Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 9 năm 2019 | 20:22

Đắk Nông: Cơ quan chức năng bất lực trước tình trạng phá rừng?

Phá rừng, lấn chiếm đất rừng là câu chuyện không mới ở Đắk Nông. Thế nhưng, đến nay cơ quan chức năng ở đây vẫn chưa tìm được giải pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng này.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, trong 09 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh  phát hiện được gần 340 vụ phá rừng, làm thiệt hại gần 97 ha rừng.

Người dân xót xa

Câu chuyện gần 400 cây thông bị “bức tử” diễn ra vào đầu tháng 9 tại bon Păng Sim, xã Trường Xuân (Đắk Song - Đắk Nông) vẫn khiến dư luận bức xúc. Toàn bộ diện tích rừng thông bị đầu độc được giao cho hộ gia đình ông Lê Xuân Thủy có hộ khẩu ở địa phương quản lý, bảo vệ. Điều đáng nói, đây là lần thứ 3 trong năm 2019 rừng thông trên địa bàn bị bức tử, với tổng số lượng khoảng 700 cây bị chết “tức tưởi”. Con số này do cơ quan chức năng thống kê được, trên thực tế số lượng có thể lớn hơn nhiều lần. 

Rừng thông bon Păng Sim, xã Trường Xuân bị bức tử không thương tiếc.
Rừng thông bon Păng Sim, xã Trường Xuân bị bức tử không thương tiếc.

Ông Nguyễn Xuân Nam, người dân huyện Đắk Song cho biết, không chỉ ở xã Trường Xuân, rừng thông ở các khu vực khác như 2 xã Đắk N’Đrung, Nâm N’Jang cũng hứng chịu cảnh “chết đứng” bất thình lình. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm qua, nhưng nở rộ mạnh trong khoảng 6-7 năm trở lại đây.

“Các vị trí rừng thông bị bức tử phần lớn nằm ở vị trí mặt tiền các tuyến đường hay ở các vị trí có địa thế đẹp. Mục đích của các đối tượng chủ yếu để lấy đất sản xuất hoặc lấy đất mặt đường làm đất ở” - ông Nam nói.

Còn ông Trần Đình Mạnh, một người dân ở Đắk Lắk thường xuyên đi lại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Đắk Nông lại tỏ ra xót xa khi chứng kiến hàng nghìn cây thông bị rũ lá và chết dần do bị đầu độc.

“Khoảng 10 năm trước, khi đi qua tuyến đường Hồ Chí Minh tôi rất ấn tượng với những vạt rừng thông xanh mướt nằm hai bên đường. Còn bây giờ, những hình ảnh ấy chỉ còn trong ký ức. Rừng thông thơ mộng ngày nào giờ phải nhường chỗ lại cho rừng cây công nghiệp và nhà cửa thi nhau mọc lên. Nếu cơ quan chức năng mạnh tay ngay từ đầu thì chắc chắn những những cánh rừng thông kia vẫn sẽ phủ màu xanh” – ông Mạnh xót xa cho biết.

Cơ quan chức năng bất lực?

Đắk Song được ngành chức năng đánh giá là một trong các điểm nóng để xảy ra tình trạng vi phạm lâm luật lớn nhất tỉnh Đắk Nông. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2019, toàn huyện phát hiện xảy ra 105 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích gần 22 ha. Các đơn vị chủ rừng để mất rừng nhiều nhất, gồm: Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao với 28 vụ, thiệt hại gần 7 ha; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đức Hòa 66 vụ, thiệt hại gần 13 ha rừng. 

Nhiều cán bộ nguyên là lãnh đạo Cty TNHH MTV lâm nghiệp Đức Hòa từng dính vòng lao lý vì để mất rừng (ảnh tư liệu)
Nhiều cán bộ nguyên là lãnh đạo Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đức Hòa từng dính vòng lao lý vì để mất rừng (ảnh tư liệu).

Ông Lê Văn Hải, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, cho biết: “Các vụ phá rừng diễn ra trên lâm phần do đơn vị quản lý mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu dưới 5.000m2. Trong số các vụ việc xảy ra, một số vụ chúng tôi xác định được đối tượng phá rừng, còn nhiều vụ hiện chưa xác minh được. Địa bàn quản lý rộng, diện tích rừng nằm xen kẽ với rẫy sản xuất của người dân, nên rất khó quản lý và bảo vệ nguyên hiện trạng rừng hiện có”.

Còn ông Bùi Hữu Tài, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song lại cho rằng: “Không chỉ huyện Đắk Song là điểm nóng phá rừng, các địa phương khác như Tuy Đức, Đắk G’long cũng nằm trong danh sách này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất rừng, trong đó lực lượng mỏng phải quản lý diện tích rộng lớn cũng khiến cho công tác này ít nhiều chưa đạt hiệu quả".

Để tìm hiểu rõ hơn về những khó khăn của lực lượng chức năng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã liên hệ làm việc với ông Lê  Công Trường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, tại buổi làm việc, ông Trường chỉ đồng ý cung cấp các tài liệu liên quan và từ chối trả lời tất cả các câu hỏi mà phóng viên đưa ra. 

Năm 2018, ông Lê Công Trường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm chỉ được cấp trên đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Năm 2018, ông Lê Công Trường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm chỉ được cấp trên đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đầu tháng 8/2019, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã có văn bản đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác QLBVR. Văn bản nêu: Trong 7 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 524 vụ vi phạm các quy định của luật Lâm nghiệp; trong đó, 48 vụ khai thác rừng trái pháp luật. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh xảy ra 265 vụ phá rừng trái pháp luật, làm thiệt hại 66 ha rừng các loại. So với cả nước, địa phương này nằm trong danh sách các tỉnh để xảy ra tình trạng phá rừng nhiều nhất.

 

 

 

 

Trần Luật
Ý kiến bạn đọc
Top