Dù xảy ra tranh chấp, nhưng Phó Chủ tịch TT.Kiến Đức (Đắk R’lấp) vẫn ký xác nhận đất không tranh chấp để 2 hộ thực hiện tiếp quy trình cấp sổ đỏ. Sự việc bị phát hiện, người có quyền lợi liên quan đã gửi đơn yêu cầu xử lý trách nhiệm các cán bộ liên quan.
Có uẩn khúc ?
Theo tìm hiểu của PV, bà Nguyễn Thị Cửu và bà Nguyễn Thị Xuân nộp đơn đăng ký cấp giấy CNQSD đất tại bộ phận một cửa UBND thị trấn Kiến Đức cho 2 thửa đất tại đường Hai Bà Trưng (TDP8, thị trấn Kiến Đức). Sau khi tiếp nhận hồ sơ, UBND thị trấn Kiến Đức mà trực tiếp là ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó chủ tịch UBND thị trấn đã ký xác nhận đất có nguồn gốc khai hoang năm 1987 và không có tranh chấp.
Sau đó, hồ sơ này được niêm yết công khai tại Bảng thông báo TDP8 và trụ sở UBND thị trấn từ ngày 18/11/2019 - 02/12/2019. Tiếp đó, hồ sơ của bà Nguyễn Thị Cửu (xin cấp giấy CNQSD đất tại thửa đất số 114, tờ bản đồ số 30) được UBND thị trấn Kiến Đức chuyển lên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Đắk R’lấp.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Phương (trú tại xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) khẳng định, việc xác nhận của ông Nghĩa là sai sự thật, trái quy định. Ông Phương cho biết, 2 thửa đất mà Phó Chủ tịch UBND thị trấn ký xác nhận “không tranh chấp” thực chất đang xảy ra tranh chấp với gia đình ông.
Phát hiện sự việc, ông Phương đã gửi đơn yêu cầu ngăn chặn việc cấp giấy CNQSD đất cho 2 thửa đất nói trên đến UBND thị trấn Kiến Đức và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Đắk R’lấp.
Cũng tại tuyến đường Hai Bà Trưng (TDP8), ngoài bà Cửu, bà Xuân, ông Phương còn xảy ra tranh chấp đất với 6 hộ khác. Về sự việc này, Kinh tế nông thôn cũng từng đăng bài viết Đắk Nông: Uẩn khúc 23 năm chưa làm được sổ đỏ.
Liên quan đến sự việc trên này, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành văn bản yêu cầu UBND huyện Đắk R’lấp làm rõ nội dung đơn của ông Phương, nhưng đến này sự việc vẫn chưa có hồi kết.
Ông Lê Văn A, Phó trưởng phòng TN-MT huyện Đắk R’lấp, cho biết, phòng tôi được UBND huyện giao phối hợp với một số đơn vị liên quan xử lý đơn của ông Phương. Qua nghiên cứu đơn thấy, sự việc diễn ra hàng chục năm trước nên rất khó kiểm chứng được thông tin liên quan đến việc cơ quan chức năng thời điểm đó đã giao bìa, giao quyết định hủy bìa cho ông Phương hay chưa? Đối với 9 thửa đất mà ông Phương yêu cầu cơ quan chức năng giao lại sổ đỏ thì cơ quan chức năng đã ra quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý các thửa đất nói trên từ năm 2004. Đến nay, do phát sinh tranh chấp giữa 1 bên là ông Phương và bên còn lại là 8 hộ dân (trong đó có bà Cửu và bà Xuân), nên cơ quan chức năng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các thửa đất này.
“Giữa các hộ dân đang có tranh chấp với nhau, huyện đang vào cuộc xử lý, nhưng Phó chủ tịch UBND thị trấn Kiến Đức lại ký xác nhận đất không tranh chấp cho bà Sửu và bà Xuân là việc làm thiếu trách nhiệm, cố ý làm sai lệch tình trạng sử dụng đất. Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan chức năng phải làm rõ đằng sau sự việc này có uẩn khúc hay không?”, ông Phương bức xúc nói.
