Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 4 tháng 7 năm 2020 | 13:47

Dịch tả lợn châu Phi tái phát, nông dân lo lắng

Dịch tả lợn châu Phi đang tái phát tại một số địa phương, người chăn nuôi rất lo lắng không dám tái đàn, giá thịt lợn chưa kịp giảm đã quay đầu tăng...

Điện Biên: Không biết nguyên nhân

Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát tại nhiều xã của tỉnh Điện Biên, đặc biệt, dịch bệnh diễn ra đúng thời điểm các hộ chăn nuôi tăng cường tái đàn.

 

dich.jpg

Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp huyện thực hiện giám sát, phát hiện bệnh, chẩn đoán sớm, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

 

Trong đợt dịch tả lợn châu Phi kéo dài từ giữa năm 2019 đến đầu năm 2020 vừa qua, gia đình ông Trần Xuân Dụ ở đội C17, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã bị thiệt hại trên 100 triệu đồng, với 35 con lợn bị chết, trọng lượng gần 2,5 tấn phải tiêu hủy.

Là gia đình thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trước đây gia đình đã đầu tư hệ thống chuồng trại lên đến cả trăm triệu đồng, nên sau khi dịch lắng xuống, ông Dụ quyết định vay mượn tiền từ ngân hàng để tái đàn. Mặc dù đã thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng như: rắc vôi toàn bộ chuồng trại, đốt rơm, rạ, bồ kết trong khắp khu vực chuồng nuôi, chọn giống từ nơi có uy tín... Song, từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 6 vừa qua, cả đàn lợn 30 con của gia đình lại dính bệnh tả lần 2, chết rải rác và phải đem tiêu hủy cả đàn.

“Không hiểu nguyên nhân tại sao lại bị dính dịch tả đợt 2. Lo nhất bây giờ là tái đàn tiếp vào thì lại dính dịch bệnh. Hiện giờ đã xây dựng chuồng trại, nếu không chăn nuôi thì không được, mà chăn nuôi tiếp thì không biết sẽ như thế nào. Gia đình chúng tôi đang rất khó khăn, còn nợ ngân hàng qua 2 đợt dịch, rất lo không biết lấy khoản gì để mà trả ngân hàng”, ông Trần Xuân Dụ chia sẻ.

Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên cho biết, việc Điện Biên bùng phát dịch tả lợn châu Phi trở lại cũng không nằm ngoài dự đoán, bởi hiện nay vẫn chưa có vaccine tiêm phòng và dịch cũng tái phát ở nhiều địa phương trong cả nước do virus tả lợn châu Phi có khả năng tồn dư rất lâu trong quần thể của đàn lợn.

Tại Điện Biên, dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát vì chỉ diễn ra ở một số hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, áp dụng vệ sinh an toàn sinh học kém. Để phòng chống dịch một cách thật sự hiệu quả, tránh tổn thất lớn cho người chăn nuôi, Chi cục Thú y Điện Biên khuyến cáo người dân cẩn trọng, không tái đàn ồ ạt trong giai đoạn dịch đang tái bùng phát và chỉ tái đàn khi thực sự đảm bảo các quy định về vệ sinh chuồng trại, con giống.

Hộ chăn nuôi e dè tái đàn

Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, tỉnh chủ trương không tái đàn lợn một cách ồ ạt; chỉ tái đàn ở những cơ sở chăn nuôi an toàn; không khuyến khích tái đàn ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó,  việc tái đàn sẽ được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng chống nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi ở mức cao nhất.

 

hoachat.jpg

Phun hóa chất khử trùng tiêu độc ở những nơi có lợn mắc dịch. (Ảnh: ĐT)

 

Ông Đông cũng khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi nên sử dụng con giống tại chỗ, giống tốt không bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi trong thời gian qua. Trường hợp nếu phải mua giống ngoài thì lợn giống phải được kiểm dịch chặt chẽ.

Hiện, Quảng Ninh có 5.508 hộ thực hiện tái đàn, chiếm khoảng 35% số hộ có lợn chết bởi dịch tả lợn châu Phi. So với thời điểm tháng 12/2019, nguồn giống từ việc tăng đàn tại các hộ, gia trại, trang trại đã đạt 93.795 con, tăng lên 55%. 

