Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 9 năm 2022 | 11:21

Diện mạo mới ở Đông Anh - ATK của Hà Nội

77 năm trước, các xã Võng La, Hải Bối, Xuân Canh, Cổ Loa, Đông Hội thuộc huyện Đông Anh là an toàn khu (ATK) của Hà Nội; các cơ sở cách mạng được xây dựng tại đây để chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 thành công.

Nay, diện mạo nông thôn và cuộc sống của người dân vùng ATK này đã có nhiều thay đổi.

Những ngày tháng đáng nhớ

Để chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, Đảng bộ Hà Nội lúc bấy giờ là Đảng bộ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây đã làm công tác chuẩn bị cơ sở, lực lượng trong một thời gian dài, rất bền bỉ. Trong đó có việc xây dựng ATK ở các huyện ven đô, Đông Anh là một ATK của Hà Nội khi đó được xây dựng.

Tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đề ra nhiệm vụ trước mắt của cách mạng lúc này là giải phóng dân tộc, tập trung mũi nhọn vào phát xít xâm lược Nhật - Pháp. Để chuẩn bị cho việc xây dựng lực lượng cách mạng vững mạnh, song song với việc duy trì bằng được Ban Cán sự đảng Hà Nội, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xây dựng vùng nông thôn thành ATK của Trung ương.

 

2-4.jpg
3-3.jpg5.jpg
Người dân ATK - xã Cổ Loa làm vệ sinh đường làng ngõ xóm. 

 

Bên hữu ngạn sông Hồng, sông Đuống, Đội công tác do đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh làm Đội trưởng kiêm Bí thư Chi bộ đã củng cố những cơ sở có từ thời kỳ trước ở các xã: Võng La, Hải Bối, Xuân Canh, Cổ Loa, Đông Hội… (Đông Anh).

Thường đi lại, ăn ở và làm việc tại khu căn cứ này có các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Hoàng Quốc Việt… Các đồng chí không ở cố định một nơi nhưng chủ yếu làm việc tại: Ngọc Giang, Viên Nội, Võng La.

Sở dĩ Trung ương Đảng chọn vùng xung quanh Hà Nội để xây dựng ATK, vì đó là vùng nằm sát cơ quan đầu não của địch tại Hà Nội, hàng ngày ta có điều kiện nắm tình hình địch, tình hình thế giới và tình hình cách mạng cả nước, từ đó có chủ trương kịp thời chỉ đạo phong trào. Đây cũng là vùng có vị trí giao thông thuận lợi, người buôn bán ngược xuôi đông nên địch không để ý.

Hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống, các làng ven đê là ATK, từ Võng La đến Ba Đê, Chiêm Trạch, Phương Trạch, Xuân Trạch, Lại Đà, Hội Phụ… (Đông Anh) có mối quan hệ chặt chẽ với các làng có ATK ở vùng Phú Thượng, Chèm, Vẽ, Xuân La (quận Tây Hồ ngày nay)… Từ bến đò Xù (Gạ), đường dây liên lạc thông suốt sang Đông Anh - nơi có quán cơm cụ Tấc ở cây gạo chợ Bỏi; rồi từ đó lên cây gạo Ba Đê - nơi có “hòm thư bí mật”. Riêng Cổ Loa là nơi đặt cơ quan giao thông của Đảng, tài liệu, báo chí và tiếp nhận vũ khí do lực lượng ta thu về đều qua Cổ Loa - Dục Nội để chuyển đi các địa phương cũng như lên chiến khu.

Cụ Nguyễn Ngọc Thư, 84 tuổi, ở xã Đông Hội cho biết, để chuẩn bị cho cuộc Tổng  khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công, xã tôi có nhiều cơ sở cách mạng được xây dựng. Cây gạo bến đò Xuân Canh là điểm di tích cách mạng, chính cây gạo này vừa là chốt quan sát, vừa là điểm đặt hòm thư liên lạc và cũng là điểm an toàn đưa đón cán bộ qua sông Đuống từ trong nội thành ra và đưa cán bộ ở ngoại thành vào hoạt động bí mật. Tại xã Xuân Canh có một pháo đài được xây dựng, chính pháo đài này đã cùng với Pháo đài Láng là nơi nổ những phát súng đầu tiên, mở màn cho những ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946.

