Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 10 năm 2020 | 15:25

Đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm

Từ nay đến Tết Nguyên đán cần tăng cường kiểm soát khu vực biên giới và thị trường nội địa nhằm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiệu quả. Qua đó, đánh trúng, đánh đúng và ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm vi phạm.

17_09_58_img_2272.jpg
 Trong 3 quý đầu năm 2020 tình hình gian lận thương mại, hàng giả có chiều hướng gia tăng.

 

Đó là chỉ đạo của bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị giao ban Thường trực quý III, công tác trọng tâm quý IV/2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Gian lận thương mại, hàng giả có chiều hướng gia tăng

Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng trở lại.

Đáng chú ý, các đối tượng buôn lậu rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Điển hình như tại Bắc Giang, vụ dừng, kiểm tra xe ô tô của đối tượng nghi vấn, đối tượng đã manh động tấn công lực lượng chức năng, làm một chiến sĩ công an hy sinh. Qua khám xét xe ô tô, lực lượng chức năng phát hiện 2 tấn linh kiện điện thoại các loại không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Tại địa bàn biên giới các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới cũng diễn ra rất phức tạp, các vụ việc đã phát hiện, bắt giữ có số lượng ma túy lớn. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh và manh động, có vũ khí nóng sẵn sàng chống trả khi bị bao vây, bắt giữ.

Tuyến biên giới Tây Nam, một số đối tượng lợi dụng sơ hở của lực lượng chức năng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng đã qua sử dụng, đường cát, thuốc lá điếu... qua biên giới.

Đặc biệt, trên tuyến hàng không, bưu điện quốc tế, các đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao và dễ cất giấu như vàng, sản phẩm của động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà,...

Trên tuyến biển, cảng biển, hoạt động buôn lậu là xăng, dầu, khoáng sản, thuốc lá, rượu ngoại, hàng điện tử, điện lạnh, máy móc đã qua sử dụng, sản phẩm động vật thuộc danh mục CITES, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ...

Ở trong nước các hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trang thiết bị y tế và hàng hóa liên quan tới chống dịch bệnh.

Trong 3 quý đầu năm 2020, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 138.374 vụ việc vi phạm (giảm 7,5 % so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp ngân sách hơn 15.678 tỷ đồng (tăng 26,5% so với cùng kỳ); khởi tố 1.497 vụ (giảm 8,44% so với cùng kỳ), 1.800 đối tượng (giảm 6% so với cùng kỳ).

Riêng trong quý 3, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 63.110 vụ việc vi phạm (giảm 1% so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp nhà nước 4.386,9 tỷ đồng (giảm 30% so với cùng kỳ); khởi tố 369 vụ (tăng 14 % so với cùng kỳ), 454 đối tượng (tăng 25% so với cùng kỳ).

Tập trung chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm

Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán. Ông Trần Văn Phúc, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đề nghị Ban Chỉ đạo 389 từ trung ương đến địa phương tăng cường đấu tranh, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng, tiếp tục tăng cường đấu tranh hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam; chỉ đạo các bộ, ngành bổ sung về chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Trong khi các đối tượng buôn lậu ngày càng manh động, cần đầu tư trang thiết bị cho lực lượng chống buôn lậu. Tới đây, lực lượng Công an mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó dự báo sát tình hình để có giải pháp đấu tranh đạt hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng: Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường.

 

cảnh-sát-biển-kiểm-tra-tàu-tg-90959ts.jpg

Từ nay đến Tết Nguyên đán các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát khu vực biên giới và thị trường nội địa nhằm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiệu quả. 

 

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả quý 4/2020, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chức năng cần nâng cao năng lực để nhận diện phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả.

Trên cơ sở đó, phát hiện đối tượng chủ mưu, cầm đầu để đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm tội phạm, không chạy theo sự vụ.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm.

Theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để hoàn thành chương trình kế hoạch đã đề ra trong năm 2020.

Triển khai kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, Văn phòng Thường trực có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng nội dung, kế hoạch cụ thể phù hợp với từng địa phương.

Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, theo đó, lực lượng Hải quan, Biên phòng tăng cường kiểm soát khu vực biên giới, lực lượng Công an, Quản lý thị trường kiểm soát trong nội địa. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phòng ngừa sai phạm trong đội ngũ cán bộ, chiến sỹ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, không bao che, dung túng cho các đối tượng buôn lậu.

Các bộ, ngành địa phương nâng cao năng lực nhận diện phương thức, thủ đoạn buôn lậu mới về buôn lậu, gian lận thương mại, trên cơ sở đó phát hiện đối tượng chủ mưu cầm đầu, đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây ổ nhóm.Chia sẻ thủ đoạn buôn lậu mới, đào tạo bồi dưỡng các lực lượng, chia sẻ kinh nghiệm, nhận diện hành vi.

Phạt 4 doanh nghiệp đa cấp thu ngân sách 1.810 triệu đồng

Bộ Công thương đã xử phạt 4 doanh nghiệp với tổng số là 1.810 triệu đồng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp 1 doanh nghiệp. Ở cấp địa phương, tổng số tiền phạt của các cơ quan quản lý tại địa phương là 1.139 triệu đồng.

Thống kê tính đến đầu năm 2019, cả nước có 30 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động. Trong năm 2019, có 3 doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Trong khi đó, từ đầu năm 2019 đến nay, có 12 doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động. Đến hết tháng 8/2020, cả nước còn 21 doanh nghiệp đang hoạt động bán hàng đa cấp.

 

14_18_03_da-cap.jpg
 Tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2019 của các doanh nghiệp đạt khoảng 12.575 tỷ đồng.

 

Theo số liệu báo cáo của 24 doanh nghiệp, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp năm 2019 là 1.105.003 người, giảm 159.401 người (khoảng 12%) so với cuối năm 2018. Trong đó, số lượng người có phát sinh doanh thu, hoa hồng chiếm khoảng 50%.

Mặc dù số lượng người tham gia bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp giảm nhưng tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2019 của các doanh nghiệp đạt khoảng 12.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.793 tỷ đồng (tăng 16%) so với năm 2018 và tăng 4.247 tỷ đồng (tăng 35%) so với năm 2017.

Bộ Công Thương đã theo dõi, thu thập và chuyển thông tin, tài liệu liên quan đến gần 30 đơn vị có dấu hiệu hoạt động biến tướng cho các cơ quan công an theo dõi, xử lý theo pháp luật hình sự. Trên cơ sở đó, đã có vụ việc bị các cơ quan chức năng xử lý như vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Đầu tư Thời gian vàng (Goldtime Coffee).

Tuy nhiên, việc đấu tranh chống lại hình thức vi phạm này gặp nhiều khó khăn  do ncác đối tượng này hoạt động không phép nên không được quản lý theo các quy định pháp luật chuyên ngành hiện nay. Khi có thông tin, Bộ Công Thương phải chuyển cho cơ quan công an để theo dõi, xử lý theo pháp luật hình sự.

Đặc biệt các đối tượng này có phương thức hoạt động tinh vi, phức tạp, lợi dụng môi trường mạng và hình thức thương mại điện tử để kêu gọi người tham gia dưới các danh nghĩa như kinh doanh 4.0, công nghệ số, nền tảng số… Việc theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu để xử lý các đối tượng này rất khó khăn.

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top