Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 11 năm 2021 | 11:42

Để kinh tế tập thể “bứt phá”: Cần tư duy mới và đồng bộ

Những năm gần đây, kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX), có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội...

Bên cạnh những kết quả đạt được, KTTT, HTX vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, đòi hỏi phải được tháo gỡ, đổi mới cách thức hoạt động, quan trọng nhất là thay đổi tư duy của tất cả các bên tham gia.

Đóng góp 4,8% GDP

Theo ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nuôi tôm công nghệ cao Đông Hải (Đông Hải-Bạc Liêu), muốn nâng cao thu nhập và phát triển bền vững thì nông dân phải tham gia HTX. Muốn xuất khẩu con tôm sang thị trường châu Âu phải có giấy chứng nhận ASC; muốn liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu để bán tôm được giá cao cũng phải có giấy chứng nhận này. Do vậy, bản thân nông dân không thể tự làm giấy chứng nhận ASC mà phải thông qua một tổ chức và HTX chính là nơi để giúp nông dân làm điều đó.

Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), cho biết, nhằm giúp nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, ICAFIS chọn các HTX để hỗ trợ. Vì chỉ có HTX mới có thể cùng với doanh nghiệp thực hiện liên kết chuỗi sản xuất và thực hiện các quy định của quốc tế về nuôi trồng thủy sản bền vững. Mặt khác, phát triển HTX là nhu cầu tất yếu trong liên kết nông nghiệp, giúp nông dân tăng thu nhập, giải quyết thêm nhiều việc làm.

 

1-1.jpg

Những năm qua, khu vực KTTT, HTX đạt được thành tựu nổi bật, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế của đất nước.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, HTX là tư tưởng của nhân loại, tập hợp những người yếu thế trong xã hội tạo thành sức mạnh của số đông để đương đầu được với rủi ro của thị trường. Phát triển HTX sẽ tạo ra sức mạnh đa chiều. Những quốc gia gần chúng ta, họ đánh giá HTX có vai trò rất lớn, như Thái Lan đặt tên Bộ là Nông nghiệp và HTX...

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nay là Chủ tịch nước, từng khẳng định, kinh tế hợp tác, HTX là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế nước ta, có vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

 

Mới đây (ngày 2/11/2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình về phát triển KTTT, HTX.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: HTX có 3 vai trò, tổ chức kinh tế, tạo cơ hội việc làm và tạo thu nhập cho xã viên, người lao động. Chủ tịch nước nhắc lại ý nói của Bác Hồ về HTX: Hạt nhân, trung tâm của HTX là xã viên. HTX là phương tiện để phục vụ xã viên.

Để mô hình kinh tế HTX thành công, Chủ tịch nước cho rằng: Phải vượt lên tư duy về mô hình HTX truyền thống; phải vốn hóa được quyền lợi, khắc phục được tình trạng tổ chức cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả. Các HTX, THT phải có tầm nhìn chiến lược để cùng nhau đi xa...

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Phải gắn công nghệ số, thương mại điện tử với phát triển kinh tế hợp tác. Kinh tế HTX phải gắn với thế mạnh địa phương.

 

Theo Liên minh HTX Việt Nam, giai đoạn 2016-2020, KTTT, HTX tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nhất là địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao nhận thức của xã hội và hệ thống chính trị đối với HTX kiểu mới.

Đến cuối năm 2020, cả nước có 26.040 HTX, thu hút hơn 8,1 triệu thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn tham gia HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác (chiếm 31% tổng số hộ cá thể, cá nhân của cả nước). Khu vực KTTT, HTX đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% GDP cả nước và gián tiếp hơn 30% GDP thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên.

Riêng trong năm 2020, có tới 96% số HTX được chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động; quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên; tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt 56%; tổng doanh thu đạt hơn 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.900 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 4,3 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, cả nước có 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.913 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

 

1ssss.JPG
Hợp tác xã chăn nuôi Eapok ở thị trấn Eapok (Cư M’Gar - Đắk Lắk) có đàn bò sinh sản hơn 400 con, mỗi tháng cung cấp gần 20 tấn thịt đảm bảo chất lượng. Ảnh: Vũ Sinh.

