Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2019 | 15:12

Đề nghị giảm thuế NK thịt lợn và gà của Mỹ: Cần chủ động hạ giá thành

Thông tin Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, gà đang khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng khi lượng thịt nhập khẩu có thể tăng đột biến, điều đó có thể dẫn đến ngành chăn nuôi trong nước đứng trước nguy cơ phá sản.

tr6.jpg
Người tiêu dùng mua thịt lợn tại siêu thị Hapro Mart Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

 

Biến động từ tăng lượng nhập khẩu

Trước bối cảnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành, đàn lợn bị giảm đáng kể, lượng thịt thiếu hụt cho những tháng cuối năm 2019, dự kiến lên đến 200.000 tấn vào đầu năm 2020. Theo đó, lượng nhập khẩu các mặt hàng thịt lợn, gà từ các nước tăng đột biến từ đầu năm đến nay.

Cụ thể, theo số liệu từ Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), 9 tháng năm 2019, cả nước  nhập khẩu 14.824 tấn thịt lợn các loại với tổng giá trị 29,177 triệu USD.

Trong khi đó, cả năm 2018, lượng thịt lợn nhập khẩu là 14.295 tấn, tổng giá trị 23,625 triệu USD. Năm 2017, con số này là 6.332 tấn, giá trị 10,6 triệu USD. Các sản phẩm thịt lợn nhập về Việt Nam chủ yếu là chân giò, xương sụn, thịt ức, thịt vai, sườn đông lạnh, ba chỉ, mỡ lợn… và nội tạng.

Nhập khẩu thịt gà cũng tăng. Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2019, cả nước nhập khẩu 215.700 tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.

Trong bối cảnh lượng thịt lợn, gà nhập khẩu tăng đột biến, việc Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm thuế suất mặt hàng thịt lợn, gà khiến nhiều người lo lắng.

Bộ Tài chính cho biết, Ủy ban Nông nghiệp Mỹ đã có đề nghị giảm mức thuế thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh, trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng từ 25% xuống 18,9% năm 2020 và 0% trong năm 2027.

Do đó, để đáp ứng đề nghị của phía Mỹ, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm thuế suất mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng (thuộc phân nhóm 0203.19.00) từ 25% xuống 22%.

Mặt hàng thịt gà được Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh thuộc phân nhóm 2207.14 từ 20% xuống 18% (Mỹ đề nghị 14,5%).

Chú trọng hàng rào kỹ thuật

Các hội, hiệp hội ngành chăn nuôi cho rằng, việc đề xuất giảm thuế nhập khẩu thịt ban đầu sẽ gây khó cho người chăn nuôi, nhất là người nuôi gia cầm. Tuy nhiên, mức thuế giảm cũng phù hợp trong bối cảnh hội nhập cùng với những cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do.

Theo ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hội cũng nhất trí với mức giảm thuế. Bởi, đây là mức phù hợp với ngành trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Mức giảm này đã bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước cũng như đáp ứng yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do và đề xuất của Mỹ.

Đây là mức giảm vừa phải để ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi có thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, các bộ, ngành cần có hàng rào kỹ thuật để kiểm soát hàng chất lượng kém, tránh tác dụng tiêu cực của việc giảm thuế, bảo vệ sản xuất trong nước.

“Các bộ, ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp, cần quan tâm để tránh tác động tiêu cực của giảm thuế, vì tương lai thuế sẽ còn tiếp tục giảm nên rất cần có hàng rào kỹ thuật”, ông Nguyễn Tất Thắng nhấn mạnh.

Cân nhắc lộ trình giảm thuế

Với các loại thuế đưa ra, ông Nguyễn Tất Thắng nhận định, đối với lợn sẽ không ảnh hưởng nhiều, nhưng đối với gia cầm sẽ có ảnh hưởng. Gia cầm sẽ là mặt hàng chịu tác động nhiều nhất, vì các nước sản xuất có giá thành rất rẻ. Bên cạnh đó, các sản phẩm nước ngoài không ưa thích như: thịt đùi, nội tạng… có giá rất rẻ nhưng Việt Nam lại có nhu cầu cao.

Việc giảm thuế với mặt hàng thịt gà chắc chắn sẽ ảnh hưởng ngay. Bởi, khi Việt Nam bùng phát dịch tả lợn châu Phi, chủ trương, chính sách của ngành đều hướng đến phát triển gia cầm, gia súc để bù đắp thị trường thực phẩm. Đây là chủ trương đúng và người đầu tư nhỏ lẻ như nông dân, trang trại cũng đầu tư nuôi gia cầm và do đó, nguồn cung đang tăng lên.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, đánh giá, việc Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu thịt gà ban đầu cũng gây quan ngại cho người chăn nuôi; trong đó, có Hiệp hội. Thời gian qua, sản lượng thịt gà tăng rất đột biến kể cả sản xuất trong nước và nhập khẩu. Việc giảm thuế sẽ khiến sản lượng thịt gà nhập khẩu tăng lên. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ thì với mức thuế giảm 2% thì giá thịt gà sẽ giảm  600 - 700 đồng/kg và như vậy, mức ảnh hưởng sẽ không quá lớn.

