San lấp đất nông nghiệp trái phép là dạng vi phạm không mới và rất dễ phát hiện nhưng tại sao phần lớn những vi phạm này đều không được ngăn chặn ngay từ ban đầu… trách nhiệm của người đứng đầu địa bàn đến đâu?.
Cụ thể, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tình trạng san lấp mặt bằng, tự ý chuyển đổi mục đích đất lúa diễn ra tương đối rầm rộ. Hậu quả là hàng trăm hecta đất nông nghiệp được san lấp và chuyển đổi trái phép. Sau đó, chính quyền Hưng Yên đã rất mạnh tay xử lý bằng các quyết định xử phạt hành chính nặng.
Mới đây, tỉnh Hưng Yên lại tiếp tục xử phạt thêm hàng loạt doanh nghiệp có hành vi chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn trái phép trên địa bàn huyện Yên Mỹ.
Cụ thể, UBND tỉnh Hưng Yên ra Quyết định số 994/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ thương mại PLC 160 triệu đồng. Do doanh nghiệp này khi thực hiện dự án tại xã Giai Phạm (huyện Yên Mỹ) đã tự ý san lấp 2,2ha đất trồng lúa khi chưa thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định.
Tại Quyết định số 995/QĐ-XPVPHC, tỉnh Hưng Yên xử phạt Công ty CP Nhựa Tuệ Minh 160 triệu đồng với hành vi tự ý san lấp 2,7ha đất trồng lúa khi chưa thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định.
Tại quyết định số 996/QĐ-XPVPHC, UBND tỉnh Hưng Yên xử phạt Công ty TNHH thương mại quốc tế Intraco 160 triệu đồng khi doanh nghiệp này tự ý san lấp mặt bằng trên diện tích khoảng 2,1 ha đất trồng lúa tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ khi chưa thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai.
UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu các doanh nghiệp phải dừng ngay việc xây dựng công trình, hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Để san lấp 1ha đất nông nghiệp, theo lẽ thường doanh nghiệp sẽ phải huy động nhiều xe ben để chở đất, đá. Địa điểm san lấp sẽ không khác gì một công trường. Nhưng tại sao phần lớn những vi phạm này đều không được ngăn chặn ngay từ ban đầu? Có doanh nghiệp san lấp trái phép diện tích đất nông nghiệp đến gần 10ha mới bị phát hiện? Phải chăng chính quyền địa phương không hay biết?
Người dân thì cho rằng, để xảy ra hàng loạt vi phạm về đất đai như trên thì phải xử lý cả trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương và UBND huyện Yên Mỹ, người đứng đầu là Chủ tịch UBND huyện. Doanh nghiệp bị xử phạt nhưng cũng cần nghiêm trị cách quản lý lỏng lẻo của chính quyền các cấp địa phương.
Luật sư Nguyễn Văn Thuận – Giám đốc Công ty luật Bạch Đằng Giang, Đoàn Luật sư Hải Phòng cho biết, để xảy ra tình trạng “đã rồi” trong việc san lấp trái phép đất nông nghiệp tại huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) có một phần trách nhiệm của chính quyền các cấp địa phương, thể hiện sự buông lỏng quản lý. "Điều 208 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện và áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm" – Luật sư Thuận viện dẫn. Ông Thuận cho biết thêm, hành vi tự ý san lấp đất nông nghiệp để sử dụng đất không đúng mục đích là một trong các trường hợp có thể bị thu hồi đất theo khoản 3 Điều 38 Luật Đất đai. Khi đó, Chủ tịch UBND cấp xã có thể kiến nghị với Chủ tịch UBND cấp huyện để xử lý thu hồi đất. |
“Chính quyền bận việc”, sai phạm trên đất nông nghiệp ngang nhiên tồn tại
Dù đã có văn bản của UBND huyện Bình Xuyên, (Vĩnh Phúc) về việc yêu cầu phải xử lý dứt điểm những sai phạm trong lĩnh vực đất đai ở địa phương, tuy nhiên, cho đến nay, những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở địa bàn xã Phú Xuân vẫn ngang nhiên tồn tại với lý do: "Chính quyền xã bận nhiều việc quá nên chưa có thời gian xử lý"!
Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh thông tin của người dân, liên quan đến vụ việc đang diễn ra trên địa bàn xã Phú Xuân về việc một số các nhân tại địa phương đã lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Dù huyện Bình Xuyên đã quyết liệt ban hành những văn bản hướng dẫn, chỉ đạo xã Phú Xuân giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, UBND xã Phú Xuân vẫn chưa hề có bất cứ một động thái nào nhằm xử lý những sai phạm này.
Được biết, những thắc mắc, kiến nghị của người dân trên địa bàn xã Phú Xuân là hoàn toàn có căn cứ. Sau khi nhận được đơn thư kiến nghị của công dân, UBND huyện Bình Xuyên đã có Công văn số 1185/UBND-TNMT ngày 22/8/2019 đề nghị UBND xã Phú Xuân giải quyết dứt điểm vụ việc.
Theo đó, UBND huyện Bình Xuyên giao Chủ tịch UBND xã Phú Xuân kiểm tra, rà soát, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Đất đai tại khu vực bãi tha ma dốc Bãi Vải đường đi xã Văn Tiến (Yên Lạc) và các khu vực khác trên địa bàn xã.
Căn cứ Luật Đất đai, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các nghị định, hướng dẫn thi hành, Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai để lập, hoàn thiện hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Thông báo đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vi phạm tự tháo dỡ công trình vi phạm, hoàn trả mặt bằng như trước khi vi phạm. Trường hợp không chấp hành, tổ chức lập hồ sơ cưỡng chế buộc người vi phạm hoàn trả về tình trạng ban đầu theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định 166/2013/NĐ-CP của Chính phủ về cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt hành chính.
Trường hợp người vi phạm cố tình tiếp tục vi phạm, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, lập hồ sơ UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất theo Điều 64, Luật Đất đai năm 2013. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có dấu hiệu tội phạm thì lập hồ sơ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện điều tra, xử lý theo quy định tại Điều 228, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tổ chức giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai tại khu vực bãi tha ma dốc Bãi Vải đường đi xã Văn Tiến (Yên Lạc) xong trong tháng 8/2019. Báo cáo kết quả bằng văn bản về UBND huyện trước ngày 3/9/2019.
Có thể khẳng định những chỉ đạo, hướng dẫn của UBND huyện Bình Xuyên đối với việc xử lý những vi phạm về Luật Đất đai tại xã Phú Xuân là rất cụ thể, chi tiết, kịp thời.
Tuy nhiên, sau hơn nửa năm ban hành, những hướng dẫn, chỉ đạo của UBND huyện Bình Xuyên bị xã Phú Xuân phớt lờ, những sai phạm về đất đai theo phản ánh của người dân vẫn ngang nhiên tồn tại không gặp bất cứ sự can thiệp nào từ phía chính quyền xã Phú Xuân.
Trả lời báo chí, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân Nguyễn Văn Mậu thừa nhận: Những phản ánh của người dân về sai phạm trên đất nông nghiệp trên địa bàn xã là đúng. Đến thời điểm hiện tại những sai phạm đó vẫn ngang nhiên tồn tại là do địa phương bận nhiều việc nên chưa có thời gian xử lý!
Trước sự “thờ ơ” của UBND xã Phú Xuân về việc thực hiện những nội dung được UBND huyện Bình Xuyên hướng dẫn, chỉ đạo, Phòng TN&MT huyện Bình Xuyên tiếp tục có buổi làm việc cùng UBND xã Phú Xuân để hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm đất đai trên địa bàn xã.
Sau khi xem xét, kiểm tra hồ sơ, căn cứ quy định của pháp luật, đại diện Phòng TN&MT huyện tiếp tục đề nghị Chủ tịch UBND xã Phú Xuân hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm theo đúng quy định. Trường hợp người vi phạm không chấp hành việc tự tháo dỡ công trình vi phạm thì tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đất rừng bị san ủi, đào ao hồ… xây khu sinh thái “chui”
Gần 2 tháng qua, người dân xã Mỹ Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) liên tục phản ánh tình trạng về một cánh rừng keo, tràm tại khu vực Trại Tiểu (xã Mỹ Lộc) bị san phẳng để xây nhà ở, ao hồ, bến thuyền… nhằm tạo cảnh quan như một khu du lịch sinh thái. Tại đây có hàng chục công nhân cùng máy móc đang thi công xây dựng.
Từ phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại đây và chứng kiến một ngôi nhà đã được đổ bê tông xây kiên cố, cạnh đó là bến thuyền đang trong quá trình hoàn thiện. Phía đồi núi có máy xúc đang san gạt làm hồ, nhiều vật liệu xây dựng cũng được tập kết.
