Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 10 năm 2018 | 20:58

Nhà máy nước hồ Quế Sơn thể hiện sự “cát cứ”, quy hoạch “chồng chéo”!

Thảo luận ở tổ về phát triển KT-XH, Luật Quy hoạch ngày 24/10/2018 tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XIV, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre)  thẳng thắn dẫn chứng thực tế về Nhà máy nước hồ Quế Sơn (Thanh Hóa) là thể hiện sự “cát cứ”, quy hoạch “chồng chéo”.

Đồn biên phòng… khát nước sạch

Tán thành ý kiến thẩm định của dự thảo Luật Quy hoạch, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh đến những vấn đề đưa vào trong nguyên tắc để sửa đổi, đảm bảo sau này có tính ổn định cao, tránh tình trạng chồng chéo dẫn đến vi phạm pháp luật, phá vỡ quy hoạch, thậm chí làm mất tiền của của nhân dân, doanh nghiệp.

Dẫn chứng cụ thể xảy ra về quy hoạch nước sạch tại KKT Nghi Sơn (Tĩnh Gia - Thanh Hóa), đại biểu Nhưỡng cho biết, mới đây, tôi thăm Đồn biên phòng Cảng Nghi Sơn, nhưng lại cảm thấy băn khoăn, trăn trở khi gần 150 cán bộ, chiến sĩ không có nước sạch để dùng mà phải dùng nước giếng khoan không đảm bảo chất lượng. Trong khi tại KKT Nghi Sơn, cách Đồn biên phòng chỉ 3km có Nhà máy nước Bình Minh (công suất 90.000m3/ngày đêm), hàng ngày chưa vận hành đến 1/5 công suất thiết kế.

4.jpg
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại buổi thảo luận tại tổ ngày 24/10/2018.

 

Buổi chiều tôi liên hệ bằng điện thoại với Giám đốc Nhà máy nước Bình Minh và được ông này cho biết, Nhà máy nước Bình Minh rất muốn được cung cấp nước cho cả KKT Nghi Sơn và cả đồn biên phòng, nhưng lại không được tỉnh Thanh Hóa cấp mốc giới hạn cung cấp nước. 

Trong tiếng thở dài, ông Giám đốc này còn đau lòng cung cấp cho tôi thông tin liên quan đến nguy cơ Nhà máy nước Bình Minh phá sản, vì đầu ra bị  “đóng băng”. Đó là năm 2017, khi đang cung cấp rất tốt nguồn nước sạch cho quá trình xây dựng và vận hành dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, bỗng nhiên Hợp đồng cung cấp nước (ký 2013) với Lọc hóa dầu bị mất thị phần, do đối tác này trắng trợn vi phạm hợp đồng để lấy nguồn nước của Nhà máy nước hồ Quế Sơn, do liên doanh Anh Phát – Sông Chu đầu tư mà không đưa ra bất cứ thông báo hay giải thích nào.

Sau khi tìm hiểu, thì hóa ra bản chất của vấn đề Nhà máy nước Bình Minh gặp phải không đơn thuần như nhiều người vẫn lầm tưởng, là KKT Nghi Sơn cần phải xây thêm nhà máy nước, đáp ứng nhu cầu về nước rất lớn cho các dự án hay lo ngại một nhà máy sẽ dẫn đến độc quyền về giá, Lọc hóa dầu nhiều lần kiến nghị chất lượng và khối lượng nước của Nhà máy nước Bình Minh…

“Cò gỗ” mổ chết “cò thật”!

"Nội dung câu chuyện không phải như những báo cáo của địa phương ra Trung ương. Thực chất đây là “ma trận” được giăng ra để bóp chết Nhà máy nước Bình Minh được Chính phủ quy hoạch năm 2007.

Tháng 6/2016, tỉnh Thanh Hóa cho liên doanh Công ty Anh Phát – Sông Chu xây dựng Nhà máy nước hồ Quế Sơn (không đúng với quy hoạch của Chính phủ) mà theo báo chí gọi là nhà máy xây không phép, xây chui, nhảy dù… vào KKT Nghi Sơn, với mục tiêu là tranh thị phần cung cấp nước cho dự án Lọc hóa dầu với Nhà máy nước Bình Minh (xây dựng đúng quy hoạch, đúng pháp luật)", đại biểu Nhưỡng cho biết.

Và chỉ sau vài tháng Nhà máy nước hồ Quế Sơn xây dựng xong, đường ống nước của Nhà máy nước Bình Minh bị khóa van, kẹp chì. Phía Lọc hóa dầu chuyển sang lấy nước của liên doanh Anh Phát – Sông Chu. "Một nhà máy xây chui, không phép, không đúng quy hoạch lại có thể được Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn – một đơn vị gồm liên doanh giữa các bên Việt Nam – Nhật Bản – Cô oét “ưu ái” một cách khó hiểu", đại biểu Nhưỡng nêu.