Đổi thay sau 77 năm

Về Đông Anh ngày đầu Thu năm 2022, điều làm cho không chỉ cá nhân tôi mà nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của vùng ATK năm xưa.

Được sự qua tâm và đầu tư của Nhà nước, khu ATK Đông Anh đã xây dựng cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, tuyến đường Võ Nguyên Giáp, đường Trường Sa, Hoàng Sa hiện đại kết nối với trung tâm thành phố, tạo hệ thống hạ tầng giao thông giữa các tỉnh phía Đông và Bắc Thủ đô. Đông Anh nhanh chóng tận dụng lợi thế này bằng việc xây dựng đồng bộ những tuyến đường trung tâm, trục liên xã trên địa bàn.

Đến với những xã ATK trước kia, chúng ta sẽ không còn nhận ra làng ngoại thành ven đô, mà là dáng dấp của đô thị đã len lỏi vào từng ngõ xóm.

Cụ Phạm Văn Tụ, 85 tuổi, ở làng Đông Ngàn, xã Đông Hội cho biết, sau gần 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công, diện mạo nông thôn, cuộc sống của người dân quê tôi đã thay đổi rất nhiều. Nhà cao tầng mọc lên san sát, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, điện sáng như sao. “Đến ngay, bản thân tôi là người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này cũng phải ngỡ ngàng trước sự thay đổi không chỉ của địa phương mà của cả đất nước”, cụ Tụ nói.

Đến Cổ Loa, xã ATK trước Cách mạng Tháng Tám, tôi được người dân ở đây chia sẻ rất nhiều về cuộc sống hôm nay.

Bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Mít tâm sự, chúng tôi rất tự hào vì vừa là quê hương Cách mạng, vừa là quê hương có nhiều di tích Quốc gia quan trọng. 77 năm trước, cuộc sống của nhân dân không chỉ riêng Cổ Loa mà cả đất nước này đều vất vả, thiếu thốn trăm bề. Nhưng bây giờ, người dân được sống tự do và làm chủ cuộc sống của chính mình, làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình, được Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang, sạch sẽ.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, Đông Anh đã đạt 26/27 tiêu chí huyện thành quận, 13/15 tiêu chí xã thành phường theo bộ tiêu chí chung của TP. Hà Nội. Đến nay, trên địa bàn huyện có 21/32 tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội đã đạt như: Xây dựng chi tiết khu chức năng dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn, tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng, các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn được bảo tồn và phát huy hiệu quả, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung...

Trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND huyện Đông Anh đã tham mưu cho Huyện ủy, HĐND huyện giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho các đơn vị nhằm từng bước hoàn thiện 8/11 chỉ tiêu, giao 3/11 chỉ tiêu còn lại hoàn thành năm 2023.

Theo ông Linh, để hoàn thành các tiêu chí còn chưa đạt trên địa bàn, các tháng cuối năm 2022 và thời gian tiếp theo, UBND huyện Đông Anh tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành các tiêu chí cấp huyện, cấp xã đã được phê duyệt, linh hoạt trong các hình thức đấu giá quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất nhằm bảo đảm nguồn thu cho ngân sách; huy động nguồn lực ngoài ngân sách để từng bước hiện thực hóa quy hoạch được phê duyệt. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung hoàn thiện các thủ tục, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai những dự án ngoài ngân sách, nâng cao các tiêu chí trên địa bàn...

Mùa Thu này, các vùng ATK ở Đông Anh cũng như Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đang nỗ lực phấn đấu để đạt các chỉ tiêu, tiêu chí đề ra để sớm trở thành quận vào năm 2023.

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top