Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 8 năm 2022 | 12:20

Để kim ngạch xuất khẩu mắc ca đạt khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050: Lời giải ở đâu?

Theo Đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đến năm 2050, giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm đạt khoảng 2,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ quy hoạch, chọn giống, chăm sóc đến chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là, phải làm tốt vấn đề xây dựng mối liên kết.

 

1s.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) tham quan khu trưng bày sản phẩm được chế biến từ hạt mắc ca tại Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm (2016-2020) phát triển ngành hàng mắc ca tại Việt Nam ngày 29/9/2020 tại Đắk Lắk. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

  

Doanh nghiệp liên kết với nông dân

Tại bản Võ Giáng, xã Quài Nưa (Tuần Giáo - Điện Biên), gia đình anh Cà Văn Than đang có cuộc sống ổn định hơn nhờ cây mắc ca. 

Anh Than tâm sự, trước kia gia đình  chỉ trồng sắn, ngô, lúa nương. Đất đai cằn cỗi nên năng suất kém, làm vất vả mà không đủ ăn. Năm 2016, anh làm công nhân cho dự án trồng mắc ca của một doanh nghiệp. Công việc hàng ngày chỉ đi phát cỏ dại, trông coi bảo vệ vườn cây. Mỗi tháng, anh được trả 5 triệu đồng, cơm và chỗ ở đều được doanh nghiệp lo.

“Tôi vừa làm công nhân cho dự án, vừa hợp tác với doanh nghiệp trồng mắc ca” - anh cho biết - “Công ty đầu tư giống, kỹ thuật, vật tư nông nghiệp, gia đình góp đất. Tổng chi phí trong 5 năm khoảng 110 triệu đồng/ha, tỉnh hỗ trợ 50 triệu, còn 60 triệu doanh nghiệp đầu tư”. 

Khi cây cho quả, công ty có trách nhiệm thu mua về chế biến. 1ha trồng được khoảng 280 cây. Mỗi cây 5 năm tuổi cho thu 7kg hạt nguyên vỏ/năm. Tính ra, 1 ha cho thu khoảng 150 triệu đồng. 

Còn ở xã Yên Trạch (Cao Lộc), lão nông Nguyễn Mạnh Hùng khoe, ông là người đầu tiên trồng cây mắc ca tại tỉnh Lạng Sơn, đến nay vườn cây được 12-13 năm tuổi. Hiện, ông có 6 ha cho thu hoạch quả, năng suất dần tăng theo từng năm. Đây là cây trồng lâu năm, có vòng đời thu hoạch liên tục trong 40-60 năm nên cây có tuổi đời càng cao, quả càng sai.

Ngoài trồng mắc ca, ông Hùng còn có xưởng chế biến hạt. Năm 2021, mắc ca cho thu 37 tấn quả tươi, thành phẩm xuất bán ra thị trường là 12 tấn, doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng.

Sản phẩm mắc ca sau khi chế biến được xuất bán tại thị trường các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh Tây Nguyên. Hạt này cũng được đưa vào bán tại 16 siêu thị ở miền Bắc. Sản phẩm làm ra đến đâu, bán hết đến đó. 

Với diện tích mắc ca còn khiêm tốn, không đủ cung cho xưởng chế biến nên ông Hùng phải thu mua thêm nguồn nguyên liệu bên ngoài. Ông cũng liên kết với bà con nông dân trồng thêm 10ha mắc ca nhằm mở rộng vùng nguyên liệu.

Ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, nhận định, mắc ca là cây lâu năm nên có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giúp người dân an cư. Đây cũng là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mắc ca trồng đến năm thứ 8, sau khi trừ chi phí, sẽ cho lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng/ha.

“Tại Hội nghị Mắc ca thế giới vừa qua, nhiều doanh nghiệp lớn của Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất kỳ vọng có thể liên doanh với Việt Nam bao tiêu toàn bộ sản phẩm mắc ca. Thế nhưng, tôi nói với họ, bây giờ chỉ vào khảo sát, còn triển khai phải chờ đến năm 2025, khi đó vùng nguyên liệu mới đủ đáp ứng quy mô sản xuất lớn”, ông chia sẻ.

Ông Huy cũng cho biết, giá hạt mắc ca tại Việt Nam hiện cao hơn Australia. Đặc biệt, mắc ca luôn trong tình trạng “cháy hàng” vì nguồn cung khan hiếm.

Mở rộng diện tích

Hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, phù hợp với nhu cầu thực tế, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã quan tâm đến việc chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng mang lại giá trị cao.

