Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 8 tháng 10 năm 2017 | 2:14

Đổi thay ở xã vùng cao Phú Cường

Sau hơn 6 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi mà tỷ lệ hộ nghèo của xã Phú Cường (Tân Lạc - Hòa Bình) giảm đáng kể.

Con đường giao thông liên thôn tại xóm Báy I, xã Phú Cường.

Phú Cường là xã vùng thượng của huyện Tân Lạc, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, có tới 96% dân số là đồng bào dân tộc Mường, với 1.500 hộ và 8.000 nhân khẩu. Xã có tới 18/19 thôn thuộc vùng 3 (vùng đặc biệt khó khăn), nhận thức và trình độ của người dân còn ở mức thấp, việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng gặp rất nhiều khó khăn và cần có nguồn kinh phí lớn.

Xác định XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm được triển khai toàn diện trên mọi lĩnh vực và cũng là động lực để thay đổi cuộc sống của người dân, diện mạo của địa phương, Đảng bộ, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng năm, theo từng giai đoạn; ưu tiên những tiêu chí dễ thực hiện, cần ít vốn làm trước.

Tổng nguồn vốn huy động chương trình XDNTM giai đoạn 2011 - 2015 của xã Phú Cường đạt 54,342 tỷ đồng. Theo đó, xã đã hoàn thành được 8 tiêu chí gồm: Quy hoạch, điện nông thôn, y tế, bưu điện, văn hóa, chợ nông thôn, tỷ lệ lao động có việc làm và hệ thống chính trị vững mạnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Khải, Chủ tịch UBND xã cho biết: Do đặc thù xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên giao thông là tiêu chí khó cũng là tiêu chí cốt lõi, “xương sống”, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nên cần phải được ưu tiên. Năm 2016, tổng giá trị các nguồn vốn đầu tư cho giao thông lên đến 17,91 tỷ đồng, xã huy động được 1.683 ngày công, đào đắp được 1.380m3 đất đá, phát quang lề đường 1.580m, xây dựng mới 2 cầu, làm mới 400m đường nội xóm, 700m đường liên xóm và 7,5km đường trục xã...

Bên cạnh đó, thủy lợi cũng là một tiêu chí khó thực hiện vì cần nhiều nguồn lực tập trung xây dựng sửa chữa. Đến nay, xã đã nâng cấp được 9 công trình thủy lợi ở các xóm: Bát, Khiềng, Cại, Vó, Tằm… diện tích kênh mương kiên cố hóa đạt 85%. Cùng với hai tiêu chí này, xã sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện để đến cuối năm 2017 đạt thêm hai tiêu chí.

Song song với thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng, Phú Cường tập trung tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, lựa chọn những cây, con phù hợp với khí hậu, thời tiết tại địa phương đưa vào nuôi, trồng, gắn liền với áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Cụ thể, cây khoai lang và ngô đang dần tạo dựng được thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường. Chỉ trong 9 tháng của năm 2017, xã đã gieo trồng được 336,2ha khoai lang, đạt 130% kế hoạch, năng suất ước đạt 80 tạ/ha, sản lượng 2.690 tấn; diện tích ngô 676,5ha, năng suất ước đạt 44 tạ/ha, sản lượng 2.976,6 tấn; diện tích lạc 59,7 ha, đạt 91,8% so với kế hoạch, năng suất bình quân 15 tạ/ha, sản lượng 89,6 tấn…

Đàn gia súc gia cầm cũng được chú trọng phát triển và mở rộng quy mô, hiện toàn xã có 2.567 con trâu, bò; 372 con dê; 1.700 con lợn…

Ngoài ra, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cũng có sự phát triển như: đồ mộc, đan lát dân dụng, sản xuất gạch bê tông, nấu rượu, làm đậu phụ, bánh cuốn…  cũng có sự phát triển. Hoạt động thương mại, dịch vụ được mở rộng, mang lại nhiều lợi nhuận, tổng giá trị 9 tháng năm 2017 ước đạt 45 tỷ đồng.

Nhờ thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng - vật nuôi, chất lượng cuộc sống của người dân Phú Cường được nâng lên đáng kể. Nếu như năm 2011thu nhập bình quân chỉ đạt 8,5 triệu đồng/người thì đến năm 2016 đạt 18 triệu đồng/người. Con số này tuy còn khiêm tốn so với các địa phương khác  song là nỗ lực không nhỏ của chính quyền và nhân dân Phú Cường trong công tác xóa đói giảm nghèo, xét theo tiêu chí nghèo đa chiều thì tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 51,1%.

“Trong thời gian tới, để hoàn thành thêm các tiêu chí XDNTM, Đảng bộ , chính quyền xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động sức mạnh nội lực từ nhân dân. Tuy nhiên, xã mong nhận được sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước, sự quan tâm hơn nữa từ phía lãnh đạo các cấp, các dự án hỗ trợ, tài trợ để xã tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất”, ông Khải nói.

Kiều Thủy

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top