 

Chủ động, sáng tạo, nhiều HTX hoạt động hiệu quả

Những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự năng động, sáng tạo, thích ứng với điều kiện cụ thể của từng địa phương, nhiều HTX đã hoạt động hiệu quả. Kinh tế nông thôn điểm hai mô hình.

HTX sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa, xã Xuân Hòa (Xuân Trường - Nam Định) do ông Lê Văn Bản làm Giám đốc.

Những năm 2009, ông Bản nuôi cá vược xen lẫn cá lăng, cá trắm đen, trắm cỏ, chép, tôm sú, mỗi năm thu 1,5 tỷ đồng, lãi 500 - 700 triệu đồng. Nhận thức được những khó khăn khi sản xuất đơn lẻ nên cuối năm 2014, ông và một số hộ dân khác trong xã thành lập HTX để cùng nhau hỗ trợ sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất.

Khi mới thành lập, HTX chỉ có 15ha  nuôi trồng thủy sản, với 18 thành viên. Đến nay, diện tích là hơn 25ha, với 25 thành viên, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 40-50 lao động, thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2019, doanh thu của HTX đạt 25 tỷ đồng, lãi hơn 5 tỷ đồng. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu đạt gần 23 tỷ đồng, lãi thu giảm hơn 2 tỷ đồng so với năm 2019.

Ông Bản cho biết, các hộ nuôi khi tham gia HTX không chỉ được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi thả cá, từ việc lựa chọn, ương cá giống, mật độ thả, vệ sinh ao nuôi... đến việc chủ động phòng bệnh cho cá, mà còn thường xuyên được tham quan thực tế và tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật khuyến nông. Nhờ vậy, tư duy sản xuất của các thành viên đã có chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn giống, thức ăn, thuốc nuôi trồng thủy sản, các chế phẩm sinh học cũng được quản lý tốt, việc giám sát tình hình dịch bệnh trong nuôi thủy sản cũng chặt chẽ hơn... Hệ thống hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản từng bước được cải tạo và nâng cấp, tạo thuận lợi cho sản xuất.

Đến nay, HTX Xuân Hòa đem lại hiệu quả cao cho các thành viên, tạo sự liên kết giữa các hộ gia đình trong toàn xã, tương trợ nhau trong ứng dụng công nghệ, chuyển giao tiến bộ  kỹ thuật. Qua hợp tác sản xuất, các hộ nuôi ở Xuân Hòa đã tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm về số lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Cũng trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, tuy mới thành lập năm 2019, song HTX Thủy sản Yên Nguyên (Chiêm Hóa - Tuyên Quang) đã khẳng định lợi thế cạnh tranh của ngành nghề sản xuất. Anh Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc HTX cho biết, HTX có 7 thành viên, nuôi 65 lồng cá đặc sản như: chiên, bỗng... Trước đây, các hộ nuôi nhỏ lẻ, chất lượng không đồng đều, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Khi HTX được thành lập, các thành viên thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng được nâng lên, đồng đều hơn. Sản xuất quy mô hàng hóa, theo tiêu chuẩn sạch, cá đặc sản Yên Nguyên đã “bơi” ra biển lớn, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội, Vĩnh Phúc và Hải Phòng. Năm 2020, sản phẩm cá đặc sản Yên Nguyên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.

Ông Đinh Văn Thịnh, thành viên HTX Thủy sản Yên Nguyên phấn khởi cho biết, trước gia đình chỉ nuôi 2 lồng, khi vào HTX, được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của tỉnh, thị trường tiêu thụ ổn định, gia đình nuôi thêm 8 lồng, trong đó có 5 lồng cá đặc sản. Thu nhập từ nuôi cá lồng của gia đình đạt 350 - 400 triệu đồng/năm, nếu không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn thu còn cao hơn.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 diễn ra vào tháng 3/2021 cho thấy, có 2.439 tổ chức kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm OCOP được xếp hạng, trong đó khu vực kinh tế tư nhân chiếm 59% (27,5% là doanh nghiệp), còn lại là KTTT, HTX chiếm 41%, cho thấy mục tiêu là rất đúng hướng, là cơ sở, thành tố kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn.