3.jpg
Nhà máy nước hồ Quế Sơn mới chỉ được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc đưa vào đồ án quy hoạch KKT Nghi Sơn, chứ chưa cho phép xây dựng.

 

Điều này cũng đồng nghĩa, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã tiếp tay cho sai phạm, tiếp tay cho nhà máy “xây chui, không phép” và cố tình giết chết Nhà máy nước Bình Minh được xây dựng đúng quy hoạch của Chính phủ và vi phạm hợp đồng cung cấp nước ký năm 2013 với Công ty Bình Minh. Đây là hiện tượng anh “chân giả” bóp chết anh “chân thật”, “cò gỗ” mổ chết “cò thật”.

Tỉnh Thanh Hóa đã có những quyết định sai lầm khi cho phép liên doanh Anh Phát - Sông Chu xây dựng Nhà máy nước hồ Quế Sơn, vi phạm Quy hoạch về nước tại KKT Nghi Sơn (khu vực phía Đông Nam) của Chính phủ ban hành năm 2007.

Theo ý kiến của nhiều địa biểu Quốc hội, đây là tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, câu chuyện về tình trạng “cát cứ” tại các địa phương hiện nay.

Theo quy hoạch về nước tại KKT Nghi Sơn năm 2007 của Chính phủ, thể hiện khu vựa Đông  Nam (hướng từ QL 1A ra biển) có một nhà máy nước xây dựng tại hồ Đồng Chùa (công suất 90.000m3/ngày đêm) và Nhà máy nước Bình Minh ra đời theo đúng quy hoạch này.

Mặt khác, tại KKT Nghi Sơn theo quy hoạch năm 2007 có một nhà máy xây dựng tại hồ Kim Giao, cách nhà máy nước tại hồ Đồng Chùa 15km. Còn Nhà máy nước hồ Quế Sơn hiện nay  trước đây chỉ là một cái hồ nhỏ, vốn cung cấp nước tưới cho khoảng vài chục hecta đất nông nghiệp vùng lân cận. Và sau này được Thanh Hóa cấp cho Tổng Công ty Anh Phát đầu tư  dự án sinh thái, xây biệt thự nghỉ dưỡng cho chuyên gia các dự án thuê nhà ở…

Như vậy, tỉnh Thanh Hóa đã vi phạm quy hoạch về nước của Chính phủ năm 2007, khi cho xây dựng Nhà máy nước hồ Quế Sơn.

Thậm chí, Chính phủ mới chỉ đồng ý về nguyên tác cho bổ sung Nhà máy nước hồ Quế Sơn vào đồ án quy hoạch KKT Nghi Sơn, chứ chưa cho phép xây dựng, nhưng nhà máy này lại ồ ạt xây dựng từ năm 2016 (chưa được thẩm định, đánh giá tác động môi trường, cấp phép xây dựng…).

"Nhà máy nước hồ Quế Sơn là bài học đắt giá về phạm luật mà trong vấn đề làm quy hoạch lần này cần được Quốc hội và các cơ quan chức năng xem xét, thẩm định kỹ lưỡng khi thông qua Luật Quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch chồng chéo, dẫn đến tình trạng “cát cứ” vi phạm như tại dự án Nhà máy nước hồ Quế Sơn. Hàng nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp Bình Minh đã đầu tư theo quy hoạch chuẩn lại rơi vào cảnh phá sản", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

2.jpgBộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tiếp thu ý kiến đại biểu Nhưỡng nêu trong phiên họp tổ ngày 24/10.

 

Cần làm rõ nạn chặt chém lai dắt tàu tại Cảng Nghi Sơn 

Cũng tại phiên thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội sáng 24/10, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng còn cho biết nhiều vấn nạn xảy ra tại KKT Nghi Sơn. Quy hoạch cảng biển còn vướng nhiều làng chài, khiến cho hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Do đó, cần phải di dời các làng chài này sao cho đảm bảo cuộc sống, kế sinh nhai, nghề nghiệp vươn khơi, bám biển cho nhân dân.

Đặc biệt, đại biểu Nhưỡng đề nghị trực tiếp với ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cần thanh tra và làm rõ những tiêu cực liên quan đến lai dắt tàu hiện nay tại khu vực cảng Nghi Sơn. Theo đại biểu, tại đây đang tồn tại một “lợi ích nhóm” rất khủng khiếp: lai dắt tàu, ăn chặn tiền tàu nước ngoài với giá cắt cổ. Có anh chỉ lai dắt giá 80-100 triệu đồng/tàu/lần. Nhưng cũng có người lai dắt và chém đẹp đến 550 triệu đồng/tàu/lần khiến cho các chủ tàu bức xúc, kêu cứu.

Đức Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top