Nhờ làm tốt công tác vận động, kết nghĩa bon, buôn đi đôi với việc thực hiện tốt chính sách dân tộc giai đoạn 2011 -2016 nên Đắk Glong (Đắk Nông) đã từng bước đẩy lùi khó khăn, thách thức, sớm thoát khỏi huyện nghèo, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Ông Vũ Tá Long, Chủ tịch UBND Đắk Glong (bên phải) cùng Công an huyện và bà con trồng cây lưu niệm tại Quảng Khê.
Khó khăn và khó khăn
Đắk Glong là huyện mới thành lập (7/2005) trên cơ sở chia tách từ huyện Đắk Nông cũ, với diện tích trên 144.875ha, có 7 đơn vị hành chính cấp xã, 61 thôn, bon; dân số 13.178 hộ, trên 60. 000 nhân khẩu, trong đó có 30 bon đông đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 62,19%. Thu nhập bình quân khu vực đồng bào dân tộc thiểu số 12,5 triệu đồng/người/năm.
Mặc dù giàu tiềm năng về thủy điện, đất đai, khoáng sản (vàng, vonfram...), song Đắk Glong vẫn là huyện nghèo. Đáng chú ý, từ năm 2011 đến nay, dân di cư tự do từ miền núi phía Bắc vào nhiều, nhất là đồng bào Mông, dẫn đến thiếu đất ở, đất sản xuất. Trong nhiều năm liền, đã xảy ra tình trạng chặt phá, lấn chiếm rừng làm nương rẫy, xung đột với nông, lâm trường… khiến cho tình hình an ninh trật tự tại địa phương thêm phức tạp. Nguy hiểm nhất là bọn phản động lưu vong người Mông tuyên truyền, lôi kéo người Mông trong nước nhen nhóm các hoạt động thành lập “Nhà nước Mông”, kích động người Mông bỏ về phía Bắc, tham gia gây rối, biểu tình, bạo loạn. Do bị kích động, năm 2011, Đắk Glong đã có 135 hộ/810 người Mông ồ ạt bán tài sản đi khỏi địa phương, vì vậy, huyện đã phải phân loại, đưa 10 thôn/6 xã vào địa bàn cần tập trung củng cố.
Ngoài ra, chúng còn đưa người vượt biên trái phép, tham gia hoạt động phỉ, dẫn đến an ninh vùng đồng bào Mông ngày càng phức tạp. Công an Đắk Glong đã xử lý 28 vụ vi phạm, nhiều nhất là việc phụ nữ Mông bị lừa bán sang Trung Quốc, vẫn chưa có cách giải quyết triệt để, do việc tiếp nhận, xử lý các thông tin còn gặp nhiều khó khăn.
Điều đáng nói là, đồng bào Mông thường sống ở vùng sâu, vùng núi cao, xa trung tâm hành chính xã; trong đó một số thôn chưa được trang bị cơ sở vật chất như ở vùng thấp nên càng khó quản lý. Hiện, Đắk Glong vẫn còn 6 điểm người Mông sinh sống ngoài khu vực dân cư, chưa thành lập thôn, bon; 16.243 tín đồ người Mông theo đạo Tin lành, sinh hoạt tại 22 điểm tự phát trên đất mượn, chưa được chuyển đổi mục đích cho sinh hoạt tôn giáo. Mặt khác, do phong tục sử dụng vũ khí tự chế còn phổ biến, dẫn đến việc người Mông dùng loại súng này để săn bắn, giải quyết mâu thuẫn với nhau chưa được xử lý triệt để. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, đã có 10 vụ làm 1 người chết, 2 người bị thương; công an đã thu giữ 17 súng tự chế, khởi tố 1 vụ án (1 đối tượng); xử phạt hành chính 14 đối tượng với số tiền 23,5 triệu đồng.
Xây dựng khối đoàn kết qua kết nghĩa với cơ sở
Tuy nằm ở trung tâm xã Quảng Khê, song bon K’Nur lại có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhiều hộ thuộc diện nghèo, đời sống khó khăn, cơ sở hạ tầng kém phát triển, trình độ dân trí thấp; an ninh trật tự còn nhiều phức tạp, vì vậy, Công an huyện đã chọn kết nghĩa với bon để hỗ trợ đồng bào. Được biết, đây là một trong những bon được thành lập sớm nhất của xã, dân số 405hộ/1.697 khẩu, có 8 dân tộc sinh sống (181 hộ/700 nhân khẩu). Năm 2016, có 263 hộ/1.112 khẩu thuộc diện nghèo; 66 hộ/227 khẩu cận nghèo.
Từ thực tế trên, Công an Đắk Glong đã tham mưu cho Quảng Khê thực hiện các chính sách xã hội đối với đồng bào; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần đảm bảo trật tự an ninh trên địa bàn. Đã tổ chức tuần tra 172 buổi/ 492 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia. Nhắc nhở 82 lượt thanh, thiếu niên chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không phóng nhanh vượt ẩu; không tụ tập chơi khuya gây mất trật tự công cộng. Nhắc nhở 35 lượt gia đình bảo quản tài sản: xe máy, nông sản, tránh trộm cắp xâm hại. Tổ chức 4 buổi tuyên truyền pháp luật, thông báo thủ đoạn các loại tội phạm để nhân dân cảnh giác, thu hút 496 lượt người tham gia. Phát 150 tờ rơi tuyên truyền, điều tra xử lý 32 vụ về an ninh trật tự, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản. Tư vấn, hỗ trợ thành lập tổ an ninh thôn, hướng dẫn hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự trong các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ...
