Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 11 năm 2017 | 11:27

Điện Biên nỗ lực giảm nghèo bền vững

Những năm qua, Điện Biên đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giảm nghèo bền vững và đã đạt được những kết quả khả quan. Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh, xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết một vài nét về công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh  thời gian qua? Những kết quả và một số bài học kinh nghiệm đáng được ghi nhận?

Điện Biên xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng và được đặt trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, giai đoạn 2011-2016, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã tích cực triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo và thu được kết quả quan trọng: Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư, các ngành và lĩnh vực sản xuất, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, cải thiện điều kiện sản xuất, góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.

Trong 6 năm (2011-2016), toàn tỉnh đã huy động được 12.640,44 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2015 là 12.293,87 tỷ đồng; năm 2016 là 346,57 tỷ đồng) cho công tác giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 50,01% (năm 2011) xuống còn 28,01% (năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015); trong đó, các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP có tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 70,44% xuống còn 40,25%. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 44,82% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020). Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội.

Trong quá trình thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo, chúng tôi đã rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Một là, cần nhận thức đầy đủ xóa đói giảm nghèo là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của người nghèo, hộ nghèo, cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị; giải quyết phải đồng bộ, toàn diện; giảm nghèo không chỉ giải quyết về vấn đề ăn, ở, nước sinh hoạt, mà còn phải giải quyết các vấn đề khác như điện, đường giao thông, trường lớp học, trạm y tế, sinh hoạt văn hoá, thể thao ... của người dân.

Hai là, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư; kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa nguồn lực đầu tư của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và của cộng đồng, gắn đầu tư cho phát triển sản xuất với đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.

Ba là, thường xuyên tuyên truyền cho người nghèo, hộ nghèo có nhận thức đúng đắn, có ý thức tự phấn đấu vươn lên giảm nghèo; biết tiết kiệm, học hỏi, tự tạo việc làm, tận dụng cơ hội và sử dụng có hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của doanh nghiệp và cộng đồng.

Bốn là, hàng năm rà soát chính xác thực trạng hộ nghèo, xác định được nguyên nhân đói nghèo (đến từng hộ, bản, xã) để đề ra giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp đến từng hộ, bản, xã.

Năm là, thường xuyên củng cố, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, định kỳ tổ chức sơ, tổng kết nhân rộng điển hình.

Đâu là những khó khăn trong quá trình triển khai và giải pháp tháo gỡ của địa phương, thưa ông?

Khó khăn lớn nhất của Điện trong quá trình thực hiện các chương trình giảm nghèo là tỉnh có điểm xuất phát về kinh tế thấp, xa các trung tâm kinh tế lớn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng nguồn nhân lực không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao và không đồng đều giữa các vùng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện ở một số địa phương, cơ sở còn hạn chế; một bộ phận nhân dân chưa quyết tâm vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Từ những khó khăn trên, tỉnh đã triển khai 6 giải pháp trọng tâm, đó là:

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục hộ nghèo, thôn nghèo, xã nghèo tự nguyện, cam kết đăng ký thoát nghèo từ nội lực của bản thân, làm thay đổi và chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên để thoát nghèo.

Thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, làm rõ nguyên nhân nghèo và nguyện vọng của từng hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ cụ thể, sát thực tế.

Tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận thuận tiện các dịch vụ xã hội. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các huyện nghèo, xã nghèo, tạo điều kiện để người nghèo mở rộng sản xuất, tiếp cận thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Triển khai thực hiện tốt Đề án xây dựng nông thôn mới như: Từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xây dựng văn hóa, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo an ninh trật tự...

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, cá nhân tiêu biểu ở cơ sở trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; nâng cao năng lực và trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát.

Để công tác giảm nghèo đạt mục tiêu và hạn chế tái nghèo, ông có thể cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ ưu tiên, tập trung thực hiện những gì, triển khai theo hướng nào?

Điện Biên sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học và cơ sở y tế tại các xã, địa bàn đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao tại các vùng này.

Triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chương trình, dự án trọng điểm; các chính sách an sinh xã hội, các chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; hỗ trợ về giáo dục và đào tạo; về y tế và dinh dưỡng; nhà ở và hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để giúp nhân dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, tập trung nguồn lực khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững các ngành kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, cụ thể:

Phát triển sản xuất lương thực theo hướng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Giữ vững diện tích sản xuất nông nghiệp hiện có, nhất là diện tích lúa nước; mở rộng diện tích lúa nước ở những khu vực được đầu tư công trình thủy lợi; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản với quy mô phù hợp; khuyến khích chăn nuôi trang trại, gia trại; lựa chọn cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Hoàn chỉnh quy hoạch sản xuất và giao đất, giao rừng gắn với thực hiện các chính sách hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng cho nhân dân.

Tập trung triển khai có hiệu quả các nội dung của Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản (cà phê, chè, mủ cao su, gạo đặc sản, gỗ ...) phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khuyến khích các hộ nông dân và các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khôi phục, phát triển các làng nghề thủ công, góp phần tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, xóa đói giảm nghèo bền vững...

Xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Có chính sách khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng trang trại có quy mô phù hợp và sản xuất hàng hóa.

Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp phát triển nguồn nhân lực theo hướng tập trung đào tạo, nâng cao tỷ lệ, chất lượng qua đào tạo; tăng cường đào tạo nghề, chú trọng đào tạo lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn; thu hút, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực. Chú trọng nâng cao kỹ năng, tác phong làm việc cho người lao động. Phân bổ nhân lực đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các ngành nghề, khu vực.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực; mở rộng, đa dạng hóa ngành, nghề đào tạo, từng bước xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập quốc tế.

Chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo cấp tỉnh, cấp huyện; làm tốt khâu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý các chương trình, dự án và tổ chức thực hiện các mục tiêu giảm nghèo.

Xin cảm ơn ông! Chúc Điện Biên về trước mục tiêu đề ra.

 

Năm 2017, tỉnh Điện Biên phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 44,82% xuống còn 41,64% (giảm 3,3% so năm 2016).

Theo số liệu 6 tháng đầu năm, số hộ nghèo toàn tỉnh là 53.366 hộ trên tổng số 123.500 hộ dân cư, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 43,21% (đạt 52,42%), ước tính hết năm 2017  giảm còn 41,64%.

Đỗ Hùng (thực hiện)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top