Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cần được khuyến khích phát triển, tạo điều kiện cho DN cần vốn có thể trực tiếp huy động vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín để đánh giá DN phát hành, cũng như các cơ sở pháp lý để bảo vệ nhà đầu tư khiến việc đầu tư vào TPDN tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Lãi suất hấp dẫn
Bà Nguyễn Thị Thuận (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, bà thường gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng. Vừa rồi, khoản tiền hơn 1 tỉ đồng đến hạn, bà được nhân viên ở quầy giao dịch tư vấn chuyển khoản sang mua TPDN của một DN bất động sản với lãi suất 11%/năm. DN này cam kết mua lại 30% trái phiếu với giá mua bằng mệnh giá sau 12 tháng.
Cũng như bà Thuận, anh Hùng công tác tại một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn Hà Nội cũng được một công ty chứng khoán tư vấn chuyển đổi sang mua TPDN ít rủi ro hơn so với đầu tư chứng khoán.
Anh Hùng đang băn khoăn giữa việc gửi tiết kiệm và mua TPDN, bởi vì không chỉ có những nhà đầu tư chuyên nghiệp, ngay cả các bà nội trợ, nhân viên văn phòng cũng bắt đầu nghe thông tin tư vấn về TPDN từ các nhân viên ngân hàng, công ty chứng khoán...
Nhân viên giao dịch của một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đang phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 11%/năm, đây thực sự là mức hấp dẫn đối với những người có nguồn tiền nhàn rỗi, nếu so với mức lãi suất tiết kiệm 7,0 - 7,4%/năm thì lãi suất của TPDN cao hơn nhiều.
Một lãnh đạo Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, lãi suất TPDN bình quân trong nửa đầu năm nay vào khoảng 9,5-11%/năm, trong đó gần 90% khối lượng trái phiếu phát hành có lãi suất dưới 11%/năm. Một số đợt phát hành với lãi suất 13 - 14%/năm và chỉ một DN bất động sản phát hành TPDN với lãi suất 14,5%/năm.
“So với lãi suất vay vốn trung, dài hạn của ngân hàng phổ biến là 9 - 11%/năm, bình quân lãi suất phát hành TPDN bằng hoặc cao hơn 0,5%/năm. Tuy nhiên, phần lớn ngân hàng thương mại cho vay kỳ hạn dưới 3 năm, trong khi kỳ hạn phát hành TPDN phổ biến là 5 năm, có lợi cho nhà phát hành TPDN hơn”, vị này nói.
Với lãi suất cao hơn so với lãi suất của ngân hàng, TPDN đang thu hút được sự quan tâm của những cá nhân có tiền nhàn rỗi trong xã hội, chính vì vậy, không ít người lựa chọn phương án đầu tư mua TPDN để được hưởng lãi suất cao hơn.
Khi tham gia mua TPDN riêng lẻ, phải hết sức cẩn trọng; phải yêu cầu tổ chức môi giới, tổ chức phát hành cung cấp chi tiết các thông tin như: - Trái phiếu do DN nào phát hành, phát hành cho mục đích gì? - Trái phiếu có/không có tài sản đảm bảo. - Cam kết của DN phát hành đối với chủ sở hữu trái phiếu - Kỳ hạn trái phiếu, phương thức trả nợ gốc, lãi - Tình hình tài chính của DN phát hành. Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) |
Ai bảo lãnh cho TPDN?
Theo Bộ Tài chính, Quyết định số 507/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2030 nêu rõ, sẽ cấp phép tối đa cho 5 DN xếp hạng tín nhiệm trong nước. Mục đích là để đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, tạo điều kiện cho thị trường vốn, thị trường trái phiếu phát triển bền vững và nhằm bảo vệ nhà đầu tư khi tham gia thị trường.
Lãnh đạo Vụ Tài chính ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, trên cơ sở đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư sẽ quyết định mua hay không trái phiếu của DN đó.
Nhưng trong khi chờ sự xuất hiện của các công ty xếp hạng tín nhiệm, để bảo vệ nhà đầu tư, Nghị định 163 quy định TPDN riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp), nhằm cảnh báo cho nhà đầu tư phải cân nhắc thận trọng khi mua TPDN phát hành riêng lẻ, chứ không chỉ quan tâm đến lãi suất
Như vậy, có thể thấy, cho đến nay, vẫn chưa có đơn vị xếp hạng tín nhiệm nào hoạt động để đánh giá DN, trên cơ sở đó để nhà đầu tư đánh giá có nên mua trái phiếu của DN đó hay không nếu như DN bị đánh giá tín nhiệm thấp.
