Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 3 năm 2021 | 11:39

“Đánh thức” tiềm năng cây dừa để thêm sản phẩm tỷ đô

Mặc dù được Cộng đồng Dừa quốc tế (ICC) đánh giá: Dừa Việt Nam có năng suất và chất lượng cao nhất thế giới, nhưng giá trị mang lại từ cây này lại chưa tương xứng với nhận định đó.

Người trồng dừa vẫn một sớm hai sương nhưng chưa giàu lên từ trái dừa. Làm gì để đánh thức tiềm năng và nâng cao giá trị của cây dừa và các sản phẩm từ dừa, nhất là khi biến đổi khí hậu khiến hạn, mặn ở ĐBSCL, nhất là Bến Tre, ngày càng khó lường đang là câu hỏi cho các nhà khoa học và cơ quan quản lý.

 

t5.JPG

Phận người lên xuống cùng trái dừa

Với trên 175.000ha dừa được trồng, cây dừa được xếp hàng thứ tư trong các cây công nghiệp lâu năm ở nước ta, sau cao su, hồ tiêu, điều. Hiện nay, diện tích dừa cả nước tập trung tại các tỉnh Duyên hải miền Trung, nhất là Bình Định và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tỉnh Bến Tre.

Trong đó, ĐBSCL chiếm gần 80% diện tích dừa cả nước với khoảng 130.000ha;  các tỉnh có diện tích trồng dừa lớn: Bến Tre (trên 72.000 ha), Trà Vinh (gần 20.000 ha), Tiền Giang (trên 14.000 ha), Vĩnh Long (trên 7.000 ha). Dừa được xác định là cây trồng quan trong cung cấp nguồn nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp.

Tại Bến Tre, hiện có gần 200.000 hộ dân trồng dừa.

Sản xuất dừa hiện vẫn nhỏ lẻ, chưa tập trung, mặc dù được Cộng đồng Dừa quốc tế (ICC) đánh giá có năng suất và chất lượng cao nhất thế giới. Tuy nhiên dừa vẫn cho thu nhập chưa cao, thậm chí còn bấp bênh và đều trông vào sự may rủi của thiên nhiên và thị trường.

Ông Võ Văn Tâm (xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) cho biết, do ảnh hưởng nước mặn ngấm vào trong đất, vì vậy cần rất nhiều phân bón để giảm độ mặn, độ chua của đất, giúp cây không bị teo đọt, đủ sức ra hoa. Trong mấy tháng qua, sản lượng dừa giảm, trái nhỏ, nguồn thu từ cây dừa không đủ chi phí mua phân bón để chăm sóc cây, mức độ đầu tư của gia đình cũng không nhiều, bón phân có hạn do kinh tế eo hẹp. Ngoài ra, hiện nay giá dừa đang giảm, nhưng lúc này cần đầu tư thêm phân bón, bồi bùn phủ lên gốc dừa để giúp cây  chống chịu hạn, mặn trong thời gian tới.

Còn ông Lê Văn Na (xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm) cho hay, kinh tế gia đình phụ thuộc vào 8.000m2  dừa, sau hạn mặn thu nhập gia đình giảm do dừa bị ảnh hưởng chất lượng, sản lượng trái giảm. Do đó, gia đình chỉ mới rải được 2 lần phân bón trong mùa mưa. Hiện nay, giá dừa lại giảm, thu nhập mỗi tháng của gia đình chỉ còn từ 3-4 triệu đồng. Ông Na chia sẻ, nếu có sự hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước để người dân đầu tư thêm cho cây dừa thì kinh tế của người dân sẽ đỡ vất vả hơn vào dịp cuối năm.

