Theo ông Nguyễn Văn Thiềng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh (Hà Nội), để sản phẩm OCOP của địa phương có mặt trên thị trường trong nước, thậm chí nước ngoài, nhất thiết phải nâng cao chất lượng và xây dựng được thương hiệu.
Nguồn cung cấp chế biến sản phẩm phải sạch
Sản phẩm ống hút từ rau, củ quả của HTX NN Sông Hồng được Hội đồng chấm điểm OCOP thành phố Hà Nội chấm điểm sản phẩm OCOP đạt 5 sao, đây là một trong 106 sản phẩm OCOP được công nhận và nâng cấp trong năm 2020 của huyện Đông Anh.
Sản phẩm ống hút từ rau, củ quả gắn liền với tên tuổi của Giám đốc HTX NN Sông Hồng, bởi đây là sản phẩm được ông “thai nghén” từ ý nghĩ muốn nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, muốn người nông dân thu được lợi nhuận kinh tế từ những sản phẩm phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới có được.
Khỏi phải nói niềm vui của Giám đốc HTXNN Sông Hồng Lê Văn Tám, khi nghe Hội đồng chấm điểm OCOP thành phố Hà Nội công bố sản phẩm ống hút từ rau, củ quả đạt sản phẩm OCOP 5 sao. “Nhưng niềm vui ấy cũng là nỗi lo nếu như không biết khai thác và tận dụng được danh hiệu này”, ông Tám trăn trở.
Sản phẩm ống hút được làm hoàn toàn từ tinh bột và các loại rau, củ, quả. Ngoài công dụng chính vẫn dùng để uống nước thì loại ống hút này còn có thể xào, luộc, nhúng lẩu, thậm chí là rán thành các loại snack để tạo ra những món ăn giàu dinh dưỡng và lạ miệng.
Giám đốc HTX NN Sông Hồng chia sẻ, muốn sản phẩm được người tiêu dùng trong nước, thậm chí người nước ngoài lựa chọn, nhất thiết nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm này phải được lựa chọn và sử dụng từ các sản phẩm nông nghiệp sạch, phải được trồng và chăm sóc theo công nghệ hữu cơ, bảo đảm không có chất kích thích hay tồn dư chất hóa học.
Ông Lê Văn Tám cho biết, toàn bộ diện tích của HTX đều được áp dụng trồng trọt theo phương pháp hữu cơ 100%, đất đai trước khi gieo trồng đều được làm sạch, phân bón cho cây trồng là phân hữu cơ, không bón phân hóa học hay sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào.
Hiện, mỗi ngày HTX Sông Hồng sản xuất khoảng 50.000 ống hút. Sản phẩm ống hút làm từ rau, củ, quả được một số đơn vị đưa vào sử dụng như Văn phòng Chính phủ, các quán cà phê giải khát trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt, sản phẩm ống hút đã có mặt trên kệ của một số siêu thị ở Hàn Quốc, Đức...
Là hộ sản xuất cá thể có sản phẩm Rượu Bạch cúc Long Tửu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trong năm 2020, chị Phan Thanh Loan (xã Đông Ngàn) cho biết, nhận thức được việc sản xuất phải gắn với tiêu thụ sản phẩm, muốn tiêu thụ được sản phẩm thì chất lượng phải được đặt lên hàng đầu, cơ sở đặt ra quy tắc “bất di bất dịch”: nguyên liệu sử dụng chế biến rượu phải bảo đảm sạch.
Rượu Bạch cúc Long Tửu được nấu hoàn toàn bằng gạo nếp cái hoa vàng, men nấu rượu được lựa chọn là loại men trấu, được làm ra từ các loại thảo dược, lá cây, đặc biệt với nguồn nước nấu rượu khai thác tại thôn Đông Ngàn. Vì vậy, rượu Long Tửu có hương vị riêng không nơi nào có, hương vị nếp cái vẫn giữ nguyên sau khi chiết xuất thành rượu.
“Muốn sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, nhất thiết sản phẩm phải có chất lượng. Muốn sản phẩm có chất lượng thì ngay từ những khâu đầu tiên của sản xuất trước hết phải bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, mà phải bảo đảm nghiêm ngặt về nguồn gốc các nguyên liệu”, chị Loan nói
“Nếu chỉ có chất lượng thì chưa đủ, sản phẩm OCOP muốn có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, nhất thiết phải có thương hiệu, thương hiệu này không chỉ là “một sớm, một chiều”, nó phải được xây dựng bền bỉ qua nhiều năm tháng”, ông Nguyễn Văn Thiềng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh, chia sẻ.
Xây dựng thương hiệu
Theo ông Lê Văn Tám, Giám đốc HTX NN Sông Hồng: Đưa sản phẩm đến được tận tay của người tiêu dùng trong nước đã khó, đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài còn khó hơn, bởi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định khi xuất khẩu và các quy định khác trong quá trình sản xuất.
Nhưng thương hiệu không phải ngay lập tức là có ngay, mà phải được xây dựng và thông qua rất nhiều kênh để người tiêu dùng biết đến. Việc tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, trên truyền thông, hay đơn giản là đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng cũng là một trong những công việc để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
“Nếu chỉ sản xuất mà không xây dựng được thương hiệu để có chỗ đứng trên thị trường, thì cũng giống như có người mà không có tên, người ta rất muốn gặp mình, nhưng do không biết tên, không biết địa chỉ thì dù có muốn cũng không thể tìm thấy được”, ông Tám ví von về cách phải làm thương hiệu.
Mặc dù sản phẩm rượu Long Tửu đã có từ lâu đời, được người dân quanh vùng sử dụng từ lâu năm, bởi chất lượng của rượu thơm ngon, uống không đau đầu mặc dù nồng độ rất cao, nhưng nó chỉ được nhân dân các vùng lân cận biết, còn thị trường trong nước chưa biết đến nhiều.
Hơn nữa, rượu Bạch cúc Long Tửu là tên một sản phẩm hoàn toàn mới, ngay cả với người dân địa phương chứ chưa nói đến cả nước, do vậy, sản phẩm của chúng tôi trước mắt phải nâng được hạng OCOP và phải có kế hoạch để xây dựng thương hiệu.
Ông Nguyễn Văn Thiềng cho biết, muốn có thương hiệu thì nhất thiết phải có chất lượng, mà muốn có chất lượng thì có rất nhiều việc phải làm. Một trong những việc phải làm đó là sản xuất phải tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí; cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra và giám sát việc sản xuất đó, rồi xây dựng và quản lý thương hiệu đó.
Để sản phẩm OCOP vươn xa tới thị trường trong nước và quốc tế, huyện Đông Anh đã tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt OCOP phát triển. Việc nâng hạng sản phẩm OCOP cũng không nằm ngoài mục tiêu đưa sản phẩm của địa phương có mặt trên thị trường.
Chương trình OCOP đã tạo điều kiện để những sản phẩm truyền thống của Đông Anh phát triển, không chỉ tạo được công ăn việc làm cho người nông dân, mà còn đưa tên tuổi của sản phẩm vốn chỉ “quanh quẩn” trong làng ra ngoài, làm tăng thêm thu nhập và phát triển kinh tế. Chất lượng và thương hiệu là hai yếu tố quan trọng và cần thiết để đưa những sản phẩm này bay cao và vươn xa.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.