Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 4 tháng 11 năm 2020 | 17:54

Đắk Nông: Doanh nghiệp nhà nước bị dân tố “có nợ không trả”

Dù đã thực hiện đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng, 2 bên đã ký biên bản nghiệm thu và thanh lý, tuy nhiên, 3 năm qua, bà Ngô Thị Kim Liên ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức vẫn chưa được Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên thanh toán hết công nợ.

Gõ cửa nhiều nơi nhưng… chưa đòi được nợ

Theo tìm hiểu của PV, trong 3 năm (2015, 2016, 2017), Xí nghiệp Đức Phú thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đứng ra ký 3 hợp đồng với bà Ngô Thị Kim Liên về việc giao khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ với diện tích là 18,93 ha tại tiểu khu 1466. Tổng giá trị hợp đồng gần 1,15 tỷ đồng.

Đối với 3 hợp đồng đã ký, đến nay Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên chỉ thanh toán xong hợp đồng số: 02a/HĐ-XN ký năm 2016. Còn hợp đồng số: 19a/HĐ-XN ký năm 2015 và hợp đồng số: 01/HĐ-XN ký năm 2017, Công ty chưa thanh toán cho bà Liên số tiền gần 89 triệu đồng.

Ban Tiếp công dân tỉnh Đắk Nông yêu cầu Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên rà soát, giải quyết theo thẩm quyền.
Ban Tiếp công dân tỉnh Đắk Nông yêu cầu Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên rà soát, giải quyết theo thẩm quyền.

 

Dù bà Liên nhiều lần viết giấy đề nghị thanh toán công nợ và làm việc trực tiếp với lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên nhưng đến nay, số nợ còn lại vẫn chưa được xử lý.

Bức xúc trước việc Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên “chây ì” trả nợ, bà Liên đã gửi đơn cầu cứu đến Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông. Nội dung đơn chủ yếu kiến nghị lãnh đạo tỉnh xem xét, chỉ đạo Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên thanh toán số tiền gần 113 triệu đồng, trong đó 89 triệu là khoản nợ còn lại của 2 hợp đồng,  24 triệu đồng là tiền lãi tính từ năm 2017 đến tháng 6/2020.

Bà Ngô Thị Kim Liên khẳng định, Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã vi phạm hợp đồng đã ký với tôi. Tại điều 6 của các hợp đồng ghi rõ: “Sau khi nghiệm thu, căn cứ khối lượng đã được nghiệm thu bên B xuất hóa đơn cho bên A, bên A sẽ thanh toán cho bên B”. Mặc dù tôi đã hoàn thành các nghĩa vụ, thủ tục ghi trong hợp đồng nhưng đến nay, Công ty này vẫn không chịu thanh toán nợ là hành vi cố ý chiếm đoạt tài sản.

Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên vi phạm hợp đồng?

Văn bản trả lời kiến nghị của bà Ngô Thị Kim Liên, ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, cho biết: Năm 2019, Thanh tra tỉnh Đắk Nông thanh tra Quỹ Bảo vệ phát triển rừng, trong đó có thanh tra công tác trồng rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên. Theo kết luận thanh tra, tổng diện tích công ty trồng thiếu so với diện tích thiết kế là 6,4ha, diện tích khu vực bà Ngô Thị Kim Liên trồng thiếu 0,56ha. Do đó, công ty khấu trừ lại gần 40 triệu đồng, tương ứng với diện tích 0,56 ha mà bà Liên trồng thiếu.

Liên quan đến vấn đề tính lãi suất, ông Bình cho rằng, công ty không có cơ sở chi trả vì trong hợp đồng không ghi các điều khoản phải tính lãi nếu thanh lý chậm.

Sau khi bỏ công, bỏ sức ra chăm sóc, bảo vệ rừng, đến bao giờ Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên mới thực hiện đúng cam ke6t1ghi trong hợp đồng?
Sau khi bỏ công, bỏ sức ra chăm sóc, bảo vệ rừng, đến bao giờ Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên mới thực hiện đúng cam kết ghi trong hợp đồng với bà Ngô Thị Kim Liên?

 

Chủ tịch Công ty này xác nhận, còn nợ bà Ngô Thị Kim Liên số tiền 55 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Bình lại cho rằng, đây là số tiền Quỹ Bảo vệ phát triển rừng chưa thanh toán cho công ty. Công ty sẽ tiếp tục làm việc với Quỹ Bảo vệ phát triển rừng, nếu Quỹ bảo vệ phát triển rừng chuyển trả thì công ty sẽ thanh lý hết số tiền còn lại ?!

Trao đổi với PV, bà Liên không đồng tình với các nội dung trả lời nói trên. Cụ thể: Các biên bản nghiệm thu vào năm 2017 đều thể hiện bà hoàn thành 100% khối lượng công việc ghi trong hợp đồng, đến năm 2019, sau khi thanh tra lại “áp đặt” bà trồng thiếu 0,56 ha là thiếu có căn cứ, không khách quan. Bởi sau khi nghiệm thu, trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, để cây chết dẫn đến giảm diện tích trồng rừng thuộc về Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên. Hơn nữa, nếu sai diện tích tại sao hợp đồng số 02a ký ngày 06/01/2016, Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên lại thanh toán 100% giá trị hợp đồng.

Về lãi suất trả quá hạn, theo bà Liên, dù hợp đồng không ghi các điều khoản phải tính lãi nếu thanh lý chậm, tuy nhiên, theo khoản 2, điều 305 Luật Dân sự 2005 đã quy định như sau: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Vì vậy, bà yêu cầu Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên phải trả thêm 24 triệu đồng tiền lãi trả chậm là có cơ sở và đúng theo quy định của pháp luật..

Về nội dung trả lời: Khi nào Quỹ bảo vệ phát triển từng chuyển trả thì Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên mới thanh toán, bà Liên cho rằng đây là sự vô lý, thiếu trách nhiệm, không nắm rõ quy định pháp luật của người đứng đầu Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đối với các hợp đồng đã ký. Bởi hợp đồng bà ký với Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên chứ không ký với Quỹ Bảo vệ phát triển rừng, nên Công ty này phải có nghĩa vụ thanh toán hết công nợ bằng các nguồn vốn hợp pháp, không nên “vin” vào các lý do thiếu thuyết phục để trốn tránh trách nhiệm trả nợ.

 

 

Đông Quân
Ý kiến bạn đọc
Top