Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 13 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 12 tháng 1 năm 2017 | 2:59

Đổi thay ở vùng biên Vô Ngại

Là xã miền núi biên giới của huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), Vô Ngại là nơi sinh sống của 5 dân tộc anh em với 98% là đồng bào dân tộc thiểu số; diện tích đất nông nghiệp ít, thu nhập chính của người dân chỉ từ sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì thế, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, xã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, tính đến cuối năm 2016, xã đã đạt được 10/19 tiêu chí NTM. Đó là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.

Con đường bê tông liên thôn dài hơn 400m tại thôn Ngàn Chi, xã Vô Ngại.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Tằng, Chủ tịch UBND xã Vô Ngại cho biết: “Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), cái được lớn nhất là nông nghiệp, nông thôn ở địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác vận động quần chúng và trình độ tổ chức quản lý XDNTM của đội ngũ cán bộ xã được nâng cao. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư bài bản, tạo nên những đổi thay về diện mạo nông thôn miền núi vùng biên. Đời sống văn hoá, vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, rút ngắn dần khoảng cách giữa các thôn, bản vùng cao và các thôn, bản vùng thấp. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Phong trào chung sức XDNTM đã khơi dậy được nội lực trong dân, làm thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất, xây dựng bản làng. 5 năm qua, từ chỗ trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, người dân Vô Ngại đã tích cực đóng góp XDNTM, cụ thể đã huy động hiến đất, ngày công, góp trên 404 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn...”.

Tính đến nay, 100% tuyến đường liên xã; 59,2% đường liên thôn, trục thôn đã được cứng hóa; 56,75% hệ thống kênh tưới tiêu được kiên cố hóa; 99,2% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 85,9% số hộ được sử dụng nước sạch đạt vệ sinh; các trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia.

Hướng tới triển khai tốt tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân, đưa xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, thoát nghèo, hoàn thành Chương trình 135, xã đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất giai đoạn 2016 - 2020 dưới sự giám sát, chỉ đạo của huyện; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Điều đáng mừng là, đến nay, tỷ lệ người dân sử dụng công cụ cơ giới (ô tô, máy cày, máy tuốt, máy xát, máy thái rau, máy cắt cỏ,…) chiếm trên 90%; các mô hình sản xuất đã được nhân dân chú trọng, bước đầu đem lại kết quả khả quan như: nuôi ong lai lấy mật, chăn nuôi dê, bò, trồng cây dong riềng, cây sở, ngô cao sản, rau ngót rừng và cây thanh long ruột đỏ…

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo XDNTM xã Vô Ngại, bên cạnh những kết quả đã đạt được, do địa bàn xã rộng, địa hình đồi núi phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, dân cư sinh sống không tập trung, rải rác trên các sườn núi cao, nên công tác tuyên truyền Chương trình XDNTM, huy động sức dân gặp khó khăn. Một bộ phận đồng bào vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn đầu tư của Nhà nước, chưa thực sự vào cuộc, tranh thủ hưởng thụ chính sách ưu đãi để phát triển sản xuất... nên việc phát triển, củng cố các hình thức tổ chức sản xuất chuyển biến chậm, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn chưa được nhiều. Hiện, xã không còn nhà tạm, nhà dột nát nhưng tỷ lệ hộ có nhà đảm bảo “3 cứng” đạt chưa cao (55,9%); tỷ lệ hộ nghèo ở mức 25,05%. Thu nhập bình quân ở mức khiêm tốn 12 triệu đồng/người/năm trong khi vốn đầu tư cần quá lớn nên tỷ lệ đường liên thôn, trục thôn, đường ngõ xóm, đường nội đồng chưa được cứng hóa còn cao.

Ông Tằng cho biết, để khắc phục khó khăn, sớm đạt được mục tiêu đề ra, trong năm 2017 và các năm tiếp theo, Vô Ngại sẽ tập trung nguồn lực hoàn thiện các tiêu chí quan trọng, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, thế mạnh của địa phương. Củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn hệ thống chính trị, cơ sở tại xã và cán bộ thôn bản. “Cùng với nỗ lực của địa phương, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của Nhà nước, UBND tỉnh Quảng Ninh và huyện Bình Liêu ưu tiên phân bổ nguồn vốn. Các cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ, tài trợ để chúng tôi kiên cố hóa và sửa chữa kênh mương, đầu tư trạm bơm tưới tiêu cho cánh đồng Nà Cắp, nâng cấp và xây mới nhà văn hóa các thôn. Ưu tiên xây dựng các công trình giao thông để Vô Ngại đạt được thêm nhiều tiêu chí NTM”, ông Tằng đề nghị.

Kiều Thủy

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top