Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 5 năm 2017 | 10:59

Nông dân cần có đại diện tham gia điều hành xuất khẩu gạo

 Đó là đề nghị chuyển tới Bộ Công thương về dự thảo nghị định mới điều chỉnh việc kinh doanh, xuất khẩu gạo. Nhiều ý kiến cho rằng nghị định mới vẫn chưa đủ mạnh, chi tiết để hạn chế tình cảnh hạt gạo mất giá, “vô danh”…

Nông dân cần có đại diện tham gia điều hành xuất khẩu gạo

Doanh nghiệp, chuyên gia mong các thành phần tham gia xuất khẩu lúa gạo sẽ bình đẳng,

không tạo đặc quyền cho các tổng công ty lương thực.

Trong ảnh: đưa lúa đi lau bóng tại một doanh nghiệp ở Sóc Trăng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Các chuyên gia đề nghị dự thảo nghị định cần tạo thiết chế hội đồng với đại diện của cả nông dân, doanh nghiệp thay vì để các bộ ngành điều phối; cần bổ sung nhiều đòn bẩy để tăng chất lượng, đưa gạo Việt ra thế giới với thương hiệu mạnh.

Giao quyền, 
tránh chạy chọt...

Ông Trần Chí Viễn - chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang - cho rằng cần dứt khoát loại bỏ khâu trung gian nắm quyền “ban phát” hạn ngạch xuất khẩu cho các địa phương, tới đây chỉ cần một cơ quan, thiết chế nào đó đứng ra điều hành linh hoạt hoạt động xuất khẩu lúa gạo. “Cần linh hoạt trong việc quản lý hạn ngạch xuất khẩu. Cách tốt nhất là giao quyền chủ động cho các địa phương. Nhưng làm gì thì làm, vẫn phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh tình trạng chạy chọt xin xỏ hạn ngạch” - ông Viễn nói.

Bà Lý Thanh - giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu lương thực Khiêm Thanh (An Giang) - đánh giá dự thảo nghị định kinh doanh, xuất khẩu gạo mới đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên trước việc xuất khẩu gạo chịu áp lực bị cạnh tranh lớn, cần tạo điều kiện, hỗ trợ để tiến tới xây dựng thương hiệu gạo VN chung, cùng với đó là cơ chế để giữ uy tín và chất lượng lâu dài. Nhà nước cần có chính sách giúp doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định qua liên kết với nông dân, cũng như tạo điều kiện mở rộng hệ thống phân phối ở nước ngoài. Bà Thanh cũng nhấn mạnh quan trọng hơn là cần bình đẳng, công bằng, đảm bảo quyền lợi cho mọi doanh nghiệp xuất khẩu, để các doanh nghiệp tự xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao...

Ngoài ra, dự thảo xác định Bộ Công thương có vai trò chính trong điều hành xuất khẩu gạo, nhưng phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại nằm ở phía Nam, đặc biệt ở ĐBSCL. Do vậy, bà Thanh cho rằng cần nghiên cứu việc thực hiện, làm thủ tục đăng ký xuất khẩu gạo sao cho tiện lợi, dễ dàng hơn.

Phải có đại diện người trồng lúa

“Rất hoan nghênh sự tiếp thu của Bộ Công thương với các đề nghị của doanh nghiệp, chuyên gia” trong dự thảo nghị định mới, nhưng GS Võ Tòng Xuân cũng bảo lưu quan điểm của ông là trong dự thảo mới cần đưa vào nội dung thành lập hội đồng lúa gạo như mô hình của Thái Lan (gồm Bộ Thương mại lập ra với các thành viên từ đại diện của Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, Hiệp hội Nông dân, Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại, chủ trì là thủ tướng Thái Lan).

Theo ông Võ Tòng Xuân, nếu có hội đồng lúa gạo sẽ “hay” hơn, bởi ở VN 75% dân số sống dựa vào nông nghiệp. Hơn nữa, có tổ chức này sẽ quán xuyến được hết tình hình thị trường trong nước, thế giới và đặc biệt là có sự tham gia của đại diện người trồng lúa. Như thế nông dân mới biết mình phải làm gì, trồng giống lúa gì và điều quan trọng hơn hết là nông dân được hội đồng này lắng nghe, chứ không phải chỉ là câu chuyện của nhà quản lý với doanh nghiệp như hiện nay.