Ngồi bên đống dừa xiêm tươi hơn 100 trái vừa hái xuống, dùng dao chặt từng trái lấy nước nấu nước màu kho cá vì thương lái chê không mua. Những trái dừa xiêm đến kỳ thu hoạch bình thường to bằng bàn tay, nay èo uột, chỉ bằng cổ chân, người dân gọi đùa là dừa “điếc”, dừa “ca cao” vì nhỏ và dài giống trái ca cao. Ông Trần Trung Tác (70 tuổi, thị trấn Giồng Trôm) nói: “Bình thường, mỗi trái dừa xiêm ít nhất phải cho một xị (250 ml) nước, giờ chỉ được phân nửa, thậm chí một phần tư, nước chỉ đầy ly nước trà, phải hơn 200 trái mới được một lít nước màu”.

Ông Tác cho biết, vườn dừa nhà ông rộng 5 công (5.000 m2), hơn 20 năm tuổi, những năm trước, cây cho trái sai, mỗi chục (12 trái) bán được 130.000 - 180.000 đồng, mỗi tháng thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng. Gần đây, do dừa bị nhiễm mặn, trái nhỏ bất thường không bán được, thu nhập mỗi tháng của gia đình ông giảm liên tục, giờ chỉ còn 180.000-350.000 đồng.

Một trong những nguyên nhân làm cho trái dừa kém chất lượng  do sự biến đổi khí hậu, hiện tượng xâm nhập mặn đã làm biến đổi chất đất, đất không còn màu mỡ, bên cạnh đó còn là khâu chăm bón của người trồng dừa không đúng, dẫn đến việc ra trái không nhiều và chất lượng của dừa thay đổi. Vì vậy mà phận người trồng dừa vẫn lên xuống cùng với thiên nhiên. 

 

t5a.jpg
Du khách quốc tế rất yêu thích các sản phẩm hàng lưu niệm từ Dừa tại Bến Tre.

 

Theo ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đợt hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 gây ra tác động, thiệt hại rất lớn đến đời sống, kinh tế của người dân. Tỉnh đã hỗ trợ hơn 38,4 tỷ đồng cho người dân theo Nghị định 02/2017/NĐ của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, đối với loại cây rau màu, cây ăn trái lâu năm (sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh…).

Cây dừa, một trong những cây trồng chủ lực gắn với đời sống và thu nhập của người dân, trong đợt hạn mặn vừa qua, làm ảnh hưởng đến hơn 72.500ha dừa bị giảm năng suất, chất lượng, đa phần giảm từ 30-70%. Tuy nhiên, theo Nghị định 02/2017/NĐ của Chính phủ, cây dừa không đảm bảo điều kiện để được hỗ trợ khôi phục sản xuất. Do dừa bị giảm năng suất, chất lượng, từ đầu năm 2020 đến nay, thu nhập người dân trồng dừa giảm 50-60%. Cùng với tác động dịch bệnh Covid-19, người trồng dừa gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc chăm sóc vườn dừa sau hạn mặn còn hạn chế.

Tiềm năng của trái dừa

Không chỉ tỉnh Bến Tre, các địa phương có diện tích trồng dừa lớn cũng đang tìm thị trường cho trái dừa và các sản phẩm từ dừa. Có thể nói, trong nhiều năm qua, sản phẩm làm từ dừa được người tiêu dùng lựa chọn, do vậy, người trồng dừa cũng bớt đi phần khó khăn và vất vả.

Là doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, đã phát hiện thị trường một số nước đang tiêu thụ dừa không phải của Việt Nam, chính vì vậy, ông đã tìm đến vùng dừa xiêm Bến Tre chính hiệu và xuất thử một container cho đối tác thân thiết ở Mỹ. Đúng dự đoán, dừa xiêm Bến Tre ngon ngọt nhanh chóng được người tiêu dùng Mỹ đón nhận.

