Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 11 tháng 12 năm 2019 | 13:4

Đắk Nông: Chủ tịch thị trấn Đức An thờ ơ trước lời “cầu cứu” của dân?

Khoảng nửa tháng nay, nước sinh hoạt bị cắt đột ngột, cuộc sống của gần 45 hộ dân ở thị trấn Đức An (Đắk Song - Đắk Nông) bị đảo lộn hoàn toàn. Khi “cầu cứu” Chủ tịch UBND thị trấn, người dân nhận được sự thờ ơ, thậm chí là những lời nói thiếu chuẩn mực.

“Lao đao” vì bị cắt nước đột ngột

Theo tìm hiểu của phóng viên, khoảng 45 hộ dân ở TDP1, thị trấn Đức An đều ký hợp đồng sử dụng nước với Công ty CP cấp nước và phát triển đô thị Đắk Nông. Hệ thống đường ống cung cấp nước cho khu vực này có một đoạn được doanh nghiệp “gác tạm” lên cổng chào (cổng chào đặt ngang giữa tuyến đường Quốc lộ 14).

“Công ty CP cấp nước và phát triển đô thị Đắk Nông đi đường ống nước phía trên cổng chào là tự ý, không có văn bản xin phép cơ quan chức năng. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với người tham gia giao thông. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thị trấn, chúng tôi đã tiến hành tháo rời đường ống này ra khỏi cổng chào”, một cán bộ UBND thị trấn Đức An cho biết.

Việc đặt ống nước D40 lên cổng chào này, chính quyền địa phương cho là tiềm ẩn nguy hiểm.
Việc đặt ống nước D40 lên cổng chào này, chính quyền địa phương cho là tiềm ẩn nguy hiểm.

 

Sau khi đường ống bị tháo rời, gần nửa tháng nay, gần 45 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu lâm vào cảnh “lao đao” vì không có nước sinh hoạt để sử dụng.

Bà Hoàng Thị Láng, một trong số hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng bức xúc cho biết, cuộc sống của gia đình tôi bị đảo lộn hoàn toàn. Để có nước sinh hoạt chúng tôi phải sử dụng nhờ nước giếng khoan của hàng xóm. Việc này cũng mang tính chất tạm thời mà thôi, chứ không thể nhờ người ta lâu dài được. Tôi may mắn còn nhờ được hàng xóm, nhiều gia đình ở TDP1 này phải mua nước sinh hoạt ở nơi khác về sử dụng với giá rất cao.

Bà Láng hy vọng, sẽ không phải vay tiền ngân hàng về khoan giếng.
Bà Láng hy vọng, sẽ không phải vay tiền ngân hàng về khoan giếng.

 

“Nếu sự việc không thay đổi, tôi đang tính đến việc vay tiền ngân hàng để về khoan giếng. Chi phí dự tính mất hàng chục trục đồng tiền công, nhưng khoan xong có nước để sử dụng hay không thì chưa thể nói trước. Vì khu vực này, nhiều gia đình đã khoan giếng rồi nhưng sau một thời gian lại cạn trơ đáy”, bà Láng lo lắng nói.

Buông lời thiếu văn hóa

Sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, hằng ngày phải chạy vạy khắp nơi để xin nước, anh N.V.T, đại diện cho hàng chục hộ dân buộc lòng phải “cầu cứu” qua điện thoại với ông Nguyễn Phước Thiện, Chủ tịch UBND thị trấn Đức An.

Với thái độ rất lịch sự, gọi anh xưng em, anh T. đã giãi bày rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, thay vì nhận được sự cảm thông, chia sẻ, Chủ tịch UBND thị trấn Đức An lại tỏ thái độ thờ ơ đáng kinh ngạc và còn buông lời thiếu văn hóa.

Dưới đây là nội dung trao đổi của người dân với người đứng đầu UBND thị trấn Đức An:

Anh T. nói: “Em chào anh Thiện, bên thị trấn không cho đường ống đi qua cổng chào, dân không có nước để dùng anh ạ”.

Chủ tịch thị trấn trả lời: “Sở GTVT không cho, UB huyện cũng không cho em ơi”.

Anh T. thắc mắc: “Bên đơn vị cung cấp nước nước sạch, họ nói đã đã gửi công văn đề nghị địa phương cho tạm thời tiếp tục đi đường ống nước trên cổng chào nhưng họ không nhận được phản hồi anh ạ”.

Chủ tịch thị trấn trả lời: “M. mấy thằng đó là mấy thằng láo, M. tụi nó là tụi láo, M. kinh doanh thì bỏ tiền ra mà làm, đi đổi thừa linh tinh”.

Anh T. tiếp lời: “Không phải láo hay không láo, em thấy mấy bác xử lý như vậy là không hay rồi?”

Chủ tịch thị trấn trả lời: “Không hay thì sao, tao không có nhiệm vụ đó, đừng nói câu đó với tao, tao không có nhiệm vụ đó".

Đơn vị cung cấp nước nói gì?

Anh Đồng Văn Tuấn, Trạm Trưởng trạm Cấp nước và môi trường Đắk Song cho biết, trước khi tháo đường ống nước khỏi cổng chào, UBND thị trấn Đức An không hề thông báo bằng văn bản cho đơn vị chúng tôi.

“Việc làm đường đột trên của UBND thị trấn khiến chúng tôi bị động trong công tác xử lý sự cố, dẫn đến gián đoạn việc cung cấp nước sinh hoạt cho hàng loạt khách hàng”.

Hàng chục hộ dân đến bao giờ mới được có nước trở lại để sử dụng?
Hàng chục hộ dân đến bao giờ mới được có nước trở lại để sử dụng?

 

Một lãnh đạo Công ty CP cấp nước và phát triển đô thị Đắk Nông cho biết, từ cuối năm 2017, tuyến ống chính D90 cấp nước khu vực TDP1, thị trấn Đức An bị vỡ, không thể tiếp tục cấp nước. Công ty đã nhiều lần khoan, kích qua đường nhưng không được. Cty đã tạm thời lắp đường ống HDPE D40 trên cổng chào ngang Quốc lộ 14. Nhưng đến ngày 02/12/2019, UBND thị trấn Đức An cho người đến cắt và tháo dỡ đường ống.

“Chúng tôi đã làm văn bản đề nghị UBND huyện Đắk Song, UBND thị trấn Đức An xem xét cho chúng tôi tiếp tục tạm thời đi đường ống trên cổng chào để phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phản hồi. Việc nối dài đường ống để khoan, kích qua đường ở vị trí khác sẽ tốn kém rất nhiều chi phí, đơn vị hiện chưa thể cân đối được.  Còn thời gian nào người dân được cung cấp nước trở lại, tôi chưa thể thông tin được”, đại diện lãnh đạo Công ty CP cấp nước và phát triển đô thị Đắk Nông cho biết.

 

 

 

Trần Luật
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top