Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 1 năm 2022 | 13:46

Đông Anh vững tin hành trình lên quận

Dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho Đông Anh, bởi địa phương từng là tâm dịch của Hà Nội dịp đầu năm 2021.

Nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của mọi tầng lớp nhân dân, Đông Anh đã khẳng định mình và không ngừng phát triển. Thành tựu trong năm qua là điều kiện để Đông Anh tự tin, vững bước trở thành quận giàu đẹp.

Được Thủ tướng khen về thành tích phòng, chống dịch

Thành công lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh trong năm 2021 phải kể đến là công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”. Với biện pháp “cách ly 3 lớp” trên tinh thần “Bình tĩnh - Chủ động - Quyết liệt - Đồng bộ - Hiệu quả” cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện, Đông Anh luôn kiên trì mục tiêu vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, vừa linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Vì thế, dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế phát triển, an ninh, chính trị - xã hội ổn định.

 

1.JPG
Toàn bộ công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long được tiêm vắc xin. 

 

Còn nhớ những ngày tháng 4/2021, cả huyện Đông Anh như “ngồi trên đống lửa” khi phát hiện ổ dịch tại thôn Trung, xã Việt Hùng và khu tập thể ga Cổ Loa. Cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đều quyết liệt tham gia vào công tác phòng, chống dịch, lãnh đạo huyện, xã, thị trấn trực tiếp phòng chống dịch, chấp hành nghiêm ăn, ngủ, nghỉ và làm việc tại cơ quan theo phương án “3 tại chỗ” để bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19 triệt để ngay tại cơ quan đầu não của huyện.

UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm ngặt biện pháp cách ly “3 lớp”, theo nguyên tắc của các Chỉ thị 16/CT; 15/CT và 19/CT của Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh   Nguyễn Xuân Linh cho biết, “3 lớp” là: Lớp lõi có dịch giãn cách theo Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/3/2020; lớp tiếp theo thực hiện theo Chỉ thị 15-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành 27/3/2020; lớp ngoài cùng theo Chỉ thị 19-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành 24/4/2020. Với cách làm này, Đông Anh vẫn thực hiện được việc giãn cách xã hội, nhưng đồng thời cũng vẫn tạo điều kiện cho sản xuất không bị đứt gãy, kinh tế phát triển.

“Với biện pháp cách ly 3 lớp, chúng tôi đã bảo đảm được công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời phát triển sản xuất, kinh tế. Vì mọi hoạt động ở các lớp ngoài vẫn hoạt động bình thường nhưng đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, mọi hoạt động của nhân dân vẫn diễn ra ổn định, an toàn”, ông Nguyễn Xuân Linh nói.

Hiệu quả của biện pháp cách ly “3 lớp” được nhân rộng không chỉ trên toàn thành phố Hà Nội, mà nhiều địa phương có tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp cũng áp dụng. Ngày 16/5/2021, tại Quyết định số 714/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Bằng khen cho 03 tập thể và 04 cá nhân là lãnh đạo huyện Đông Anh vì có thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Để ứng phó linh hoạt với dịch bệnh cũng như đảm bảo sản xuất kinh doanh, huyện Đông Anh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn triển khai đồng bộ, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, bảo đảm hoạt động sản xuất an toàn trong điều kiện giãn cách. Xây dựng và cụ thể hóa bằng các phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, “2 tại chỗ”; tổ chức tiêm phòng vắc xin cho toàn bộ nhân viên, người lao động trong các khu công nghiệp, chợ đầu mối.

Triển khai nhiều dự án quan trọng phục vụ dân sinh

Trong điều kiện rất khó khăn do dịch  Covid-19 gây ra, huyện Đông Anh vẫn thực hiện nhiệm vụ năm 2021 một cách xuất sắc. Toàn huyện triển khai thực hiện 456 dự án, trong đó có 219 dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

Huyện hiện có 4 dự án hạ tầng, gồm đường gom và kè sông đào Nguyên Khê;  Nhà văn hóa; Nhà thi đấu đa năng và Trường mầm non chất lượng cao với tổng giá trị hơn 1.473 tỷ đồng. Đây đều là những dự án quan trọng cho cuộc sống của nhân dân trên địa bàn được bảo đảm về an toàn, an sinh, phát triển văn hóa xã hội.

Chị Phạm Tố Uyên ở thôn Phúc Lộc (xã Uy Nỗ) chia sẻ, được biết UBND huyện xây dựng trường mầm non chất lượng cao, người dân chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi. Từ nay con em không phải đi học vất vả, xa xôi, lại được học trong ngôi trường khang trang, đẹp đẽ.

 

2.JPG
Trường mầm non chất lượng cao.

 

Một người dân có nhà nằm bên cạnh dự án đường gom và kè sông đào Nguyên Khê vui mừng phấn khởi nói: “Bao nhiêu năm qua, con sông đào Nguyên Khê  bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường rất nặng nề, người dân chúng tôi sinh sống ở đây rất khổ sở. Nhưng giờ đây, một môi trường, cảnh quan mới đang được hình thành, không còn bao lâu nữa cuộc sống nơi đây sẽ được nâng cao hơn”.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, huyện hiện có 13 dự án đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (trong đó huyện 08 dự án; cấp xã 05 dự án);  đang hoàn thiện báo cáo kinh tế kỹ thuật (TKBVTC-DT) 29 dự án (trong đó huyện 28 dự án; cấp xã 01 dự án); tổ chức đấu thầu rộng rãi (LCNT) 06 dự án (trong đó huyện 03 dự án; cấp xã 03 dự án); đang triển khai thi công 189 dự án (trong đó huyện 44 dự án; cấp xã 145 dự án).

“Điều đáng mừng là, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp,  chúng tôi vẫn thực hiện công tác đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng tiến độ. Huyện đã giải ngân thực hiện đầu tư từ nguồn vốn ngân sách 769.041 triệu đồng, đạt 91,58% kế hoạch vốn được thông báo”, ông Linh nhấn mạnh.

Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đảm bảo an sinh xã hội năm 2021, kinh tế huyện Đông Anh tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong đó: Giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn ước tăng 6,9% (năm 2020 tăng 7,6%; thấp hơn kế hoạch năm 2021 tăng 9,6-9,8%). Trong đó: công nghiệp - xây dựng ước tăng 7,3% (năm 2020 tăng 8,1%; kế hoạch năm tăng 9,3-9,6%); thương mại - dịch vụ ước tăng 3,3% (năm 2020 tăng 2,1%; kế hoạch năm tăng 14,3-14,5%); nông, lâm, thủy sản ước tăng 2,7% (năm 2020 tăng 2,9%; kế hoạch năm là 2,3%-2,4%). Cơ cấu các ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng định hướng: Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng cơ bản chiếm 89,6%; thương mại - dịch vụ chiếm 9,0%, nông, lâm, thủy sản chiếm 1,4%. Đây thực sự là những con số biết nói và đáng khích lệ cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Anh trong năm 2021.

Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội khóa XVII, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Hà Nội tập trung hỗ trợ cho hai huyện Đông Anh và Gia Lâm sớm hoàn thành các tiêu chí lên quận.

Với những gì mà Đông Anh đã đạt được trong thời gian vừa qua, thêm vào đó là sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Anh vững tin  trở thành quận trong thời gian không xa.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top