Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 6 năm 2019 | 15:37

Đẩy DN đến nguy cơ phá sản: Thượng tôn pháp luật bị xem thường!?

Trong khi Đảng, Nhà nước luôn coi trọng phát triển kinh tế tư nhân, lấy kinh tế tư nhân làm động lực cho sự phát triển, thì đâu đó vẫn tồn tại việc giăng bẫy để bóp chết doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Câu chuyện Nhà máy Nước Bình Minh tại Thanh Hóa là điển hình của sự thật phũ phàng đó.

nmn.jpg

Có hay không việc  giăng bẫy bóp chết Nhà máy Nước Bình Minh được xây dựng đúng quy hoạch, đúng pháp luật?

 


Gian nan khi về quê hương đầu tư

Dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy nước (công suất 90.000m3/ngày đêm) tại Khu kinh tế (KTT) Nghi Sơn (Tĩnh Gia - Thanh Hóa) vào một ngày tháng 5 oi bức, nắng nóng cháy da, cháy thịt, chỉ tay về 3 bể chứa đầy nước thành phẩm trong vắt, xanh mát, có thể uống được tại vòi, nhưng không có thị trường đầu ra, ông Tào Quốc Tuấn, chủ của Nhà máy Nước Bình Minh, chỉ còn biết thở dài đến ứa nước mắt.

Ông Tuấn tâm sự, cách đây hơn 10 năm, theo lời kêu gọi và trải thảm đỏ của quê hương (ông là người huyện Hoằng Hóa), từ nơi định cư Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), ông lặn lội về Thanh Hóa đầu tư hàng loạt các dự án lớn, như: Khu đô thị Bình Minh tại TP. Thanh Hoá, Nhà máy chip điện tử, Khu công nghiệp Tây Bắc Ga và Nhà máy Nước Bình Minh tại KKT  Nghi Sơn…

Thời điểm ông Tuấn hồi hương đầu tư, kinh tế Thanh Hóa lúc đó chưa phát triển, hai từ “công nghiệp” vẫn xa xôi và rất mơ hồ với lãnh đạo địa phương. Đặc biệt, KKT Nghi Sơn sau khi thành lập vẫn chỉ là bãi đất trống hoang sơ chưa được khai phá. Nhà máy Nước Bình Minh là dự án thứ hai tại KKT Nghi Sơn, sau dự án Nhà máy Xi măng Nghi Sơn.

Năm 2007, được sự động viên, khích lệ của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, ông Tuấn gom hết của cải, tài sản hàng trăm tỷ đồng vào Nghi Sơn đầu tư Nhà máy Nước Bình Minh (công suất 90.000m3/ngày đêm, giai đoạn I là 30.000m3/ngày đêm), cùng địa phương chờ đón các dự án lớn đổ bộ, trong đó có siêu dự án Lọc hóa dầu, với tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD.

Ông Tuấn cho biết, thời điểm đó, tại tỉnh Thanh Hóa, không chọn lựa hay kêu gọi được một nhà đầu tư nào có đủ tài chính và năng lực thiết bị để xây dựng nhà máy nước tại KKT Nghi Sơn, cho dù tỉnh trải thảm đỏ. Không những thế, khi tiến hành xây dựng là cả một quá trình gian nan, thử thách đến khốc liệt mà mấy ai thấu hiểu.

Khu đất xây dựng nhà máy nằm tít sâu tận hồ Đồng Chùa, đường sá đi lại chỉ có con đường đất bé xíu, xe cơ giới không thể vào được. Không những thế, do nhận thức còn hạn chế, người dân ra sức cản trở, chắn đường, chắn lối, thậm chí dùng xã hội đen đe dọa chủ đầu tư khiến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, vận chuyển vật liệu vào xây dựng nhà máy là bài toán nan giải. Công nhân của Công ty Nước Bình Minh phải vác từng bao xi măng, dùng xe cải tiến còng lưng kéo từng bao cát, sỏi đá, sắt thép mất hàng tháng ròng rã mới tập kết đủ nguyên vật liệu xây dựng nhà máy nước giai đoạn I (công suất 30.000m3/ngày đêm).