Tính đến giữa tháng 6/2020, tổng đàn lợn của tỉnh Quảng Ninh là 265.200 con; trong đó, lợn nái các loại gần 25.000 con, đực giống 535 con, lợn thịt 240.665 con.

Nguy cơ dịch tiếp tục tái phát

Gia đình bà Vương Thị Sáu, ở bản Màng, phường Quyết Thắng, TP. Lai Châu (Lai Châu), sau đợt dịch trước, khi nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước, gia đình bà vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng để tái đàn. Sau mấy tháng nuôi, đàn lợn của gia đình bà chuẩn bị xuất chuồng thì lại tiếp tục gặp dịch, buộc phải tiêu hủy toàn bộ. Số tiền vay đầu tư vào tái đàn lợn nay đã mất trắng.

Cũng như gia đình bà Sáu, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn TP. Lai Châu đang điêu đứng vì dịch TLCP tái bùng phát. Được biết, cuối tháng 3/2020, tỉnh Lai Châu công bố hết dịch tả TLCP. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 đến nay, dịch lại bùng phát trở lại trên địa bàn. Ổ dịch tái bùng phát đầu tiên được ghi nhận vào ngày 8/6 tại phường Quyết Thắng và đến nay đã lây lan đến 4 phường, xã khác. Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là hơn 100 con.

Ngoài Lai Châu, dịch TLCP hiện đang bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến dự báo, nguy cơ dịch tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn; nhất là trong bối cảnh thời tiết nắng nóng găy gắt như hiện nay.

Khoanh vùng dập dịch và khẩn trương hỗ trợ

Dịch TLCP tái bùng phát đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn. Đặc biệt, nguy cơ thiếu nguồn cung sẽ khiến nỗ lực đưa lợn hơi giảm về mức 60.000 đồng/kg của Chính phủ càng khó khăn.

Sau nhiều nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, giá thịt lợn trên thị trường đã có xu hướng giảm, dù chỉ giảm nhẹ. Hiện, giá thịt lợn vẫn dao động 93 - 100 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nguồn cung đang giảm mạnh, nên khả năng giá lợn hơi tăng trở lại là không tránh khỏi.

Nguyên nhân của việc tái phát dịch là do ổ dịch cũ vẫn còn mầm bệnh. Việc vận chuyển, giết mổ phải lợn mang mầm dịch đã làm lây lan Virus dịch sang các địa bàn khác nhau. Chính vì vậy, việc cần làm ngay lúc này là ngành Nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương và người chăn nuôi phải triển khai đồng bộ các giải pháp để khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lây lan.

Cùng với đó, chính quyền các địa phương cần giải ngân kịp thời nguồn vốn hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại theo Quyết định số 793/QĐ-TTg, ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ trong phòng, chống dịch TLCP (QĐ 793).

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tổng kinh phí để thực hiện QĐ 793 là khoảng 13.248,61 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến tháng 5/2020, các tổ chức tín dụng tại 63 tỉnh/thành phố mới cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ 606 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 163,61 tỷ đồng dư nợ; cho vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh dư nợ 479 tỷ đồng.

Ngăn chặn dịch tái phát

Theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các địa phương, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) phát sinh tại 773 xã (bao gồm 25 xã phát sinh mới, 228 xã tái phát dịch và 520 xã có dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020) tại 217 huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy là 34.000 con.

Hiện nay, cả nước có 238 xã thuộc 60 huyện của 18 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 30 ngày. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn.

Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan diện rộng, khắc phục ngay những khó khăn, tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố (Lạng Sơn, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình,…) khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tránh tình trạng chủ quan, lơ là, để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

Trong đó, Sở NN&PTNT thành lập ngay các Đoàn công tác do Lãnh đạo Sở, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân làm trưởng đoàn, đồng thời cử các tổ cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp các địa phương có ổ bệnh DTLCP (chưa qua 30 ngày) để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

Chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường. Báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn/bản/ấp đến cấp xã, huyện và tỉnh theo đúng quy định của Luật thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thú y.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan. Tổ chức giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bất hợp pháp qua biên giới theo nội dung Công văn số 3991/BNN-TY ngày 13/6/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Ngoài ra, tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng dịch bệnh.

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top