Đối tác nhanh chóng đặt hàng thêm và chỉ một năm sau đã chiếm chỗ dừa Thái tại nhiều quầy hàng bán dừa tươi tại Mỹ. Vina T&T phải xây thêm nhà máy quy mô xử lý 2,5 triệu trái/năm tại Bến Tre để đáp ứng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Đức, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: Tỉnh hiện có 525 doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực dừa, với tổng vốn khoảng 20.500 tỷ đồng. Hơn 200 sản phẩm từ dừa được sản xuất, chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu như: Cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, dầu dừa, mặt nạ dừa... Thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tiếp tục được giữ vững và mở rộng. Tính đến nay, sản phẩm dừa của Bến Tre đã xuất sang gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Một số sản phẩm từ dừa có giá trị cao: cơm dừa nạo sấy có giá trị xuất khẩu cao gấp 5 lần so với dừa trái; bột sữa dừa giá trị cao gấp 4 lần cơm dừa nạo sấy; sữa dừa có giá cao gấp 2 lần cơm dừa nạo sấy; kem dừa giá trị cao gấp 2 lần cơm dừa nạo sấy; dầu dừa tinh khiết có giá trị cao gấp 10 lần dầu dừa thô; chỉ xơ dừa cứng (tẩm keo) giá trị xuất khẩu cao gấp 3-4 lần chỉ xơ thô; chỉ xơ đơn và đôi giá trị xuất khẩu cao gấp 3,8 lần chỉ xơ thô… Đây là một trong những tiềm năng của trái dừa.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan từ thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan, trong 6 tháng đầu năm 2020 nhập khẩu dừa của Thái Lan từ Việt Nam đạt 2.280 tấn, trị giá 140 triệu Baht (tương đương 4,5 triệu USD), tăng hơn 212% về lượng và tăng 332% về trị giá. Tỷ trọng nhập khẩu dừa từ Việt Nam chiếm tới 36% tổng lượng dừa của Thái Lan.

 

t6.jpg
Các sản phẩm từ dừa được bày bán tại siêu thị dừa ở tỉnh Bến Tre.

 

Hiện nay, thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tiếp tục được giữ vững và mở rộng. Kim ngạch xuất khẩu dừa Bến Tre năm 2019 ước đạt 215,34 triệu USD, chiếm 22,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2019 là 11,93%/năm.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường đứng đầu nhập khẩu dừa Việt Nam với 30,4% thị phần, đạt 33,2 triệu USD, giảm 50% so với năm 2018. Thái Lan giảm 16,1%, Ai Cập giảm 28,7%... Tuy nhiên, một số thị trường khác lại tăng mạnh như Qatar tăng 578%, Tây Ban Nha tăng 93,4%, Úc tăng 29,7%, Hàn Quốc tăng 28%. 

Mới đây, Công ty Nafoods Group đã đề xuất đầu tư vào Bến Tre tổ hợp sản xuất chuỗi giá trị về dừa với tổng diện tích khoảng 30ha, bao gồm nhà máy sản xuất, chế biến dừa, vùng nguyên liệu dừa nguyên chất hữu cơ và khu nhà ở cho công nhân, kết hợp phát triển du lịch.

Công suất giai đoạn 1 khoảng 300-400 tấn quả/ngày, sản xuất 9-10 nghìn tấn bột dừa và nhiều sản phẩm khác từ dừa. Vị trí dự án nhà đầu tư đề xuất đặt tại huyện Giồng Trôm. Việc đầu tư này rất cần được khuyến khích nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước, vừa giúp gia tăng giá trị cho trái dừa Việt.

Khởi nghiệp từ dừa

Anh François Colonval, Tổng Giám đốc công ty nhập khẩu nông sản SEA (Bỉ), hơn 6 năm nay chỉ quan tâm đến nước dừa Việt Nam, nay đang tính tới chuyện mở rộng sang nhập khẩu nhiều dòng nông sản chế biến khác của Việt Nam.

Nước dừa Bến Tre là đam mê của François Colonval. Cách đây 6 năm, khi còn làm việc cho một công ty Bỉ, anh được công ty cử đi công tác ở Việt Nam. Đây cũng là lần đầu anh được biết vị nước dừa tươi, uống trực tiếp từ quả dừa Bến Tre.

