Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 11 tháng 11 năm 2020 | 13:43

Đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích “lãnh đạo địa phương vẫn yên vị”?

Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp bị biến tướng thành khu sinh thái, nhà hàng, quán ăn; đất nông nghiệp cũng được một trạm bê tông tươi sử dụng và hoạt động rầm rộ; đặc biệt hơn, người dân đang vô tư xây dựng nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp…

Nếu không có sự “làm lơ” của người quản lý thì liệu có được tồn tại?
 
Thay vì thực hiện theo đề án xây dựng mô hình trang trại trên đất nông nghiệp công ích, chủ đầu tư khu sinh thái Vườn Xuân đã biến tướng diện tích này thành nhà hàng, quán ăn và xây dựng nhiều công trình kiên cố tại đây.
 
Khu sinh thái Vườn Xuân có vị trí nằm tại km 11 đường Bắc Thăng Long – Nội Bài (thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Phía ngoài khu sinh thái này được xây dựng hàng rào bằng gạch, bê tông chắc chắn cùng cổng vào lớn, phía bên trong có một ngôi nhà 2 tầng kiên cố theo kiến trúc nhà sàn được xây dựng, bên ngoài ô tô đỗ tấp nập. Khu sinh thái này nằm ngay đầu cổng thôn Nhuế, cạnh đường quốc lộ 2. Được biết, công trình này có chủ đầu tư là bà Nguyễn Thị Ngân (SN 1962, trú tại thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Theo người dân xung quanh, quần thể này được xây dựng làm nhà hàng, quán ăn.
121981467_374034963784962_672543441463376579_n.jpg
"Mô hình trang trại" Vườn Xuân. (Ảnh: H. Minh - Ngọc Thiện)
Thông tin báo chí, ông Nguyễn Hữu Hải – Cán bộ trật tự xây dựng xã Kim Chung cho biết khu sinh thái nói trên là công trình miễn phép xây dựng, nằm trên đất nông nghiệp công do UBND xã Kim Chung quản lý.
 
“Trước đây gọi là quỹ đất công ích và được giao khoán chứ không phải là đất nông nghiệp theo Nghị định 64. Người ta có hợp đồng ký với UBND xã từ khoảng năm 1994 theo hợp đồng 5 năm một lần. Bây giờ chủ đầu tư đang thực hiện theo hợp đồng số 44 ký ngày 29/8/2019” – ông Hải cho biết.
 
Cũng theo vị cán bộ xã Kim Chung, khu sinh thái Vườn Xuân được thực hiện trong đề án xây dựng mô hình trang trại. Căn cứ vào đó, UBND huyện Đông Anh đã phê duyệt cho chủ đầu tư thực hiện mô hình trang trại theo quyết định số 1310. Sau đó, UBND huyện Đông Anh tiếp tục đồng ý cho chủ đầu tư xây dựng công trình nhà trồng hoa lan và nhà trưng bày sản phẩm bằng công văn số 141.
 
Ngày 10/6/2019, do chủ đầu tư có xây dựng các công trình sai phạm, UBND xã Kim Chung đã lập biên bản vi phạm hành chính, buộc chủ đầu tư khắc phục hậu quả, tháo dỡ. Ngày 26/9/2019, xã đã phối hợp với cơ quan chức năng huyện Đông Anh kiểm tra hơn 20 hạng mục của chủ đầu tư. “Hiện trạng giờ còn 13 công trình, trong đó theo xác minh thì có những công trình tồn tại từ năm 2001; 4 công trình mới là công trình được thực hiện theo phương án bổ sung của mô hình” – ông Nguyễn Hữu Hải nói.
 
Như vậy, khu sinh thái Vườn Xuân đã vi phạm trong một thời gian dài và UBND xã Kim Chung đã tiến hành lập biên bản và bắt buộc chủ đầu tư khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình vi phạm. Nhưng theo quan sát của PV, khu sinh thái này vẫn đang hoạt động bình thường, có dấu hiệu biến tướng kinh doanh nhà hàng, quán ăn với những công trình xây bằng bê tông kiên cố thay vì chấp hành đúng mô hình trang trại.

