Kinh tế nông thôn nhận được phản ánh của người dân về việc hàng loạt căn nhà gỗ ngang nhiên mọc lên trên lâm phần do Công ty Nam Tây Nguyên quản lý. Điều đáng nói, việc phân lô, rồi cho phép cán bộ làm nhà trên đất rừng là chủ trương của doanh nghiệp.
Để tìm hiểu sự việc, từ trung tâm TP.Gia Nghĩa, PV đã di chuyển khoảng 80km để vào xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Dọc tuyến đường bê tông dẫn vào trụ sở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, PV chứng kiến có hàng loạt căn nhà gỗ “lọt thỏm” giữa đất rừng. Xung quanh những ngôi nhà này, nhiều cây rừng vẫn phát triển xanh tốt.
Để tìm hiểu chủ nhân của những ngôi nhà này, PV đã tiếp cận một số người dân ở khu vực này. Anh Nguyễn Văn B. thẳng thắn cho biết: Toàn bộ những căn nhà gỗ này là của cán bộ, công nhân viên Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, còn người dân ai dám “cả gan” làm nhà trên đất rừng chứ. Quá trình thi công, tôi thấy họ làm công khai, không lén lút, chắc có ai đó “bật đèn xanh” cho rồi, chứ đất lâm nghiệp bảo vệ nghiêm ngặt làm gì được phép làm nhà ở.
Để xác thực phản ánh của người dân, PV đã đến trụ sở và đăng ký làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên. Trong quá trình di chuyển đến trụ sở, nhóm PV còn bắt gặp hình ảnh khó tin khác, một máy múc cỡ lớn cùng 2 xe ben hạng nặng đang hối hả múc đất rừng.
Sự việc diễn ra ngay trước cổng Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên và nằm trong lâm phần do công ty này quản lý nhưng không bị ngăn chặn. Theo người dân thì, người tổ chức thuê các phương tiện cơ giới vào rừng để múc đất là nhân viên của Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên.
Liên hệ với UBND xã Quảng Trực, một cán bộ của xã này cho biết: Việc làm nhà khi đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng như vậy là trái với các quy định hiện hành; việc san lấp mặt bằng không phép là hành vi hủy hoại đất bị xử lý theo Nghị định 91 của Chính phủ. Trách nhiệm ở đây thuộc về đơn vị chủ rừng.
Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, cho biết: Trước năm 2017, đã có một số anh em ngành lâm nghiệp làm nhà ở (10 căn nhà) rồi. Thời gian đó, anh Đức (nguyên Giám đốc) đã có tờ trình xin phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, trong đó đề xuất, dọc tuyến đường lâm nghiệp trước trụ sở công ty làm khu lâm nghiệp để cán bộ, công nhân viên tập trung vào đó sinh sống để người lao động yên tâm làm việc. Về quan điểm của tôi, khi tiếp nhận nhiệm vụ của người tiền nhiệm thì tôi cho rằng, đây là giải pháp tình thế nhưng cũng rất nhân văn, thu nhập của anh em rất thấp, việc tạo điều kiện này là trách nhiệm của Ban lãnh đạo.
Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận về mặt pháp lý thủ tục chưa đúng quy định, quy trình. “Theo đề xuất của tờ trình, chúng tôi đã giải thửa, phân lô cho anh em rồi, chuyện này là sai. Nhưng tôi cho rằng, đây là vấn đề nhân văn, đề nghị các cấp, các ngành quan tâm, còn bản thân tôi sẽ cố gắng hoàn thiện thủ tục đầu đủ cho anh em”.
Theo quy định hiện hành, chủ rừng không có thẩm quyền cấp, cho thuê đối với đất do chủ rừng quản lý. Cấp, cho thuê đất rừng phải thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Như vậy, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên biết việc phân lô, giải thửa là sai... nhưng vẫn cố tình thực hiện cần phải được xử lý nghiêm, tránh tình trạng đất rừng bị sử dụng sai mục đích.
Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.