Tháng 5/2019, một tập đoàn lớn đã dừng tham gia xếp hạng tín nhiệm bởi Fitch. Đó cũng là điều dễ hiểu, vì những lý do, nếu độ tín nhiệm bị hạ thấp, họ sẽ rất khó tiếp cận các kênh vốn và luôn phải trả lãi suất cao hơn để bù đắp rủi ro.
Không chỉ đối với trường hợp nêu trên, hầu hết lượng phát hành trái phiếu DN từ đầu năm đến nay không hề qua đánh giá tín nhiệm bởi một đơn vị độc lập, việc đánh giá DN đều do ngân hàng cung cấp, tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào việc đánh giá của ngân hàng, liệu có đảm bảo độ tin cậy?
Trong tháng 7/2019, có 23 DN phát hành trái phiếu, phần lớn là DN bất động sản, chủ yếu dành cho các dự án phân khúc cao cấp; còn thống kê từ khi Nghị định 163 có hiệu lực (tháng 2/2019) thì nhóm ngành bất động sản chiếm tới 19% tổng doanh số phát hành.
Tuy nhiên, trong số 23 DN nêu trên, hầu hết đều ghi là “có tài sản đảm bảo” và/hoặc “có bảo lãnh thanh toán”; bên cạnh đó còn có ngân hàng, công ty chứng khoán là phát hành “không có tài sản đảm bảo”.
Chuyên gia quản trị rủi ro ở ngân hàng phân tích: Với trường hợp có tài sản bảo đảm thì DN phát hành dùng luôn tài sản hình thành từ vốn phát hành, cộng với các tài sản khác (cổ phiếu của mình) để làm tài sản bảo đảm; giá trị tài sản bảo đảm có khi lên tới 200% so với doanh số phát hành (chẳng hạn, phát hành 1.000 tỷ đồng thì giá trị tài sản bảo đảm 2.000 tỷ đồng).
Siết tín dụng bất động sản để bảo vệ ngân hàng nhưng bất động sản vẫn tìm vốn một phần ở ngân hàng, một phần ở các nhà đầu tư khác và với cách thức như nêu trên, chỉ là chuyển rủi ro từ chỗ này sang chỗ kia mà thôi.
“Giả định, thị trường bất động sản đổ vỡ hay đình trệ, cổ phiếu đóng băng thì lấy nguồn nào để trả cho nhà đầu tư?”, vị chuyên gia này nói.
Còn với “bảo lãnh thanh toán” thì sao? Đa phần nhà đầu tư cá nhân khi mua trái phiếu DN được nhân viên ngân hàng tư vấn, nhất là ngân hàng có thương hiệu lớn thì tấm logo kia trở thành bảo chứng nên rất yên tâm.
Vì vậy, đối với “bảo lãnh thanh toán”, những câu hỏi: Ai thanh toán, thanh toán một lần hay nhiều lần, mức độ ưu tiên của chủ nợ (trái chủ)… khi DN vỡ nợ, không mấy trái chủ quan tâm.
Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước không cho phép ngân hàng bảo lãnh thanh toán với TPDN nhằm tránh tín dụng trá hình qua kênh này.
Nhà đầu tư cần cẩn trọng
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), cho biết: Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu. Không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao mà chưa tìm hiểu kỹ về đặc điểm của trái phiếu và những rủi ro có thể xảy ra. Cho dù lãi suất TPDN có thể cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhưng mức lãi suất hấp dẫn cũng đi kèm với rủi ro cao.
Theo TS Nguyễn Minh Sáng, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, việc DN phát hành trái phiếu với lãi suất quá cao sẽ khiến cho áp lực trả lãi và gánh nặng tài chính gia tăng, gây bất ổn đến tính bền vững và sự ổn định của nền kinh tế.
Hầu hết DN phát hành trái phiếu đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, cáo bạch phát hành trái phiếu lại quá phức tạp. Do đó, rủi ro với nhà đầu tư khi DN phát hành trái phiếu bị phá sản, trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không có tổ chức bảo lãnh...
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng bày tỏ lo ngại khi cho rằng trên thị trường hiện chỉ có một công ty định giá tín nhiệm và chưa có quy định nào bắt buộc DN muốn phát hành TPDN phải có xếp hạng tín nhiệm. Do đó, nhà đầu tư vì không thể biết “sức khỏe” của DN phát hành trái phiếu như thế nào, đang lỗ hay lãi, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Tham gia đầu tư vào TPDN lãi suất thì có thể nhìn thấy, tuy nhiên, rủi ro là hậu quả nhãn tiền nếu DN đó không được đánh giá tín nhiệm một cách chính xác, đặc biệt đối với DN bất động sản. Tìm hiểu thật cụ thể và rõ ràng, sau đó mới lựa chọn có tham gia đầu tư TPDN hay không là khuyến cáo của các chuyên gia tài chính, để các nhà đầu tư cân nhắc.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.