Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 11 năm 2018 | 11:0

Đại Từ: Nhân dân đóng góp hơn 50 tỷ đồng XDNTM

Trong XDNTM, đặc biệt là làm đường giao thông thôn, xây dựng các công trình cơ bản, sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước là rất quan trọng.

Do vậy, việc tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ hỗ trợ xi măng cho các xã được xem là chất xúc tác để huy động sức dân cùng Nhà nước thực hiện thành công Chương trình XDNTM.

 

ntm.jpg
Xã Na Mao (Đại Từ) xây Nhà văn hóa xã với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Đến đầu tháng 10/2018, xã đạt 12/19 tiêu chí NTM. Ảnh: Hải Hằng.

 

Hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn

Năm 2017, tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại từ hỗ trợ 25,1 nghìn tấn xi măng cho 30 xã, thị trấn làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa. Kết quả, gần 150km đường giao thông nông thôn, đường vào vùng sản xuất tập trung được cứng hóa; nhiều công trình phụ trợ của 42 nhà văn hóa xóm thuộc các xã Phú Cường, Phục Linh, Hà Thượng, Cát Nê, La Bằng, Minh Tiến được xây dựng.

Căn cứ vào nhu cầu của các xã, năm 2018, huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên tiếp tục hỗ trợ 22,04 nghìn tấn xi măng để các xã, thị trấn làm đường giao thông, hạ tầng khu phát triển sản xuất, xây dựng công trình phụ trợ nhà văn hóa xóm.

Được biết, những năm qua, Đại Từ đã sử dụng đúng mục đích số xi măng được hỗ trợ. Các công trình xây dựng đều đạt chất lượng, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, hiệu quả sử dụng cao.

Đặc biệt, để sử dụng xi măng hiệu quả, hàng năm, Đại Từ đã lồng ghép các nguồn vốn Chương trình 135, Chương trình MTQG về XDNTM, ngân sách tỉnh, huyện cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn...

Theo bà Hoàng Ngọc Bích, Phó chủ tịch UBND xã Phú Cường, nếu không có nguồn xi măng hỗ trợ của Nhà nước, không chỉ riêng Phú Cường mà nhiều địa phương khác cũng khó hoàn thành được nhiều tiêu chí khó như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi.

Còn theo ông Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Từ, huyện đã phân bổ xi măng theo nhu cầu và khả năng thực hiện của các xã, thị trấn. Trong đó, đối với những địa phương đăng ký làm đường giao thông, huyện ưu tiên phân bổ theo khối lượng thực tế đã tạm ứng và đang triển khai thực hiện, phần còn lại ưu tiên các xã về đích NTM...

Phát huy sức dân

Khi triển khai XDNTM, Đại Từ xác định, đây là chương trình lớn, mang tính toàn diện nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, cần tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình, từ đó huy động sức mạnh của toàn dân. Trên thực tế, nhiều xã trên địa bàn đã làm tốt việc này.

Phục Linh là xã có xuất phát điểm khá thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, môi trường ô nhiễm và cơ sở hạ tầng thiếu, yếu… Trong quá trình XDNTM, xã đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân thông qua việc hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng kênh mương, đường giao thông, nhà văn hóa…

Tổng kinh phí dành cho XDNTM của xã gần 39 tỷ đồng, trong đó, ngân sách của Nhà nước hỗ trợ 28,8 tỷ đồng, hơn 10 tỷ đồng còn lại do doanh nghiệp, nhân dân đóng góp. Từ đó, xã đã xây dựng trên 24km đường bê tông, hơn 16km kênh mương, xây mới 10 nhà văn hóa…

Được biết, năm 2017, huyện Đại Từ xây dựng trên 87km đường bê tông nông thôn, trong đó, kinh phí đối ứng của nhân dân gần 40 tỷ đồng. Ngoài ra, trên 1.500 hộ hiến trên 91.000m2 đất. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng nguồn lực dành cho XDNTM của Đại Từ là trên 201 tỷ đồng, trong đó, 12,3 tỷ đồng là tiền đóng góp của nhân dân.

Bằng nguồn vốn này, huyện đã xây dựng 36 công trình giao thông, 32 công trình thủy lợi, 6 công trình thể thao cấp xã, 25 công trình nhà văn hóa xóm. Ngoài ra, Đại Từ còn sửa chữa, nâng cấp trạm y tế, trường học, chợ nông thôn, xây dựng điểm tập kết xe chở rác...

Như vậy, từ năm 2017 đến tháng 6/2018, người dân  huyện Đại Từ đã đóng góp hơn 50 tỷ đồng, trên 91.000m2 đất, cùng hàng nghìn ngày công để XDNTM.

Năm 2018, Đại Từ có 5 xã (Khôi Kỳ, Phú Xuyên, Phú Lạc, Tân Linh và Bình Thuận) đăng ký về đích NTM. Đến nay, các xã này đã thực hiện rà soát toàn bộ kết quả thực hiện, nhằm xác định các tiêu chí còn thiếu, từ đó tập trung sức mạnh để hoàn thành.

Tin rằng, với nỗ lực của cán bộ và người dân nơi đây, Đại Từ sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM trước năm 2020.

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top