Ông Nguyễn Lên, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Ngọc Lên (Sơn Tây - Quảng Ngãi), hiện quản lý khoảng 200ha đất với hàng chục thành viên đều là đồng bào dân tộc thiểu số Cadong. Theo ông Lên, người Cadong chịu thương chịu khó lao động nhưng nhiều hộ đến nay chưa thể thoát nghèo. Cây trồng truyền thống là keo, sắn, rất tốn công lao động nhưng giá trị kinh tế thấp, người dân khó thoát nghèo.

“Trồng keo thì 5 - 6 năm mới thu hoạch, tiền bán keo thu về 60 - 70 triệu đồng/ha nhưng phải chặt đi trồng lại từ đầu. Trồng sắn thì giá trị kinh tế quá thấp, như năm rồi giá bán chỉ 2.000 đồng/kg. Trong khi mắc ca bán tại vườn là 95.000 đồng/kg và cây trồng một lần nhưng cho thu hoạch 50 - 60 năm. Tôi tin đây là cây trồng sẽ giúp người Cadong thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu”, ông Lên nói.

Theo ông Lên, sau 5 năm theo dõi, toàn bộ 1.500 cây mắc ca với nhiều loại giống khác nhau đều đơm hoa, kết trái. Điều này cho thấy, khí hậu tại Liên Sơn rất tốt để mở rộng diện tích cây trồng này. Trong tháng 7, vườn mắc ca nhà ông Lên bắt đầu thu hoạch vụ đầu tiên, sản lượng không dưới 1 tấn quả và hiện đã có doanh nghiệp chế biến tại Đắk Lắk đặt mua với giá 95.000 đồng/kg.

Ông Huỳnh Ngọc Huy cho biết, năm 2022, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tập trung mở rộng diện tích ở miền Trung, khi khu vực này đang có diện tích trồng keo rất lớn, điển hình là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. “Mục tiêu của chúng tôi là vận động người dân chuyển đổi trồng cây mắc ca để có thu nhập cao hơn, chỉ cần chuyển đổi 15 - 20% diện tích trồng keo sang trồng mắc ca thì nông dân giàu có rồi. Người dân không cần chuyển đổi, trồng ồ ạt mà trồng theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài”. Năm năm đầu, chờ mắc ca ra trái có thể trồng xen canh cây ngắn ngày để duy trì thu nhập hoặc mỗi gia đình có 2 - 3 ha đất thì trồng xen 50 - 100 cây khi thấy hiệu quả thì nhân rộng”, ông Huy nói.

Còn tại Bình Định, ông Đặng Văn Khánh hiện đang sở hữu 5ha mắc ca tại xã miền núi Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) chia sẻ: “Tôi trồng thử nghiệm hàng trăm loại cây từ ngô, lúa, đậu đến cây ăn quả như bơ, xoài, sầu riêng, măng cụt… nhưng đến giờ thì không có cây nào vượt qua mắc ca”.

Điểm khác biệt của mắc ca với nhiều loại cây trồng khác mà ông Khánh tâm đắc, khẳng định “chưa có cây nào vượt được với mắc ca” là ở khâu tiêu thụ. Năm 2021, giá mắc ca bán xô 75.000-80.000 đồng/kg, còn hàng loại 1 giá 100.00-120.000 đồng/kg.

“Từ khi vườn mắc ca cho thu hoạch đến giờ, tôi chưa bán sản phẩm ra bên ngoài. Thông thường, trước khi thu hoạch 1-2 tháng, thương lái sẽ đi thăm vườn và ôm tiền đặt cọc luôn.

Câu chuyện ông Khánh trồng cây mắc ca cũng truyền cảm hứng cho  nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số Ba Na. Theo UBND xã Vĩnh Sơn, đến nay diện tích mắc ca đã tăng lên hơn 40ha, phần lớn các hộ là những đôi bạn trẻ mới lập gia đình, được ông Khánh tư vấn và chọn mắc ca là cây trồng khởi nghiệp.

 

anh-2.jpg
Ông Nguyễn Thanh Hiền, thôn Tân Phú, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) giới thiệu về vườn mắc ca của gia đình.

 

Quy hoạch tốt vùng trồng

Là cây lâm nghiệp, đồng thời là cây đa mục đích, mắc ca vừa có thể trồng rừng phòng hộ đầu nguồn tạo nguồn sinh thủy, góp phần nâng tỷ lệ che phủ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là ở các vùng biên giới, vùng sâu, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào, vừa có thể trồng tập trung trong các vườn rừng, vườn nhà hoặc trồng xen canh trong nương rẫy với các cây ăn quả, cây công nghiệp khác, đem lại hiệu quả kinh tế.