Vất vả, cơ cực là vậy, thế nhưng, năm 2008, khi dự án Lọc hóa dầu khởi công thì cũng là lúc kinh tế thế giới khủng hoảng, dự án bị chậm tiến độ, Nhà máy Nước Bình Minh không có đầu ra và đành bù lỗ, hoạt động cầm chừng, mòn mỏi chờ đợi đến ngày nhà máy Lọc dầu khởi động lại. Năm 2013, khi Nhà máy Nước Bình Minh vừa ký được hợp đồng bán những mét khối nước đầu tiên cho Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn thì lại đối mặt với nguy cơ phá sản.

Đẩy doanh nghiệp làm ăn chân chính đến nguy cơ phá sản

Trung tuần tháng 6/2016, tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho Liên doanh Anh Phát – Sông Chu “xây chồng” lên Nhà máy Nước Bình Minh một nhà máy nước khác tại hồ Quế Sơn (cách 4km), mặc dù dự án không hề có trong quy hoạch của Chính phủ về nước tại KKT Nghi Sơn.

Không biết có phải vì được “bảo kê”, “bật đèn xanh” từ chính quyền tỉnh Thanh Hóa hay không mà Liên doanh Anh Phát - Sông Chu ồ ạt xây dựng nhà máy nước tại hồ Quế Sơn mà không cần xin phép, cấp phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường, không cần báo cáo Chính phủ. Khi sự việc đã rồi, Thanh Hóa huy động cả hệ thống chính trị tiến hành hợp thức hóa Nhà máy Nước hồ Quế Sơn để đưa vào đồ án bổ sung quy hoạch nước tại KKT Nghi Sơn.

Ông Tuấn cho biết, khi sự việc xảy ra, nhiều người nói với ông rằng, ông đang đối đầu với một nhóm thế lực “khủng”. Họ còn tham mưu cho tôi là nên gửi kiến nghị đến Chính phủ và trả lời thẳng thắn với các bên liên quan sẽ “đóng cửa nhà máy nước”, nếu không làm thế thì không thể chống lại “nhóm lợi ích” khủng khiếp, vì đằng nào nhà máy nước Bình Minh cũng phá sản.

Nhưng với cái tâm của một doanh nhân làm ăn chân chính, ông Tuấn không thể cắt nước đang cung cấp cho siêu sự án Lọc hóa dầu, Chính phủ sẽ phải bồi thường thiệt hại cả chục triệu USD/ngày theo thỏa thuận ký kết; nếu cắt nước thì môi trường đầu tư của Việt Nam bị ảnh hưởng và mất uy tín nghiêm trọng; nếu cắt nước thì cái tâm của tôi không cho phép, đành rằng mình cũng có đôi chút phân vân, lo sợ, hình dung đến cảnh phá sản khi Nhà máy Nước hồ Quế Sơn xây dựng xong sẽ có các thế lực can thiệp, “cướp” thị phần nước và hợp đồng nước ký với Lọc hóa dầu….

Ông Tuấn bộc bạch: Tôi vẫn biết việc Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư và xây dựng Nhà máy Nước hồ Quế Sơn rõ ràng là trái quy hoạch của Chính phủ, trái với luật pháp, đạo đức trong kinh doanh… Nhưng khi nghĩ lại, tôi vẫn còn niềm tin vào thượng tôn pháp luật, vào lẽ phải, vào Trung ương để mà giải bày, kêu cứu.

“Ấy thế mà, nỗi oan ai thấu, áp bức ai tường. Năm 2017, sau khi Nhà máy Nước hồ Quế Sơn đi vào hoạt động thì cũng là lúc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn “đột ngột” khóa van và cho niêm phong, kẹp chì hệ thống đường ống cung cấp nước của Nhà máy Nước Bình Minh để chuyển sang lấy nguồn nước của Nhà máy Nước hồ Quế Sơn, mà không một lời giải thích hay báo trước, trong khi Hợp đồng hai bên ký kết vẫn còn hiệu lực”, ông Tuấn uất nghẹn. Một nhà máy xây chui, không phép, không đúng quy hoạch lại có thể được Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn – một đơn vị gồm liên doanh giữa các bên Việt Nam - Nhật Bản - Cô oét “ưu ái” một cách khó hiểu?

Và thế là câu chuyện “lợi ích nhóm” về Nhà máy Nước hồ Quế Sơn với doanh nhân Tào Quốc Tuấn đến lúc này ông mới tin đó là sự thật.

Vụ việc nêu trên được Báo Kinh tế nông thôn phản ánh nhiều kỳ, lẽ ra tỉnh Thanh Hóa phải tiếp nhận thông tin và sớm có phản hồi. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh này  “vẫn im lặng”.

