Trải qua chặng đường 10 năm chung sức xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã có 11/11 xã đạt chuẩn NTM.
Niềm vui lớn nhất cuối năm 2020 là Bảo Thắng đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM và hoàn tất hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn huyện NTM đầu tiên ở vùng biên cương Lào Cai.
Đổi thay trên quê hương Bảo Thắng
Năm 2010, khi bắt tay vào XDNTM, Bảo Thắng vẫn còn là huyện miền núi nghèo với xuất phát điểm thấp, mức độ đạt các tiêu chí NTM của các xã không đồng đều, mặt bằng chung toàn huyện đạt bình quân 4,33 tiêu chí, xã đạt cao nhất 6 tiêu chí, xã đạt thấp nhất 2 tiêu chí, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 11,2 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 31,9%.
Toàn huyện còn 4 xã đặc biệt khó khăn, 01 xã biên giới; 68 thôn đặc biệt khó khăn, đời sống của nhân dân còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập của nhân dân còn ở mức thấp; điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội, cơ sở hạ tầng, nhận thức còn hạn chế.
Song, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân, qua 10 năm chung sức XDNTM, huyện Bảo Thắng đã phát triển toàn diện, đời sống người người dân ngày một nâng cao.
Về Bảo Thắng hôm nay, bất cứ ai cũng đều cảm nhận được sự khởi sắc trên vùng quê cách mạng này. Nơi đâu cũng bắt gặp những con người đang miệt mài với công việc của mình. Rộn rã phong trào ra quân làm đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, lắp điện chiếu sáng đường GTNT và trồng hoa dọc các tuyến đường.
“Đáng mừng là thành quả XDNTM ở Bảo Thắng không chỉ có nhà cửa, đường sá, công trình mới mà điều quan trọng nhất là tạo ra con người mới, cách thức sản xuất mới và lối sống mới. Qua thực tiễn xây dựng NTM, những cán bộ, lãnh đạo, đảng viên cũng sâu sát thực tế, trưởng thành, gắn bó với dân và biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân hơn. Những cách làm sáng tạo hợp lòng dân ngày một nhân lên đang tiếp thêm niềm tin để Bảo Thắng phát triển toàn diện xứng tầm huyện NTM đầu tiên của vùng biên cương Lào Cai”, bà nguyễn Thị Kim Loan, TDP Phú Thành 1, TT Phố Lu, huyện Bảo Thắng phấn khởi kể.
Tỉnh ủy viên, Bí Thư Huyện ủy Bảo Thắng Trần Minh Sáng chia sẻ, Bảo Thắng đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chung tay XDNTM với bước đi, lộ trình cụ thể, bằng nhiều cách thức tổ chức khác nhau trên tinh thần linh hoạt, thiết thực gắn với thực tiễn, phù hợp với điều kiện của từng địa bàn, cơ sở.
Đặc biệt, chú trọng thực hiện nhóm giải pháp về sản xuất và nâng cao thu nhập, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường và mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập, đời sống cho người nông dân.
Tái cơ cấu sản xuất, phát triển toàn diện
Đến Thái Niên, xã về đích NTM cuối cùng trong 11 xã của huyện Bảo Thắng, thấy đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt từ khi nhãn hiệu bưởi Múc được công nhận là sản phẩm đạt hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh, mỗi nông dân trồng bưởi trong xã đã có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ thương hiệu sản phẩm của địa phương bằng cách cùng nhau thành lập hợp tác xã để quả bưởi có đầu ra ổn định.
Anh Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương cho biết, nhờ các sản phẩm có thương hiệu, xã Thái Niên đã có nhiều mô hình trồng bưởi, vườn bưởi cổ thụ, vườn bưởi kiểu mẫu có quy mô diện tích lớn, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển cây bưởi theo hướng VietGAP, sản phẩm hữu cơ... được hình thành. Hiện, toàn xã có 2.700 hộ dân thì có trên 200 hộ trồng bưởi, tổng diện tích gần 200ha, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Đến nay, sản xuất nông nghiệp tại các xã trên địa bàn huyện phát triển toàn diện và có bước đột phá rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa và sản phẩm chủ lực có giá trị, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cao trên thị trường như: Sản phẩm chè; bưởi Múc; quế; gà, thủy sản...
Gia Phú, Thái Niên chỉ là 2 trong số nhiều xã của huyện Bảo Thắng đang từng ngày thay da đổi thịt nhờ chủ trương đổi mới sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác và chế biến sản phẩm nông, lâm, dược liệu. Toàn huyện đã có hơn 200ha đất canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và giá trị kinh tế thu về là những con số mơ ước với 230-350 triệu đồng/ha. Nổi bật trong số đó có vùng trồng đào cảnh tại xã Xuân Quang cho thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha.
Tự hào huyện NTM đầu tiên ở vùng biên
Trái ngọt thu được từ XDNTM ở huyện Bảo Thắng không bỗng dưng mà có. Nó là sự kết tinh, nỗ lực vượt khó trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cùng sự đồng tâm, hiệp lực của cấp uỷ chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Thắng trong suốt 10 năm qua.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bảo Thắng Nguyễn Quang Úy đánh giá, năm 2020, đặc biệt trong những tháng đầu năm, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, giãn cách xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội song với bản lĩnh vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, Bảo Thắng đã nỗ lực vượt khó, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu lớn trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh biên giới Lào Cai. Trong 10 năm XDNTM, Bảo Thắng đã rút ra nguyên tắc “lấy dân làm gốc”, phát huy tối đa quy chế dân chủ trong xây dựng NTM, công khai, minh bạch các nguồn lực để người dân tự làm, tự quyết định, tự kiểm tra, giám sát…
Có thể thấy, sau 10 năm thực hiện XDNTM, diện mạo nông thôn huyện Bảo Thắng có nhiều chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người chung toàn huyện năm 2020 đạt trên 49,05 triệu đồng, tăng 34,5 triệu đồng/người so với năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn huyện năm 2020 đạt 42,19 triệu đồng, tăng 30,9 triệu đồng so với năm 2011. Đời sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo 14 xã, thị trấn giảm còn 2,03% (giảm 25,32% so với năm 2011).
Ghi nhận những thành quả trong XDNTM, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng Trần Minh Sáng cho rằng, sau lộ trình 10 năm XDNTM, Bảo Thắng đã khoác một diện mạo mới văn minh, hiện đại mà vẫn giữ được nét “hồn quê” trong những khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Những kết quả đạt được trên là tiền đề vững chắc, tạo động lực mạnh mẽ để Bảo Thắng luôn vang lên “tiếng hát tự hào”, tiếp tục khơi dậy và phát huy nội lực viết nên những trang sử mới.
Để có được mùa quả ngọt hôm nay phải kể đến quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền, sự đoàn kết, đồng lòng, chung tay của nhân dân các dân tộc trong huyện. Và đây cũng chính là “chìa khóa” tạo niềm tin, động lực giúp Bảo Thắng phát triển toàn diện và trở thành huyện NTM đầu tiên ở vùng biên cương Lào Cai.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.