Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 2 tháng 10 năm 2016 | 2:33

Đôn Nhân “chạy đua” với thời gian

Trở lại Đôn Nhân trong tiết thu se lạnh nhưng chúng tôi lại cảm nhận một sức nóng lan tỏa đến lạ kỳ. Đó là sức nóng của sự “đồng lòng”, là khí thế hừng hực của công cuộc xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đang diễn ra mạnh mẽ nơi đây.

Trụ sở UBND xã Đôn Nhân.

Đôn Nhân là xã miền núi phía Tây của huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), có 9 thôn với tổng diện tích tự nhiên 801,6ha (403,89ha đất nông nghiệp), 5.546 khẩu, 1.406 hộ; nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu kinh tế của xã. Tuy cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế chưa hoàn thiện nhưng Đôn Nhân vẫn được đánh giá là địa phương đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong phong trào XDNTM.

Đến thời điểm này, Đôn Nhân đã đạt 16/19 tiêu chí NTM, còn 3 tiêu chí đang trong quá trình gấp rút hoàn thành là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường. Hiểu rõ khó khăn của mình, Đảng ủy, HĐND, UBND xã cũng như toàn thể người dân luôn nỗ lực chung tay,  phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại để cán đích NTM vào cuối năm 2016 này.

Xã đã phát động phong trào “Toàn dân chung tay XDNTM”, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ. Xác định XDNTM là cơ hội để tạo ra bước chuyển mới trong phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng thôn xóm và nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau, các phong trào nhà sạch, ngõ đẹp, tổ tự quản vệ sinh đường làng ngõ xóm được phát động rộng khắp. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong 5 năm qua, Đôn Nhân đã huy động được 210,379 tỷ đồng từ nhân dân để đầu tư bê tông hóa ngõ xóm, tu sửa công trình nhà văn hóa cùng nhiều cơ sở vật chất khác trên địa bàn xã.

Để đạt tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo, xã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, nhiều giống cây trồng mới được đưa vào sản xuất, đã hình thành mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Gia đình bà Đỗ Thị Lý ở thôn Hòa Bình có gần 1 mẫu trồng 400 cây ổi và 100 cây thanh long; trừ chi phí, gia đình thu lãi 300 - 400 triệu đồng/năm. Gia đình các ông Nguyễn Văn Lưu, Nguyễn Văn Mã ở thôn Trung Hòa... cũng thành công từ mô hình trồng ổi.

Đời sống của nhân dân trong xã từng bước được cải thiện, nâng cao, số hộ nghèo giảm đều qua các năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 22 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,84%, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh theo chuẩn quốc gia đạt 80%, trong đó hộ sử dụng nước sạch đạt 46%.

Ông Nguyễn Thành Chung, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết, từ nay đến cuối năm 2016, Đôn Nhân phải “chạy đua” với thời gian để hoàn thành các tiêu chí còn lại, thời gian thì ngắn mà công việc lại bộn bề. “Khó khăn của xã hiện nay là thực hiện tiêu chí đường giao thông nông thôn. Hiện xã đang tập trung để hoàn thành trục liên xã, thôn, ngõ xóm, trục chính nội đồng, xây dựng trung tâm văn hóa xã, thôn và điều chỉnh quy hoạch, tập trung đầu tư xây dựng 3 nghĩa trang”, ông Chung nói.

Nguồn kinh phí để thực hiện các tiêu chí trên là hơn 43,586 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ là 26,116 tỷ đồng, ngân sách xã 13,43 tỷ đồng và nguồn vốn huy động của nhân dân 4,04 tỷ đồng. Cán bộ và nhân dân địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư nguồn vốn từ tỉnh và huyện để các công trình sớm đưa vào sử dụng, đảm bảo việc đi lại, an sinh xã hội, giúp xã hoàn thành các tiêu chí NTM.

Hy vọng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành, Đôn Nhân sẽ về đích NTM theo đúng kế hoạch.

Văn Nhất

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top