Một cán bộ từng tham gia quản lý xuất khẩu gạo của Bộ Công thương cũng cho rằng cần một thiết chế điều hành với sự tham gia của nhiều thành phần, từ người sản xuất đến phân phối, xuất khẩu. Điều này sẽ góp phần hạn chế khả năng phát sinh lợi ích nhóm, ảnh hưởng đến mục tiêu chung.

Ông Lâm Anh Tuấn, giám đốc Công ty TNHH lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), dù đang là thành viên Hiệp hội Lương thực VN nhưng cũng cho rằng hiện tại các nước đã thay đổi chính sách theo hướng hạn chế nhập khẩu, tăng cường tự túc. Nếu có nhập khẩu thì cũng thực hiện theo cơ chế đấu giá, đồng thời họ tham khảo giá thương mại, nếu giá cao thì họ không mua, vì vậy nghị định 109 ra đời nhằm phục vụ thị trường tập trung đã hết “sứ mạng lịch sử”.

Theo ông Tuấn, thực tế hiện nay người mua sẽ đặt ra tiêu chuẩn cho người cung ứng, nếu đáp ứng họ sẽ mua, còn không thì ngược lại. Ngay cả Trung Quốc cũng đã đặt ra vấn đề phải đạt giấy chứng nhận kiểm dịch của họ thì mới được vào thị trường này. Vì vậy ông Tuấn cho rằng không cần thiết phải ban hành quy định mới, mà theo hướng cái gì thuộc về nhu cầu thị trường cứ để thị trường quyết định...

Xây dựng 
thương hiệu chung

Ông Phạm Thái Bình, giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), ghi nhận nội dung dự thảo nghị định mới đã bỏ bớt những bất cập. Tuy nhiên với thực tế hoạt động xuất khẩu gạo lâu nay, ông Bình kiến nghị nên xem xét đưa ra chính sách, tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp tạo được vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước tiến tới việc xây dựng thương hiệu gạo chung. Đặc biệt cần có biện pháp kiểm soát, loại trừ tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng việc giảm giá bán, thiếu ổn định về chất lượng của một số doanh nghiệp gây ảnh hưởng chung tới hoạt động xuất khẩu gạo.

Bỏ triệt để quyền của VFA

Một vấn đề khác mà ông Võ Tòng Xuân còn băn khoăn là dù dự thảo nghị định mới bãi bỏ nhiều quyền hạn của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) như bỏ quy định về đăng ký hợp đồng xuất khẩu và giá sàn xuất khẩu, nhưng đối với hợp đồng xuất khẩu tập trung cho chính phủ một số nước (với số lượng lớn - PV) thì vẫn giữ việc để một số cơ quan phân phối hạn ngạch, vì vậy phải làm sao để giữ sự công bằng cho các doanh nghiệp. Để làm được việc này, theo GS Võ Tòng Xuân, cần dựa vào chất lượng gạo của từng doanh nghiệp xuất khẩu. “Theo tôi, khi có hợp đồng tập trung như vậy, anh nào có vùng nguyên liệu, có thể kiểm soát được chất lượng gạo thì anh sẽ được phân phối nhiều. Có như vậy doanh nghiệp mới biết mình cần phải làm tốt, chứ không có kiểu phân chia như hiện nay mà dư luận cho rằng có sự chạy chọt” - ông Xuân đề xuất.

==

Đừng để 
hạt gạo Việt 
mãi “vô danh”

Ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang - cho rằng để hạt gạo của nông dân mang lại giá trị cao thì phải hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất tới tiêu thụ. “Tức là anh xuất khẩu phải đặt hàng cho anh nông dân, rồi giống lúa, quy trình canh tác ra sao đều phải thống nhất rõ ràng để quản lý chất lượng ổn định, lâu dài. Quản lý được chất lượng thì mới có cơ sở để xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam trên thị trường thế giới” - ông Tâm nói và cho rằng một quốc gia xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới mà hạt gạo mãi “vô danh” là không ổn...

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top