Các cơ quan chức năng liệu có đang làm ngơ trước tình trạng này?

Trạm trộn bê tông Tùng Tuấn của công ty TNHH Tùng Minh Khánh được xây dựng trên diện tích 0,7 ha tại dân tổ dân phố Sơn Trung, phường Bắc Sơn, thị xã Phổ Yên, mặc dù đã đi vào hoạt động được hơn một năm nay nhưng trạm trộn này vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường…

Theo ghi nhận, trạm trộn bê tông Tùng Tuấn nằm trên đường tỉnh lộ 261 thuộc TDP Sơn Trung, phường Bắc Sơn, Tx Phổ Yên. Trạm trộn có quy mô tương đối lớn, được xây dựng bài bản. Tại đây, có đầy đủ phương tiện, vật liệu phục vụ kinh doanh như nhà điều hành xây kiên cố, máy xúc, trạm trộn, xe tải, vài chục chiếc xe bồn, bãi tập kết cát, đá... Hàng ngày, các xe tải trọng lớn của trạm trộn này thường xuyên chạy ra vào tấp nập, đá sỏi rơi vãi xuống đường tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường.

Một người dân cho biết, trạm trộn bê tông này đã đi vào hoạt động được khoảng một năm rưỡi, lượng xe vào rất đông. Quá trình hoạt động thì thường xuyên gây ra tiếng ồn và bụi gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân xung quanh.

 

9f8784f269b180efd9a0.jpg
Trạm trộn bê tông Tùng Tuấn ngang nhiên hoạt động khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý giữa khu dân cư ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân (Ảnh: Sao Phát luật)

Trả lời báo chí ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Phổ Yên cho biết, hiện tại không lưu bất kỳ hồ sơ pháp lý gì liên quan đến Trạm trộn bê tông Tùng Tuấn, sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh Thị xã Phổ Yên cũng đã giao cho phòng TNMT phối hợp với UBND phường Bắc Sơn kiểm tra, thu thập hồ sơ tài liệu, đồng thời xác minh làm rõ các nội dung có liên quan đến việc xây dựng và kinh doanh Trạm trộn bê tông của hộ ông Trần Thanh Tuấn. Tuy nhiên, hộ ông Tuấn chưa cung cấp được các hồ sơ tài liệu liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng trạm trộn. Ông Thịnh cho biết thêm, trạm trộn bê tông Tùng Tuấn xây dựng trên đất nhận khoán của công ty May Bắc Sơn với diện tích 0,7ha, mục đích sử dụng đất là trồng cây ăn quả. Hiện tại, hộ gia đình vẫn chưa thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Khi được hỏi về giấy phép xây dựng, hoạt động của trạm trộn thì ông Thịnh cho biết “hiện tại chúng tôi đang cho kiểm tra”. Theo ông Phạm Tuấn Lợi – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Thị xã Phổ Yên cho biết “tháng 6/2020 phòng TNMT thị xã Phổ Yên có nhận được hồ sơ Kế hoạch bảo vệ môi trường của công ty TNHH Tùng Minh Khánh - chủ đầu tư dự án nâng cấp trạm trộn bê tông Tùng Tuấn. Sau khi đối chiếu với các quy định hiện hành của Pháp luật, phòng TNMT đã trả lại hồ sơ với lý do: Dự án đầu tư nâng cấp trạm trộn bê tông Tùng Tuấn… làm trên đất nhận khoán của công ty may Bắc Sơn, loại đất trồng cây ăn quả. Do vậy không đúng mục đích sử dụng đất làm dự án trạm trộn bê tông”.

Việc một trạm trộn bê tông được đầu tư với quy mô lớn với hàng trăm lượt phương tiện ra vào mỗi ngày ngang nhiên hoạt động khi chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý giữa khu vực dân cư suốt hơn một năm mà các cơ quan chức năng Thị xã Phổ Yên không hề hay biết. Thiết nghĩ, có hay không việc các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên buông lỏng quản lý hay cố tình “ tạo điều kiện” cho doanh nghiệp hoạt động hoạt động trái phép?

Chính quyền có bao che cho vi phạm TTXD?