Thượng tôn pháp luật bị coi thường!?

Chứng kiến tận mắt cả nghìn tỷ đồng của Nhà máy Nước Bình Minh đắp chiếu, vì không có đầu ra, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội phải thốt lên trong sự chua xót: “Thế là anh chân giả đã đánh chết anh chân thật”.

Mặc dù tỉnh Thanh Hóa có văn bản trả lời đại biểu Nhưỡng về việc Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn năm 2017 tự động cắt nước của Nhà máy Nước Nghi Sơn do Công ty Bình Minh đầu tư, để lấy nguồn nước của Công ty Anh Phát – Sông Chu là không công bằng và thiếu minh bạch.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nhưỡng, tỉnh Thanh Hóa dù có giải thích như thế nào thì cũng không thể biện minh cho việc làm “bất chấp luật pháp” để đồng ý chấp thuận cho chủ trương đầu tư và xây dựng Nhà máy Nước hồ Quế Sơn trái phép, trái quy hoạch.

Sau khi tìm hiểu, hóa ra bản chất của vấn đề Nhà máy Nước Bình Minh gặp phải không đơn thuần như nhiều người vẫn lầm tưởng, là KKT Nghi Sơn cần phải xây thêm nhà máy nước, đáp ứng nhu cầu về nước rất lớn cho các dự án hay lo ngại một nhà máy sẽ dẫn đến độc quyền về giá, Lọc hóa dầu nhiều lần kiến nghị chất lượng và khối lượng nước của Nhà máy Nước Bình Minh…

“Nội dung câu chuyện không phải như những báo cáo của địa phương ra Trung ương. Thực chất đây là “ma trận” được giăng ra để bóp chết Nhà máy Nước Bình Minh được Chính phủ quy hoạch năm 2007", đại biểu Nhưỡng phân tích.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, động thái cho xây dựng Nhà máy Nước hồ Quế Sơn một cách bất chấp quy hoạch là thái độ “tiền hậu bất nhất” trong thực hiện dự án triển khai xây dựng KKT Nghi Sơn, với Nhà máy Nước Bình Minh.

Đây cũng là rủi ro mang tính tổ chức, pháp lý mà doanh nghiệp gặp phải khi giá trị của pháp luật bị “coi thường”. Luật Đầu tư năm 2005 và 2014 quy định rõ về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật. Như vậy, khi pháp luật thay đổi theo hướng lợi hơn hay bất lợi hơn thì nhà đầu tư vẫn được bảo đảm ưu đãi tốt hơn hoặc không bị giảm đi. Hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư, công suất 90.000 m3/ngày đêm mà mỗi ngày chỉ bán được mấy trăm mét khối nước, gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư, nguy cơ phá sản là điều hiển nhiên.

“Một chính sách tốt, một hành động chuẩn mực sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nhưng một chính sách không tốt, một ứng xử không đẹp sẽ đẩy doanh nghiệp vào cảnh khốn đốn, công nhân thất nghiệp; trong khi Chính phủ và Thủ tướng đôn đáo lo cho doanh nghiệp, động viên, thúc đẩy và coi trọng phát triển “kinh tế tư nhân”. Ngược lại, vẫn còn ở nơi nào đó, chính quyền luôn “cắm” sẵn đinh dưới thảm, đào hố cắm chông để tiêu diệt những “cỗ máy kinh tế” của địa phương và câu chuyện của Nhà máy Nước Bình Minh tại KKT Nghi Sơn chắc chắn là một bài học điển hình”,  đại biểu Lưu Bình Nhưỡng xót xa.

 

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, rủi ro mà Nhà máy Nước Bình Minh gặp phải thể hiện rõ tính tổ chức, pháp lý và giá trị của pháp luật bị “coi thường”.

Luật Đầu tư năm 2005 và 2014 quy định rõ về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật.

Khi pháp luật thay đổi theo hướng lợi hơn hay bất lợi hơn thì nhà đầu tư vẫn được bảo đảm ưu đãi tốt hơn hoặc khôngbị giảm đi. Hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư, công suất 90.000 m3/ngày đêm mà mỗi ngày chỉ bán được mấy trăm m3 nước, gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư, nguy cơ phá sản là điều hiển nhiên.

 

 


 

 

Hữu Thắng - Lê Nguyễn
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top