Ông Huỳnh Ngọc Huy nhận định, hiện tại, 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên vẫn còn nhiều đất trống, đồi trọc và đất rừng sản xuất phù hợp để tăng diện tích trồng mắc ca. Với Sơn La, những năm qua đã phát triển mạnh cây ăn quả, cây lâu năm nên diện tích để phát triển cây mắc ca không còn nhiều.

Khác với Tây Nguyên, Tây Bắc chưa có được bộ cây trồng lâu năm như sầu riêng, tiêu, điều, cà phê… và đặc biệt hệ thống logistics tại khu vực này đang phát triển nên việc phát triển cây mắc ca ở Tây Bắc là khá phù hợp, hy vọng sẽ giúp nâng cao đời sống cho người dân cũng như làm cho Tây Bắc phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai gần.

Theo ông Trần Công Nhì, Tổng giám đốc Công ty CP Him Lam, sau 4 năm trồng khảo nghiệm trên toàn tỉnh Điện Biên, mắc ca cho kết quả khá tốt. Năm 2016, doanh nghiệp bắt đầu xuống giống và 3 năm sau đó thì hoàn thành 1.000 ha. Kế hoạch đến năm 2025, sẽ trồng hoàn thành 10.000ha mắc ca tại tỉnh này.

“Điện Biên rất phù hợp với cây mắc ca. Năm đầu thu hoạch doanh thu vượt xa mong đợi”, ông Nhì đánh giá. 

Tương tự, Lâm Đồng - tỉnh phía Nam Tây Nguyên, có diện tích đất rừng chiếm khoảng 53%, diện tích trồng cà phê lớn với khoảng 175 nghìn hecta, phần lớn diện tích cà phê là trồng độc canh nên có thể trồng xen mắc ca để tăng nguồn thu nhập cho người dân.

Diện tích mắc ca trồng thuần ở Lâm Đồng ở vào khoảng 151ha, còn lại trên 5.000ha chủ yếu được trồng xen trong vườn cà phê, chè... Ngành Nông nghiệp nhận định, mô hình trồng xen góp phần giúp nông dân canh tác cà phê, chè bền vững, tăng độ che phủ đất, đa dạng hóa sản phẩm để giảm rủi ro về thị trường, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Đưa ra khuyến cáo cho người dân, doanh nghiệp, HTX, ông Huỳnh Ngọc Huy cho rằng, phải trồng theo chuỗi liên kết, xây dựng vùng trồng tập trung. Nếu phát triển theo hướng manh mún, nhỏ lẻ sẽ rất khó khăn cho việc xây dựng nhà máy chế biến quy mô lớn thời gian tới.

Để tránh tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, tới đây, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, đánh giá, xác định quy mô và quỹ đất phù hợp để trồng mắc ca; chỉ đạo, hướng dẫn trồng thí điểm với quy mô phù hợp, đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng tại một số địa phương khác. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam nghiên cứu, dự báo tình hình cung ứng và thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu để định hướng phát triển, kịp thời điều chỉnh sản xuất.

Hiện Tổng cục Lâm nghiệp đã xây dựng kế hoạch triển khai hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” có hiệu quả. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế và bảo quản mắc ca, tiêu chuẩn giống cây trồng mắc ca...

Nâng cao năng lực chế biến

Nước ta đã có một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất sản phẩm sữa mắc ca như: Công ty cổ phần TH True Milk, Công ty Nutifood... Tuy nhiên, về cơ bản, máy móc, thiết bị sơ chế, chế biến chủ yếu đơn giản như: máy sấy hạ ẩm, sấy hạt, máy làm nứt vỏ hạt...

Theo các chuyên gia, để mắc ca xuất khẩu đạt kỳ vọng, khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050, các doanh nghiệp, người nông dân cần áp dụng công nghệ đối với sản xuất và chế biến mắc ca, qua đó hình thành các vùng sản xuất mắc ca ứng dụng công nghệ cao để triển khai thực hiện các biện pháp canh tác tiên tiến, đồng bộ…

Trong thực tế, việc chế biến và tiêu thụ luôn là bài toán nan giải nhất cho các cây trồng nếu đạt được sản lượng lớn.

Theo ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), việc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca gắn với vùng trồng nguyên liệu tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên là cần thiết.

Để chế biến và tiêu thụ sản phẩm mắc ca bền vững, ông Bảo cho rằng, việc trước mắt cần nâng cấp 65 cơ sở sơ chế, chế biến hiện có, xây dựng mới khoảng 300 - 400 cơ sở sơ chế, chế biến, công suất mỗi cơ sở 100 - 200 tấn hạt/năm. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 8 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm mắc ca có giá trị cao, công suất mỗi cơ sở 10.000 - 15.000 tấn hạt tươi/năm tại những địa phương có điều kiện thuận lợi.