Từng tiếp tay làm giả hồ sơ… để người dân chiếm đoạt đất
Theo tìm hiểu của PV Kinh tế nông thôn, thời gian còn làm cán bộ Tư pháp – Hộ tịch, ông Nguyễn Văn Nghĩa cùng nhiều cán bộ (thuộc UBND thị trấn Kiến Đức, UBND huyện Đắk R’lấp) bị phát hiện tiếp tay giúp người dân giả mạo hồ sơ để chiếm đoạt đất trái luật.
Cụ thể, ông Nguyễn Hữu Hiếu và bà Phạm Xuân Đào là 2 vợ chồng sinh sống ở phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM có mảnh đất với diện tích 10.788 m2 tại TDP6, thị trấn Kiến Đức do 2 vợ chồng đứng tên. Trước lúc qua đời, ông Hiếu đã lập 1 bản di chúc hợp pháp với nội dung để lại cho bà Đào được hưởng di sản thừa kế phần diện tích đất nói trên. Khi ông Hiếu qua đời, năm 2010, bà Nguyễn Lưu Song Tiên là con riêng của ông Hiếu đã đến trình bày với ông Nguyễn Văn Lộc (cán bộ địa chính thị trấn).
Từ đó, được ông Lộc tư vấn lập hồ sơ giả, giấy tờ giả để xin chính quyền cấp lại giấy CNQSD đất khác mang tên ông Phạm Xuân Đào, trong khi giấy cũ bà Phạm Xuân Đào vẫn nắm giữ.
Điều bất thường đó là, giấy cũ mang tên bà Đào, giấy mới lại mang tên ông Đào. Sau khi nắm trong tay giấy CNQSD đất mang tên ông Phạm Xuân Đào thì bà Tiên tiếp tục làm hợp đồng để sang nhượng mảnh đất trên cho chính mình. Ông Đào là người không có thực, nhưng các hợp đồng sang nhượng vẫn được UBND thị trấn Kiến Đức công chứng trót lọt(?!)
Sự việc giả mạo hồ sơ trên sẽ bị ngăn chặn, nếu thời điểm làm cán bộ Tư pháp – Hộ tịch, ông Nguyễn Văn Nghĩa thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ. Theo quy định, đối với các hợp đồng sang nhượng bên bán và bên mua phải có mặt trực tiếp, cung cấp đầy đủ các giấy tờ tùy thân, ký hợp đồng mua bán trước mặt cán bộ Tư pháp – Hộ tịch. Tuy nhiên, theo giải trình của ông Nghĩa (khi sự việc bại lộ) gửi Đảng ủy thị trấn Kiến Đức (ngày 01/08/2014), thì hồ sơ chuyển nhượng được anh Lộc (cán bộ địa chính) xây dựng có đầy đủ chữ ký của các bên. Hồ sơ này (hợp đồng chuyển nhượng) được anh Lộc cho bên mua, bên bán ký trước (không ký trước sự chứng kiến của tôi). Dù hồ sơ không hợp lệ, nhưng ông Nghĩa đã “lờ đi”, cùng hàng loạt cán bộ khác “giúp sức” để người dân thực hiện “trót lọt” việc chiếm đoạt, chuyển nhượng đất trái luật.
Điều bất thường đó là, sự việc giả mạo hồ sơ bị bại lộ đến nay đã gần 6 năm, nhưng hàng loạt cán bộ tiếp tay chưa bị xử lý trách nhiệm, thậm chí còn thăng tiến giữ nhiều vị trí chủ chốt các sở, ngành của tỉnh, huyện Đắk R’lấp và thị trấn Kiến Đức!?
Quay trở lại câu chuyện của ông Nguyễn Trung Phương, liên quan đến 9 thửa đất mà ông đang tranh chấp với 8 hộ dân, để bảo vệ quyền lợi của gia đình, ông Phương đang tập hợp hồ sơ, giấy tờ để khởi kiện ra tòa theo quy định.
Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.