Nhiều hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, khu vực KTTT, HTX phát triển còn chậm so với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng còn thấp; tỷ lệ đóng góp GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn HTX quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng lực tài chính và quản trị yếu, phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, các lĩnh vực, khả năng huy động nguồn lực và áp dụng công nghệ cao còn hạn chế.

Sự liên kết hình thành chuỗi giá trị giữa HTX, THT với các loại hình kinh tế khác còn hạn chế... Trên thực tế, vẫn còn tình trạng thành lập HTX cho có, vì thế, có HTX được thành lập chỉ hoạt động một thời gian ngắn là giải thể, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, không phát huy được hiệu quả. Có HTX còn mang nặng tư tưởng thành lập để trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, ưu đãi về hạ tầng, hay dựa dẫm vào các chính sách khác…

Có nhiều chính sách hỗ trợ KTTT, HTX nhưng còn dàn trải, phân tán. Mặc khác, một số chính sách ban hành khi triển khai thì HTX khó tiếp cận, mức hỗ trợ thấp, trong khi nhiều HTX không đáp ứng được điều kiện hỗ trợ, không có vốn đối ứng...

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, các HTX kiểu mới quy mô thôn, xã hoạt động chưa hiệu quả vì chủ yếu thực hiện các dịch vụ công truyền thống như: bảo vệ thực vật; bảo vệ đồng ruộng; thủy lợi, khuyến nông. Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, người đứng đầu nhiều tuổi, còn bị ảnh hưởng tư duy kiểu cũ nên thiếu chủ động, ngại đổi mới, không mạnh dạn.

Trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh kém. Khả năng huy động vốn hạn chế; sự gắn kết lợi ích giữa hợp tác xã và thành viên mờ nhạt, chưa thực sự mang tinh thần hợp tác; lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho thành viên thấp. Nhiều HTX hoạt động còn hình thức, phương thức hoạt động không thay đổi, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường.

Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho rằng, còn không ít HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; chưa thu hút được nguồn nhân lực tại chỗ tham gia lao động tại các HTX; sự liên kết giữa các HTX chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, không đảm bảo được tính bền vững; bản thân một số HTX còn thiếu năng động, lúng túng trong hoạt động tổ chức sản xuất, kinh doanh... Vì vậy, khó bắt nhịp cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

Trước khó khăn của các HTX, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đã đưa ra đề xuất, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương thực hiện gói tín dụng từ chính sách tiền tệ hoặc bảo lãnh của Nhà nước từ chính sách tài khóa với lãi suất thấp (3%/năm). HTX cần được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi, vay để trả kho bãi, nhà xưởng chế biến, bảo quản nông sản, tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị ngay sau khi khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Đây không chỉ là nguồn lực giúp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các HTX mà còn tạo xung lực mới cho HTX tiếp tục đầu tư cho sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, chúng ta thường đánh giá bên ngoài là HTX yếu kém năng lực quản trị, nhưng chúng ta thiếu cơ chế để hỗ trợ. Thời gian qua, chúng ta thành lập rất nhiều HTX, HTX đã đóng góp một phần trong chuỗi liên kết, tức là HTX đứng ra liên kết kinh tế hộ để thu mua nông sản của các thành viên, đưa ra thị trường thông qua các doanh nghiệp, thương lái.

Tuy nhiên, đó chưa phải là bản chất, mô hình đầy đủ của HTX. Mục tiêu thế giới hướng tới khi vận hành HTX là HTX không chỉ tham gia vào chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, đóng vai trò trung gian, mà phải tham gia vào chuỗi giá trị của một ngành, một vùng nông sản. Tức là từ chuỗi liên kết tạo thành chuỗi giá trị. “Chuỗi liên kết khác chuỗi giá trị ở chỗ: với nông sản đó, tôi liên kết, bao tiêu, đưa ra thị trường, nhưng ở chuỗi giá trị thì vẫn nông sản đó được phân loại, sơ chế, chế biến, đa dạng hóa”, Bộ trưởng Hoan cho biết thêm.

