DNTN Lê Kim Cường chiếm dụng đất công, tự ý lấp mương thoát nước xây nhà xưởng, kho bãi... nhiều năm qua khiến người dân xã Tiến Thắng (Mê Linh, TP. Hà Nội) bức xúc.
Bà con cho rằng, chính quyền đã “buông lỏng” quản lý, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý dứt điểm vi phạm của doanh nghiệp, giữ nghiêm kỷ cương phép nước.
Đất công bị chiếm dụng hơn 10 năm
Từ phản ánh của người dân xã Tiến Thắng về tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng công trình trái phép của DNTN Lê Kim Cường đóng trên địa bàn diễn ra từ 10 năm nay nhưng chưa bị chính quyền địa phương xử lý, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã vào cuộc tìm hiểu và nhận thấy thông tin của bạn đọc là có cơ sở.
Cụ thể, tìm hiểu được biết, ngày 19/07/2007, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 2012/QĐ-UBND về việc chuyển mục đích sử dụng và giao cho DNTN Lê Kim Cường thuê xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh tại xã Tiến Thắng.
Quyết định này cho phép DNTN Lê Kim Cường chuyển mục đích sử dụng 2.713m2 đất, bao gồm 2.219,2m2 đất nông nghiệp và thu hồi 493,8m2 đất phi nông nghiệp do UBND xã quản lý để thực hiện dự án xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh.
Trong tổng số 2.713m2 đất để thực hiện dự án, DNTN Lê Kim Cường được thuê xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh 2.087,5m2, còn lại 625,5m2 (lưu không) được quy hoạch làm đường giao thông do địa phương quản lý. Thời gian thuê đất là 49 năm, giá thuê đất theo quy định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
DNTN Lê Kim Cường có trách nhiệm hoàn tất các nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước. Sử dụng đất đúng vị trí, ranh giới, mục đích và dự án được duyệt, chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai…
Ngày 02/08/2007, tại UBND xã Tiến Thắng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Vĩnh Phúc đã tổ chức giao đất được chuyển nhượng mục đích sử dụng đất cho DNTN Lê Kim Cường, thành phần Ban thu hồi và giao đất bao gồm: Trưởng phòng QHKH - Sở TNMT; đại diện UBND xã Tiến Thắng, ông Đỗ Đăng Sửu - Phó Chủ tịch xã; ông Lê Văn Mịch, Giám đốc doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kể từ ngày dự án được tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt, DNTN Lê Kim Cường đã “ngang nhiên” xây dựng chiếm dụng toàn bộ 625,5m2 đất lưu không được quy hoạch làm đường giao thông do địa phương quản lý để trục lợi.
Cụ thể, doanh nghiệp này đã cho xây dựng bức tường cao hơn 2m, dài 65m thuộc đất làm đường để sử dụng vào việc trồng cây, xây dựng nhà xưởng, kho bãi cho thuê với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn ngang nhiên lấp cả mương thoát nước của địa phương để chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán…, tình trạng này diễn ra từ nhiều năm nay.
Buông lỏng quản lý
Trước phản ánh của người dân và báo chí về tình trạng chiếm dụng đất công để trục lợi của DNTN Lê Kim Cường trong hơn 10 năm qua mà không bị chính quyền xử lý, ngày 22/02/2019, ông Đỗ Đăng Sửu, Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng, khẳng định trước báo chí rằng, toàn bộ những vấn đề người dân phản ánh về sai phạm của DNTN Lê Kim Cường là hoàn toàn đúng và thừa nhận việc để xảy ra sai phạm như trên là do chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý.
“Toàn bộ phần đất lưu không, khu hệ thống mương thoát nước hiện nay đã bị doanh nghiệp này chiếm dụng, san lấp để sử dụng. Tại thời điểm doanh nghiệp vi phạm, tôi đang là Phó chủ tịch, theo tôi biết, hình như không có hồ sơ ngăn chặn gì cả. Tôi thừa nhận để xảy ra việc này là do buông lỏng quản lý của chính quyền xã”, ông Sửu nói thêm.
Trước thông tin Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng thừa nhận “buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương” và xác nhận thông tin sai phạm mà người dân phản ánh là hoàn toàn đúng, có thể thấy được sự “bất lực, yếu kém” trong công tác quản lý địa bàn, bởi một vụ việc sai phạm nghiêm trọng nhưng lại có thể tồn tại hơn 10 năm qua.
Qua đó, người dân có quyền đặt ra các câu hỏi: Liệu có hay không việc lãnh đạo UBND xã Tiến Thắng cố tình “phớt lờ” cho doanh nghiệp vi phạm?
Và UBND xã Tiến Thắng đã báo cáo vụ việc này lên UBND huyện Mê Linh hay chưa? Nếu có báo cáo, vậy tại sao DNTN Lê Kim Cường vẫn có thể chiếm dụng, san lấp đất công và tồn tại hơn 10 năm qua?
Ngược lại, nếu vụ việc không được chính quyền cấp xã báo cáo lên trên để xử lý? Thì có lẽ đây là một nhóm lợi ích nào đó đang “bảo kê” cho những sai phạm của doanh nghiệp này chăng?
Đề nghị lãnh đạo UBND TP. Hà Nội và cơ quan chức năng huyện Mê Linh sớm vào cuộc kiểm tra xử lý nghiêm những sai phạm của DNTN Lê Kim Cường; đồng thời làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã Tiến Thắng trong công tác quản lý đất đai tại địa phương, đảm bảo sự thượng tôn của pháp luật, tránh gây bức xúc trong dư luận.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.