Được biết, ngày 18/2 vừa qua, ông Trần Huy Giáp (SN 1974, trú tại phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) làm giấy xin phép xây dựng nhà tạm và một số việc tại 2 thửa đất lâm nghiệp có tổng diện tích hơn 117.466m2 thuộc khu Cửa Thờ -Trại Tiểu (xã Mỹ Lộc). Ngày 26/2, ông Trần Đình Mọn - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc đã ký, thống nhất cho phép xây dựng một ngôi nhà tạm, đảm bảo vệ sinh môi trường cảnh quan, không phá vỡ quy hoạch.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, tại khu đất xuất hiện thêm một căn nhà đang xây dựng kiên cố bằng gạch và đổ móng với diện tích gần 160m. Ngoài ra, cảnh quan, khu vực đồi núi ở đây bị đào xới, thiết lập thành các ao hồ.
Ông Trần Sỹ Lương - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết, phần đất đang xây dựng nói trên là đất lâm nghiệp và đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 79,613 m2 cho ông Trần Huy Giáp. "Tôi mới nhận công tác được gần 1 tháng, mọi việc mới tiếp cận. Hơn nữa công việc bàn giao giữa Chủ tịch UBND xã cũ và mới chưa hoàn thành nên các thông tin sẽ cung cấp sau", ông Lương cho biết.
Được biết, ngày 3/3, Trạm Kiểm lâm Truông Kén (Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc) phát hiện tại tiểu khu 123C xã Mỹ Lộc do ông Trần Huy Giáp làm chủ rừng tự ý đưa máy móc vào san sấp mặt bằng làm bến thuyền, bãi đỗ xe với diện tích 300m2, san lấp mặt bằng làm nhà trại với diện tích 60m2 trên đất lâm nghiệp. Trạm Kiểm lâm Truông Kén lập biên bản đình chỉ các hoạt động san lấp, đồng thời khẳng định việc ông Giáp đưa máy móc vào làm bến thuyền, bãi đỗ xe, làm nhà trên đất lâm nghiệp khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là trái với quy định pháp luật.
Tiếp đó, ngày 24/3, Trạm Kiểm lâm Truông Kén phối hợp với UBND xã Mỹ Lộc kiểm tra thực địa lần hai và tiếp tục lập biên bản yêu cầu ông Giáp ngừng các hoạt động san lấp mặt bằng làm dự án trái phép.
Mặc dù nhiều lần được chính quyền, cơ quan chức năng lập biên bản yêu cầu tạm dừng việc xây dựng nhưng khu sinh thái này vẫn được thi công rầm rộ, một số hạng mục vẫn đang được công nhân gấp rút thực hiện.
Việc đưa máy vào và thuê công nhân làm bến thuyền, bãi đỗ xe, xây nhà trên đất lâm nghiệp, tự ý làm chưa được cấp phép, chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền là trái với quy định pháp luật.
Nói về vấn đề này, ông Trần Đình Việt - Trưởng phòng TN&MT huyện Can Lộc cho biết, toàn bộ khu vực này đang xem xét đề xuất bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất năm 2020. UBND tỉnh Hà Tĩnh chưa cho phép, các sở ngành chưa thẩm định nên bất cứ hoạt động san lấp, xây dựng tại đây là sai.
"Cơ quan chuyên môn chưa thẩm định dự án này. Dù đã có đề án phát triển du lịch Cửa Thờ - Trại Tiểu nhưng mới chỉ trên giấy tờ. Thực tế chưa có cơ quan chức năng nào phê duyệt, cấp phép. Việc xây dựng trên khu vực này là sai", ông Việt cho hay.
Trả lời báo chí, ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc khẳng định: "Việc chưa có chủ trương chấp thuận xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái Cửa Thờ - Trại Tiểu nhưng ông Trần Huy Giáp vẫn triển khai xây dựng là hoàn toàn sai. Theo nguyên tắc, sai đến đâu xử lý đến đó. Trước mắt, UBND huyện Can Lộc sẽ ra quyết định tạm thời đình chỉ dự án, yêu cầu ông Giáp hoàn tất thủ tục. Còn việc xử lý thế nào, UBND huyện đang trình Sở TN&MT để xin ý kiến".
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.