hiện ghe gỗ vận chuyển số lượng lớn hóa chất và bột đá có xuất xứ nước ngoài, không rõ nguồn gốc, trị giá khoảng 2,6 tỷ đồng.
Trước đó, trong lúc tuần tra kiểm soát chống buôn lậu trên địa bàn huyện An Phú, đến thủy phận (thuộc ấp Thạnh Phú, xã Khánh An), tổ công tác phối hợp cùng Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình phát hiện ghe gỗ số hiệu AG - 189.61 đang neo đậu do bà Đỗ Thị Thơ (ngụ xã Khánh An) làm chủ, có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên phương tiện có chứa 1.280 bao (trọng lượng 32 tấn) hoá chất xuất xứ nuớc ngoài, 1.200 bao (trọng lượng 30 tấn) bột đá không rõ nguồn gốc và 21 phuy nhựa chứa 4.620 lít hóa chất xuất xứ nước ngòai. Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Văn Pha (ngụ xã Khánh An) thừa nhận là chủ sở hữu số hàng hóa trên. Tuy nhiên, ông Pha không xuất trình được hóa đơn hợp pháp theo hàng hoá thực tế để chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ.
Tổ công tác tiến hành bàn giao cho Công an huyện An Phú lập biên bản, tạm giữ tang vật, phương tiện để xác minh làm rõ.
Lào Cai thu giữ số lượng lớn pháo, thuốc lá lậu
Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp với lực lượng chức năng triệt phá thành công chuyên án, bắt quả tang 6 đối tượng đang có hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ và thuốc lá lậu tại tổ 27, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai.
Tại thời điểm đột kích, lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng trên đang bốc dỡ số hàng gồm 29 thùng các tông chứa tổng trọng lượng gần 500 kg pháo nổ; 384 cây thuốc lá các nhãn hiệu Marlboro, Jinning, Mevius. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ số hàng trên cùng 6 điện thoại di động, 2 xe ô tô và nhiều tang vật khác có liên quan.
Kho pháo nổ, thuốc lá lậu vừa bị bắt giữ ở Lào Cai.
Bước đầu tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, các đối tượng khai nhận được 1 người đàn ông không quen biết đặt mua pháo và một số hàng cấm khác. Hà Minh Hải đã liên hệ với một số chủ hàng bên phía Trung Quốc đặt mua pháo và thuốc lá, sau đó thuê người vận chuyển về Lào Cai.
Do thời gian này lực lượng chức năng hai bên biên giới kiểm soát gắt gao, phòng, chống người xuất nhập cảnh trái phép nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 nên các đối tượng không mua được đủ số lượng khách yêu cầu, việc vận chuyển trái phép diễn ra nhỏ giọt, gom hàng một thời gian mới đạt số lượng như trên.
Qua các vụ việc ở trên cho thấy, càng gần những tháng cuối năm, lợi dụng nhu cầu sử dụng hàng hoá tăng cao của người tiêu dùng, nhiều đối tượng đã đẩy mạnh buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng để trục lợi. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc các lực lượng chức năng đẩy mạnh đấu tranh phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, đồng thời góp phần ngăn chặn dịch lây lan giữa các địa phương và từ bên ngoài vào trong nước.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.