Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 1 năm 2021 | 15:26

Đặt hàng, giao nhiệm vụ trong xây dựng sản phẩm OCOP: Cách làm sáng tạo từ Na Hang

Nhờ cách làm sáng tạo, đặt hàng, giao nhiệm vụ cụ thể cho người đứng đầu, từng doanh nghiệp, HTX trong thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giờ đây, huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã hoàn thành, vượt kế hoạch đề ra.

t52p.jpg
Nhiều sản phẩm OCOP của huyện Na Hang được dùng làm quà biếu cho nhiều lãnh đạo, nguyên thủ nước ngoài.

 

Mang lại giá trị cao

Trao đổi với phóng viên, ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang, cho biết, huyện có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm OCOP. Những năm qua, HĐND tỉnh có chính sách bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm cho 7 sản phẩm, trị giá 700 triệu đồng. Huyện đã lồng ghép các chương trình 30a, 135, NTM để hỗ trợ sản xuất; tham mưu, mở lớp hướng dẫn về kỹ thuật cho cán bộ chuyên môn, các chủ thể tham gia. 

“Đến nay, Na Hang có 16 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh, đạt 200% so với kế hoạch đề ra, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm sau khi đạt OCOP đã nâng cao được giá trị sản phẩm. Ví dụ, trước đây giá chè chỉ từ 200.000-300.000 đồng/kg, khi thực hiện Chương trình OCOP, kết hợp với công tác quảng bá, tăng lên 1,3 triệu đồng/kg. Nhiều HTX đã liên kết với doanh nghiệp đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn tiêu thụ”, ông Quý cho biết thêm.

Ông Đặng Ngọc Phố, Phó giám đốc HTX Sơn Trà (xã Hồng Thái), cho biết, HTX hiện có 3 sản phẩm, gồm: Chè Shan tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá, chè Shan tuyết Hồng Thái Lộc Trà đạt 4 sao, Chè Shan tuyết Hồng Thái 1 tôm 2 lá đạt 3 sao. Trước đây sản phẩm đã có uy tín, được thị trường tin dùng, sau khi đạt OCOP, được khách hàng tin dùng hơn, thuận lợi cho việc đưa sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ.

Về định hướng, ông Quý cho biết, để duy trì các sản phẩm OCOP, và tiếp tục triển khai các sản phẩm khác, huyện sẽ xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025, hướng tới làm tốt công tác tuyên truyền cho các HTX, tổ HTX, doanh nghiệp hiểu rõ về Chương trình OCOP, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá các phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao tại các hội chợ lớn trong và ngoài tỉnh.

Cách làm sáng tạo

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Anh Cương, Bí thư Huyện ủy  Na Hang, cho biết, thực hiện chỉ đạo chung của tỉnh về Chương trình OCOP, Na Hang đã thực hiện một cách quyết liệt, sâu sắc, Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành kết luận, thông báo giao UBND huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Trong khoảng 2 năm, huyện đề ra kế hoạch sẽ có 8 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, chỉ đạo sát sao, có cách làm đúng, bám sát vào thực tiễn, chọn những sản phẩm đúng theo tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong huyện, kết quả đạt tương đối tốt, hiện 16 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, gấp 2 lần so với kế hoạch đề ra.

Theo ông Cương, khi làm OCOP thấy tốt, Ban Thường vụ Huyện ủy họp giao UBND tổ chức Hội nghị tập huấn về OCOP, vì khi triển khai, số người hiểu về OCOP còn hạn chế. Huyện  mời các chuyên gia đầu ngành về OCOP đến hướng dẫn, trao đổi với người dân, doanh nghiệp, HTX, để cán bộ, đảng viên hiểu rõ hơn về OCOP.

Chia sẻ về sự thành công, ông Cương tâm sự, Na Hang không chỉ đạo chung chung mà đặt hàng, giao, nhiệm vụ, đặt hàng trực tiếp cho Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, đặt hàng trực tiếp cho một số đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND xã và lãnh đạo một số ngành. Ví dụ sản phẩm lúa nếp Thượng Nông (lúa nếp của người Tày), đặt hàng cho Bí thư Đảng ủy xã phải khôi phục, sau gần 1 năm sản phẩm được khôi phục, tiêu thụ rất tốt, đạt giá trị cao.

“Trong Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, có khâu đột phá “tập trung vào sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa đặc sản giá trị gia tăng cao”. Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ giao UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể cho cả giai đoạn 2020-2025. Theo đó, huyện tiếp tục chọn một số sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh, những sản phẩm riêng có ở Na Hang để tiếp tục làm sản phẩm OCOP, phấn đấu làm sao mỗi xã đến năm 2025 trung bình có 2-3 sản phẩm OCOP”, ông Cương cho biết.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top