“Tôi vốn thích dừa. Hai tháng ở Việt Nam, tôi thường uống nước dừa. Một người bạn nói với tôi, có nên nhập nước dừa về bán ở châu Âu hay không. Sau đó tôi lập công ty, chỉ để nhập khẩu nước dừa Việt Nam cách đây đã gần 6 năm”, anh François Colonval nói.

Món đồ uống thiên nhiên từ Việt Nam tăng trưởng dần trên thị trường châu Âu nhờ xu hướng ở châu Âu từ mấy năm nay - tiêu dùng thực phẩm lành mạnh, không thêm đường, không phụ gia hoá chất.

Anh François Colonval cho biết: “Tôi nhập nước dừa của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex). Hơn 6 năm nay chúng tôi làm ăn với nhau và ngày càng mở rộng sản phẩm này trên thị trường Bỉ. Cocoxim Việt Nam đang dần trở thành thương hiệu nước dừa được ưa thích trong các siêu thị và nhà hàng châu Á ở đây”.

Công ty của François Colonval cũng nhập thử từ Việt Nam sữa dừa cho các nhà hàng Thái, dầu dừa cho các hiệu làm tóc. Nhưng nước dừa tươi nguyên chất Bến Tre vẫn là mặt hàng chủ lực cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng và quán bar tại Bỉ.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, chủ quán Nem Nem Cà phê (Bỉ), cho hay: “Anh François giới thiệu nước dừa của Bến Tre, tôi thấy cũng thú vị nên lấy cho cửa hàng của mình. Sau đó, tôi cứ tiếp tục lấy sản phẩm của François”.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang mở ra nhiều cơ hội mới. Sau nước dừa, François đã nhập thêm từ Việt Nam bún gạo, bánh tráng, nước tương, nước mắm và bia Sài gòn.

Hiện nay, Công ty SEA phân phối nông sản Việt Nam cho khoảng 130 nhà hàng và siêu thị thực phẩm tại Bỉ, đồng thời cũng bán buôn những sản phẩm này cho một công ty tại Cộng hoà Czech. Xây dựng sự nghiệp từ nước dừa Việt Nam, François Colonval dự tính tuyển thêm nhân lực, nhằm mở rộng quy mô nhập khẩu nông sản Việt Nam sang châu Âu.

Được biết, sản phẩm nước dừa đóng hộp Cocoxim của Betrimex đã có đủ chứng nhận về chất lượng để có thể xuất khẩu vào bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Cần có cơ chế, chính sách phù hợp

Một trong những nỗi lo của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, theo ông Tùng, đó là dư lượng các chất cấm. Doanh nghiệp hiểu rằng chất lượng là vấn đề sống còn khi xuất khẩu nông sản sang các thị trường khó tính nên đã cùng nông dân xây dựng các vùng trồng đảm bảo chất lượng, tuân thủ không sử dụng các chất mà các thị trường nhập khẩu cấm.

 

t6a.jpg

Cần có giải pháp để sản phẩm chế biến từ dừa sáp có chỗ đứng trên thị trường.ư

 

Nỗi lo thứ hai là chi phí logistics chiếm đến 50-60% giá thành. Đây là một trở ngại rất lớn trong cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các quốc gia xuất khẩu khác, nhất là Thái Lan. Vì vậy, doanh nghiệp rất mong Việt Nam có một chiến lược hỗ trợ xuất khẩu nông sản thông qua các chương trình giảm chi phí logistics.

Theo các chuyên gia, các tỉnh trồng dừa cần tận dụng lợi thế của cây dừa để khai thác hiệu quả loại cây trồng này. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách, văn bản chỉ đạo điều hành nhằm thực thi giảm thiểu, thay thế đồ nhựa sử dụng một lần, thúc đẩy tiêu dùng xanh và hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam không sử dụng đồ nhựa một lần.