Tại khu vực ngõ 445 đường Lạc Long Quân trên địa bàn phường Xuân La, hiện đang xuất hiện nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp được người dân phản ánh tại địa chỉ 15 ngách 445/19 đã được xây dựng lên đến tầng thứ 2, ngay gần đó là công trình số 5B 445/19, công trình số 57/445 và công trình số 9 ngách 445/128 Lạc Long Quân cũng đã đang hoàn thiện phần mái tầng 2.

Những công trình này đổ móng bê tông kiên cố, xây dựng nhà ở đang đi vào hoàn thiện, xây dựng với diện tích lớn nhưng không hề bị chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra hay có phương án phá dỡ, cưỡng chế sai phạm.

 

ah1-1.jpg
Một công trình quây tôn xây dựng trên đất nông nghiệp tại ngõ 445 Lạc Long Quân.

Không chỉ tồn tại nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, trên địa bàn phường Xuân La còn xuất hiện các công trình có dấu hiệu vi phạm TTXD nghiêm trọng khi xây dựng không theo giấy phép, xây dựng lấn chiếm khoảng lưu không, sai chiều cao, biến tướng tầng tum, mật độ xây dựng lên đến 100%.

Theo tìm hiểu công trình số 84 ngõ 445 và công trình nằm ở cuối ngách 445/45 Lạc Long Quân trong quá trình xây dựng chủ đầu tư đã cố tình thực hiện sai phép. Hiện tại công trình đã xây lên 5 tầng, nhưng tầng tum biến tướng, phần tầng 1, tầng 2 lấn chiếm phần đất lưu không, thay đổi kết cấu nhằm gia tăng diện tích sử dụng.

Kế đến là công trình cạnh số 22 ngõ 52 Xuân La đang được chủ đầu tư cho xây dựng lên đến tầng thứ 7, mật độ xây dựng gần như 100%. Ngoài ra trong quá trình thi công chủ đầu tư cũng không được che chắn cẩn thận, gây nên những nguy cơ tiềm ẩn về an toàn cho người dân qua lại tại khu vực.

Tháng 4/2019, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các sở, ngành chuyên môn trong công tác quản lý TTXD trên địa bàn TP. Giao nhiệm vụ trực tiếp cho Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã, Đội quản lý TTXD cấp quận, huyện, thị xã và UBND cấp phường, xã.

Mặc dù UBND TP Hà Nội đã và đang có những chỉ đạo quyết liệt, quy định rõ tất cả các công trình vi phạm phải được chính quyền cơ sở thực hiện theo đúng quy trình từ kiểm tra, xử phạt, quyết định đình chỉ, quyết định phá dỡ. Thế nhưng tại phường Xuân La các công trình vi phạm vẫn tồn tại và nhiều công trình vi phạm mới vẫn tiếp tục “mọc” lên.

Thiết nghĩ rất cần được các cấp chính quyền UBND quận Tây Hồ gấp rút vào cuộc xác minh làm rõ thông tin phản ánh của người dân, tránh gây bức xúc, dư luận trong nhân dân. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa bàn cụ thể là Chủ tịch UBND phường Xuân La và đội TTXD ở đâu khi để xảy ra tình trạng vi phạm TTXD nghiêm trọng?

 

Điều 132 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Căn cứ vào quỹ đất, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.

Theo Điều 74 Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật đất đai có quy định cụ thể về hạn mức giao đất như sau:

1. Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn được sử dụng vào các mục đích sau:

a) Để xây dựng các công trình công cộng của xã, phường, thị trấn bao gồm công trình văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí công cộng, y tế, giáo dục, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và các công trình công cộng khác theo quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Để bồi thường cho người có đất được sử dụng để xây dựng các công trình công cộng quy định tại điểm a khoản này;

c) Để xây dựng nhà tình nghĩa.

2. Đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích quy định tại khoản 1 Điều này thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để nhận thầu. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá năm (05) năm.

Theo Khoản 3 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, các công trình được miễn giấy phép xây dựng gồm:

Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;

Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư;

Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính;

Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình;

Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định của Luật này;

Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;

Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc;

Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt;

Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa;

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top