“Phía người sản xuất lo lắng là đúng. Vì cả năm 2019, giá thịt gà trong nước rất thấp, có thời điểm chỉ 15.000 - 16.000 đồng/kg, tức là bằng một nửa giá thành. Do đó, việc giảm thuế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng sản xuất trong nước là đương nhiên”, ông Nguyễn Thanh Sơn nhận định.

Hiện nay, nhìn chung giá thành chăn nuôi gà ở Việt Nam vẫn còn cao vì sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ còn hạn chế, chi phí cao. Giá thành so với Mỹ, Brazil còn cao và khó cạnh tranh. Ngay cả các doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam hay Tập đoàn Dabaco vẫn dựa trên nền tảng chăn nuôi gia công và các hộ gia đình. Các doanh nghiệp lớn sẽ có cách quản trị, chính sách thương mại tốt hơn, có thể cạnh tranh với các hộ sản xuất đơn lẻ. Tuy nhiên, trong mặt hàng chung thì chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng, rủi ro.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, điều mà người sản xuất quan tâm và đề nghị là cân nhắc lộ trình giảm thuế thế nào để bảo hộ sản xuất trong nước, vì thịt gà là mặt hàng rất nhạy cảm, liên quan đến sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi. Hiệp hội Gia cầm Việt Nam kiến nghị không nên giảm thuế quá sâu.

Đánh giá về tác động của chính sách này, đại diện Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội lo ngại, việc Bộ Tài chính giảm thuế các loại thịt nhập khẩu khiến ngành chăn nuôi gà, lợn Việt Nam đối mặt với tình trạng phá sản bởi khó có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập giá rẻ và tương lai không xa sẽ thay thế nguồn cung trong nước. Điều này gây sức ép lớn lên ngành chăn nuôi Việt Nam.

Trong các nhóm hàng nông nghiệp, nhóm mặt hàng thịt gà là nhóm Việt Nam thực hiện bảo hộ cao, trong các Hiệp định thuế quan hoặc trong quá trình đàm phán, nhóm hàng này luôn trong nhóm nhạy cảm cao, không cam kết cắt giảm hoặc nếu buộc phải cắt giảm sẽ vào giai đoạn cuối cùng khi thực hiện cam kết. Do vậy, các Biểu thuế hiện hành cũng cơ bản giữ mức trần cam kết khi chưa đến thời gian cắt giảm cuối cùng do thịt gà là nhóm hàng thực phẩm thiết yếu, kể cả theo thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam, đồng thời là mặt hàng của người nông dân, các gia đình, hộ dân đều có thể tăng gia sản xuất tại nhà nên qua đó góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Với mức thuế nhập khẩu 20% như hiện nay, giá gà nhập khẩu vẫn thấp hơn so với giá thành người dân sản xuất.

Căn cứ thông tin phân tích nêu trên, Bộ Tài chính dự kiến giảm mức thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh thuộc phân nhóm 2207.14 từ 20% xuống 18% (Mỹ đề nghị 14,5%). Mức thuế suất 18% tương ứng với mức cắt giảm năm thứ 1 trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Mặt khác, việc chỉ đồng ý giảm thuế nhập khẩu thịt lợn xuống 22% (thay vì 18,9% như phía Mỹ đề xuất) được cho là vừa đảm bảo chăn nuôi trong nước, tránh xảy ra một cuộc nhập khẩu thịt ồ ạt nhất là dịp cuối năm nhưng cũng vừa đủ để các doanh nghiệp mạnh dạn nhập khẩu thịt để bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung cho thị trường trong nước phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Chăn nuôi Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, các nước có nông sản rẻ giá do có khoa học kỹ thuật cao nhưng giá nhân công cao. Trong khi đó, chăn nuôi trong nước đang thay đổi tập quán bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật. Việt Nam có lợi thế về nhân công thấp, nếu được nguyên liệu rẻ, thay đổi khoa học kỹ thuật thì chăn nuôi trong nước vẫn có khả năng cạnh tranh.

Ông Nguyễn Trí Công chỉ ra, công lao động ở Việt Nam đang chiếm 3 - 5% giá thành trong chuỗi sản xuất ngành chăn nuôi trong khi các nước 30%. Như vậy, chăn nuôi Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh, quan trọng là cần thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao kỹ thuật để nâng năng suất và hạ giá thành.

Theo ông Nguyễn Tất Thắng, người sản xuất cũng phải tự điều chỉnh vì một mặt sản xuất trong nước tăng; mặt khác khi các Hiệp định thương mại tự do thực thi, chính sách mở cửa những tác động về thuế cũng chỉ là mức độ. Thậm chí ngay cả hàng rào kỹ thuật nếu có cũng chỉ đến một mức độ nào đó. Về góc độ thương mại, những mặt hàng mà pháp luật không cấm mà sản phẩm có khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp có lợi nhuận thì họ có quyền được buôn bán.

Do đó, người sản xuất phải tự điều chỉnh tìm cách hạ giá thành, nâng cao chất lượng để tăng khả năng cạnh tranh.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top