Điều này, tạo nên một lợi thế lớn cho cây dừa, các sản phẩm từ dừa như: đũa, muỗng, đồ gia dụng gia đình, chế biến món ăn, mỹ phẩm… có lợi thế và tiềm năng để phát triển. Hơn nữa, trong nền kinh tế xanh, phát triển nông nghiệp hữu cơ là vấn đề rất được quan tâm, hướng đến. Mụn dừa là nguồn nguyên liệu chế biến phân hữu cơ rất tốt.

Ông Nguyễn Văn Đức cũng cho biết,  kết quả đạt được của Bến Tre những năm qua khẳng định sự quyết tâm chung sức, đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và quan trọng là sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Hiệu quả nổi bật nhất là sự hỗ trợ của Bộ KH&CN cho Công ty Sản xuất dừa Lương Quới, thông qua Dự án Đổi mới công nghệ với kinh phí thực hiện 109 tỷ đồng; trong đó, Bộ KH&CN hỗ trợ gần 20 tỷ đồng.

Nhằm thúc đẩy phát triển ngành dừa theo chuỗi giá trị và hoạt động hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre kiến nghị Bộ KH&CN hỗ trợ xây dựng Trung tâm Nghiên cứu dừa quốc gia tại tỉnh Bến Tre, với các hoạt động như: Cung cấp giống dừa cấy mô chất lượng cao; quy trình canh tác dừa công nghệ cao; trình diễn công nghệ sản xuất tạo sản phẩm dừa; marketing sản phẩm từ dừa online; viện bảo tàng dừa; kinh tế số từ dừa...

Bên cạnh đó, hỗ trợ không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Do không gian này mới thành lập, dù đã học tập kinh nghiệm nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng vẫn còn yếu về tiềm lực, thiếu cơ sở vật chất. Do vậy, tỉnh kiến nghị Bộ KH&CN hỗ trợ đầu tư để không gian hoạt động hiệu quả và trở thành trung tâm của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long - điểm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, hỗ trợ tiềm lực KH&CN cho tỉnh Bến Tre như chiến lược KH&CN ngắn hạn, dài hạn; các chương trình dự án thay đổi thiết bị công nghệ; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của Bến Tre trong và ngoài nước.

Được biết, sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về phát triển bền vững cây dừa, nâng cao thu nhập cho người trồng dừa, UBND tỉnh Bến Tre đã đề ra nhóm 6 nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành của tỉnh chủ động thực hiện. Trong đó, phát triển chuỗi giá trị cây dừa thông qua phát triển HTX, THT. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ, nâng cao chuỗi giá trị trái dừa và phát triển xuất khẩu.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), dừa là một trong những cây trồng đã được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm quy hoạch.

Tại Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 2/2/2012 về việc quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, diện tích dừa Việt Nam là 140.000ha. Vùng sản xuất chính là ĐBSCL, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ.

Ngày 2/4/2014, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định 639 về quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, diện tích dừa là 123,3 nghìn hecta và sản lượng đạt 1 triệu tấn. Ngành nông nghiệp sẽ tập trung cải tạo vườn  và vườn dừa già cỗi, trồng cây thay thế bằng giống mới năng suất cao hơn, nhân rộng các mô hình trồng xen (ca cao, nuôi trồng thủy sản, nuôi gà), áp dụng các mô hình thâm canh thích hợp.

Tiềm năng và lợi thế từ dừa mang lại cho người nông dân là rất lớn, tuy nhiên, nếu chỉ có người trồng dừa mà không có sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp và không có chủ trương chính sách của Nhà nước thì thương hiệu dừa Việt Nam khó có chỗ đứng trên thị trường thế giới, trong khi nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng. Vì vậy, rất cần sự phối hợp từ các nhà để tạo nên giá trị và thương hiệu cho trái dừa Việt Nam.

 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Dừa là cây có lợi thế trong biến đổi khí hậu bởi chịu được độ mặn khá cao. Nếu tập trung phát triển tốt thì cây này có thể là “cây tỷ phú”.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top