 

2.jpg

Mỗi năm, HTX Xuân Hoà (Nam Định) cung ứng ra thị trường khoảng 500 tấn cá các loại, doanh thu khoảng 20 tỷ đồng. Ảnh: Mai Chiến.

 

Thay đổi tư duy để “bứt phá”

Thời gian tới, trong bối cảnh mới đặt ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức cho khu vực KTTT, HTX, đòi hỏi khu vực này phải tự thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với yêu cầu và tận dụng được những cơ hội phát triển ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức, buộc khu vực KTTT, HTX phải năng động, sáng tạo, nắm bắt thông tin, tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến để áp dụng vào sản xuất, phù hợp với thực tế Việt Nam.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hoạt động của HTX từ dịch vụ đầu vào sang sản xuất hàng hóa, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, kiến thức tiếp cận thị trường và kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ ổn định.

 

Quyết định số 340/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác với 2 triệu thành viên, 45 nghìn HTX với 8 triệu thành viên, 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm 60 - 70% trên tổng số HTX cả nước. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 25%; khoảng 80% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030, cả nước có trên 5.000 HTX và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản.

Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu có khoảng 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

 

Cùng với đó, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị, sản xuất cho cán bộ quản lý và thành viên HTX; hỗ trợ để các HTX vay vốn tín dụng và tiếp cận được với các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nhất là tiếp cận Quỹ phát triển hợp tác xã và Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế của Hội Nông dân, Quỹ Khuyến nông,... để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tổ chức sản xuất.

Ông Phan Thế Tuấn đề nghị, Liên minh HTX tiếp tục có những chính sách đầu tư, hỗ trợ các HTX đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng hoạt động. Việc phát triển HTX không nên quá chú trọng đến số lượng mà cần quan tâm đến chất lượng hoạt động của các HTX nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo hướng đi bền vững cho mô hình KTTT, tiến tới xóa bỏ dần mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương quan tâm đến phát triển HTX, coi HTX là một phần của kinh tế nông thôn, là một phần không thể tách rời của kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn. Xây dựng các HTX là xây dựng sự hợp tác để cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và PTNT.

Ngày 12/03/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 340/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030. Theo đó, để hoàn thành được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030, thời gian tới cần tập trung triển khai các nhóm giải pháp.

Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về bản chất, cơ chế hoạt động của HTX kiểu mới, vai trò và lợi ích của KTTT, HTX trong phát triển sản xuất, kinh doanh.

Rà soát, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển KTTT, HTX. Có chính sách khuyến khích phát triển mô hình HTX tại các tỉnh miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX. Tháo gỡ những rào cản vướng mắc nhằm nâng cao khả năng huy động và tiếp cận nguồn lực cho các HTX. Phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của thành viên; bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực quản lý, kinh tế, thương mại, công nghệ cho thành viên, những người tham gia KTTT, HTX.

Xây dựng mô hình HTX và tổng kết mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ môi trường, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập cho các thành viên. Khuyến khích các tổ chức KTTT, HTX chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường; cùng với đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm để xây dựng thương hiệu có uy tín trên thị trường...

Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Liên minh HTX Việt Nam trong phát triển KTTT, HTX. Đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển KTTT, HTX nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, thiết bị, máy móc, liên kết và mở rộng thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Để KTTT, nòng cốt là HTX, phát huy hiệu quả, tạo bứt phá trong phát triển, thiết nghĩ, trước hết cần sự năng động, chủ động, linh hoạt của các chủ thể tham gia, sự vào cuộc gỡ khó của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là thay đổi về tư duy trong xây dựng chính sách, trong cách nghĩ, cách làm,  tìm hướng tiêu thụ, mở rộng thị trường sản xuất. Có như vậy, KTTT mới khẳng định được mình trong thời kỳ hội nhập.

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top