Ngoài việc giúp đảm bảo an ninh, trật tự, Công an Đắk Glong còn hỗ trợ bon K’Nur xây dựng 1nhà tình nghĩa, trị giá 30 triệu đồng; tặng quà cho 5 gia đình thương binh. Tổ chức 5 buổi vui Tết Trung thu, tặng quà, sách vở, đèn lồng cho các cháu trị giá 10 triệu đồng; tặng quà Tết Nguyên đán trị giá 5 triệu đồng. Tổ chức 8 buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa Đoàn Thanh niên, Công an huyện và thanh niên bon; 3 buổi tình nguyện dọn vệ sinh, cắt tóc cho người dân, thiếu nhi; sơn sửa nhà văn hóa cộng đồng; xịt thuốc muỗi, tặng quần áo, quà bánh, trị giá 20 triệu đồng.
Chương trình kết nghĩa Công an Đắk Glong và bon K’Nur thời gian qua đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng đồng bào Quảng Khê. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, mức sống, thu nhập của người dân nâng cao, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất, xóa nghèo, từng bước tiến kịp miền xuôi. Các lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường cũng được quan tâm, giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, phát triển. Trình độ dân trí, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được củng cố.
Giai đoạn 2011 -2016, Đắk Glong đã có 30 bon kết nghĩa với 57 đơn vị. Trong đó, Quảng Khê 9 bon/19 đơn vị; Quảng Sơn 7 bon/12 phòng ban; Đắk Rmăng 4 bon/9 đơn vị; ĐắkSom 5 bon/8 đơn vị; Đắk Plao 3bon/6đơn vị; Đắk Ha 2 bon/3 đơn vị. Tổng số tiền Nhà nước đã hỗ trợ là 922 triệu đồng, các đơn vị được phân công kết nghĩa 709 triệu đồng. Năm 2017, Nhà nước hỗ trợ 180 triệu đồng, các đơn vị được phân công 319 triệu đồng để giúp đỡ nhân dân.
Khi chính sách đi vào cuộc sống
Để chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào kịp thời, hiệu quả, Sở Tư pháp, Công an, Phòng Dân tộc, Trung tâm bồi dưỡng chính trị và một số đơn vị đã vào cuộc tích cực. Trước tiên, phổ biến chính sách dân tộc cho đội ngũ cán bộ xã, thôn, bon, tổng số 52 buổi/3.541 lượt người tham gia, cấp phát 25.260 tờ rơi. Phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tuyên truyền pháp luật cho người dân được 46 buổi với 3.437 lượt người tham gia; cấp phát 17.376 tờ rơi các loại. Trợ giúp pháp lý miễn phí cho 753 người.
Từ kinh phí Chương trình 135 giai đoạn 2012- 2016 là 33.708 triệu đồng, huyện đã dành 12.001 triệu đồng để hỗ trợ sản xuất cho người dân; 20.667 triệu đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng; 1.040 triệu đồng dành cho sửa chữa, duy tu bảo dưỡng. Theo đó, đã xây mới, sửa chữa 3,5km đường giao thông nông thôn; 16 phòng học; 6 nhà sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ cây giống, dụng cụ sản xuất; tổ chức 9 lớp tập huấn/192 lượt cán bộ xã, thôn và người dân. Giúp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đào tạo nghề, phát triển kinh tế hộ.
Về chính sách với người có uy tín, Đắk Glong có 53 người/61 thôn, hàng năm, tổ chức gặp mặt, trao đổi thông tin, thăm hỏi, tặng quà; cử người uy tín đi tham quan, học tập trong và ngoài tỉnh…
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, ông Vũ Tá Long, cho biết: “Chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước giai đoạn 2011 -2016 đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã được thực hiện nghiêm túc. Chúng tôi luôn coi trọng và gắn kết với các chính sách đặc thù của huyện khi triển khai. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào các dân tộc Đắk Glong ngày càng ổn định, thu nhập người dân được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo và người mù chữ giảm đáng kể. Công tác bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc được chú trọng, nhiều lễ hội dân gian, truyền thống của đồng bào thiểu số được duy trì đều đặn. Việc chăm lo sức khỏe, ổn định đời sống cho nhân dân, nhất là khu vực thiểu số được quan tâm đặc biệt, hạn chế nhiều dịch bệnh xảy ra. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố. Việc xây dựng hệ thống chính trị gắn với công tác dân tộc có nhiều đổi mới và đạt hiệu quả cao”.
Tuy nhiên, điều chính quyền huyện Đắk Glong lo ngại là vấn đề di cư tự do vẫn chưa giảm. Vì vậy, theo ông Long, nên tiếp tục duy trì Chương trình 135 giai đoạn III, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tối đa 5 triệu đồng/hộ. Tăng mức hỗ trợ hộ nghèo, vùng khó khăn lên 100.000 đồng/khẩu/năm (vùng I); 150.000 đồng (vùng II); 200.000 đồng (vùng III). Mặt khác, tỉnh Đắk Nông cần tăng cường bằng nhiều nguồn vốn để đồng bào sớm thoát nghèo, ổn định đời sống.
Dương An Như
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.