Về phát triển thị trường cho cây mắc ca, ông Trần Quang Bảo cho rằng, đối với thị trường trong nước, các địa phương cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca, gắn với chỉ dẫn địa lý; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm mắc ca.

Đối với thị trường xuất khẩu, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại. Tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nhân và hạt mắc ca nguyên vỏ, các sản phẩm mắc ca chế biến sâu vào thị trường các nước.

Cần có chính sách tín dụng riêng để tăng nhanh diện tích

Theo ông Huy, Hiệp hội Mắc ca thế giới đang cố gắng đẩy sản lượng hạt mắc ca lên 6% trong ngành quả khô vào năm 2030. Do vậy, Việt Nam mở rộng diện tích trồng để có đủ nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy chế biến, từ đó sớm chiếm lĩnh thị phần trên thị trường thế giới là hướng đi cần ưu tiên.

 

Trong chuyến công tác tại Dubai hồi tháng 5/2022, ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, đã   làm việc với ông Ibrahim Lootah, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lootah và ký kết thỏa thuận ghi nhớ thành lập công ty liên doanh để bao tiêu, xuất khẩu mắc ca sang thị trường Trung Đông.

Cuối tháng 6 vừa qua, ông Ibrahim Lootah bay sang Việt Nam để làm việc chính thức cũng như bước đầu khảo sát cây mắc ca trồng tại Việt Nam. Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Tập đoàn Lootah với LienVietPostBank và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tại TP.HCM, các bên thống nhất sau năm 2025 sẽ xây dựng nhà máy chế biến mắc ca xuất khẩu vì hiện tại sản lượng vẫn chưa nhiều.

“Lootah là tập đoàn rất lớn ở Dubai, họ cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm mắc ca của Việt Nam tại thị trường Trung Đông. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam có cam kết bao tiêu toàn bộ mắc ca cho nông dân, nhưng thực tế nhiều năm qua vẫn chưa mua được cân nào. Bởi mắc ca trồng được bao nhiêu nông dân đều bán hết đến đấy và khi có thêm sự liên kết với Tập đoàn Lootah, người trồng mắc ca hoàn toàn yên tâm, không còn lo về đầu ra nữa”, ông Huy nói.

 

Hạt mắc ca lại có thể chế biến ra rất nhiều sản phẩm như: sữa, thức ăn, bột dinh dưỡng, dầu ăn, tinh dầu, mỹ phẩm… Nhu cầu tiêu thụ ở trong nước và trên thế giới rất cao, cần bảo đảm đầu ra lớn và ổn định lâu dài.

Tuy nhiên, để làm được điều này, một trong những khó khăn nhất hiện nay là  vấn đề đất đai, rất cần các cơ chế và chính sách để giải quyết. Thứ hai là vấn đề vốn.

Ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lai Châu, khẳng định, địa phương “vững tin phát triển mắc ca”. Lai Châu có 6 doanh nghiệp trồng mắc ca tập trung với 12 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, cho thuê đất trên 10.400ha, tổng vốn lên tới 1.600 tỉ đồng nhưng vẫn còn quỹ đất trên 200.000ha có thể mở rộng trồng mắc ca.

Ông Châu thẳng thắn cho rằng, để phát triển nhanh diện tích mắc ca thì cần có cơ chế chính sách riêng, nếu áp dụng các chính sách chung hiện nay sẽ khó thành công. Nhà nước chưa thực sự quan tâm, có chính sách đầu tư, vốn tín dụng để phát triển mắc ca, khi chỉ có Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho vay vốn.

Để thu hút các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp đầu tư thì chính sách tín dụng (hỗ trợ lãi suất, thời gian ân hạn trả gốc…) cho vay không chỉ từ lúc trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, mà phải cho vay cả thu mua, chế biến, tạo động lực thu hút đầu tư vào mắc ca.

“Chính sách tín dụng phải huy động nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng cùng vào cuộc, giúp nông dân, doanh nghiệp thuận lợi vay vốn. Nếu mắc ca trồng, thu hoạch tới đâu mà bán được giá, bán hết đến đấy sẽ tạo ra lực kích cầu mạnh thì tự khắc diện tích mắc ca tăng rất nhanh”, ông Châu nói.

Đồng quan điểm với ông Châu, ông Trần Văn Thượng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên, đề xuất: “Chỉ có một ngân hàng cho vay vốn thì e rằng dự án khó đạt tiến độ. Các dự án liên kết với nông dân nếu giải ngân chậm hay vỡ tiến độ, người dân sẽ mất niềm tin vào cây mắc ca.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT nên nghiên cứu để kiến nghị Chính phủ huy động nhiều ngân hàng thương mại cùng cho vay vốn trồng mắc ca”.

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top