Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 4 năm 2019 | 8:16

Dự án Khu dân cư Sa Huỳnh: Giá đền bù 1m2 không đủ mua 4 bó rau muống

Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, cho rằng, nhà đầu tư cần tăng mức đền bù thì mới hợp lý và lúc đó, người dân mới có thể đồng ý.

Tại cuộc họp đối thoại với Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển đô thị Ân Phú - nhà đầu tư dự án Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Sa Huỳnh tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quãng Ngãi), người dân thôn Tân Diêm tỏ ra bức xúc với giá đền bù 24.000 đồng/m2 và cho rằng có lợi ích nhóm trong việc triển khai dự án này.
 
Cắt đất làng muối Sa Huỳnh làm dự án
 
Dự án Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Sa Huỳnh tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ do Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển đô thị Ân Phú đầu tư theo Quyết định chủ trương đầu tư số 880/QĐ-UBND ngày 24/11/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Dự án này có quy mô hơn 19,6ha (trong đó, đất ở quy hoạch mới gần 15,7ha và đất ở quy hoạch chỉnh trang hơn 3,9ha), với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 211 tỷ đồng. Diện tích đất làm muối trong vùng dự án bị thu hồi là khoảng 11,6ha với gần 100 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng số lô đất trong vùng dự án là 489 lô, tổng diện tích đất ở chiếm hơn 33%, trong đó có 377 lô đất nhà ở liền kề, 112 lô xây dựng nhà biệt thự.
20190327_114549.jpg
20190327_114759.jpg

Diêm dân trên đồng muối Sa Huỳnh bức xúc vì giá đền bù quá thấp

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 13/4/2018, nhà đầu tư đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức niêm yết công khai, lấy ý kiến đối với Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Sa Huỳnh tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Sau hơn 1 tháng niêm yết công khai Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án, ngày 18/5/2018, nhà đầu tư đã phối hợp với UBND xã Phổ Thạnh tổ chức làm việc với gần 100 hộ dân trong vùng dự án, hợp tác xã muối 2 và lãnh đạo UBND, các hội, đoàn thể xã Phổ Thạnh để thông qua đồ án quy hoạch dự án, công bố phương án và đơn giá bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tại cuộc họp lần này, các hộ dân có diện tích đất muối bị ảnh hưởng trong vùng dự án (có hơn 10ha chồng lấn lên ruộng muối của khoảng 50 hộ diêm dân Sa Huỳnh) chưa thống nhất với đơn giá bồi thường.
 
Có hay không lợi ích nhóm?
 
Sau nhiều cuộc họp nhưng không thống nhất được giá đền bù giữa người dân và chủ đầu tư, ngày 27/3/2019, tại nhà văn hóa thôn Tân Diêm, UBND xã Phổ Thạnh phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Đức Phổ, Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển đô thị Ân Phú có cuộc đối thoại với 26 hộ dân chưa đồng ý với giá bồi thường.
 
Ông Đào Ngọc Sỹ cho biết: Giá đền bù 24.000 đồng/m2 là quá rẻ, không đủ mua 4 bó rau muống. Với giá đền bù này thì mỗi lần con tôi đi học từ Sa Huỳnh đến Phổ Khánh là 10km, tiền xe trong 1 ngày mất 1m2, trong khi một năm gia đình tôi làm muối cũng kiếm được 40-50 triệu/sào (500m2). Cơm áo gạo tiền của tụi tôi trên đất đó nên doanh nghiệp lấy đất rồi đền bù với giá này thì tụi tôi không đồng ý.
 
Còn theo bà Nguyễn Thị Đào, một năm diêm dân kiếm được 40 triệu đồng/sào thì 10 năm kiếm được 400 triệu đồng, lúc đó tiền có đất còn. “Đây là nghề cha ông để lại, nếu chúng tôi để mất cần câu cơm thì tiền có nhiều đến mấy cũng có ngày hết. Chúng tôi đang ở nhà lầu giờ bắt chúng tôi ở nhà tranh sao được”, bà Đào nói.
img_20190406_073401.jpg
Ông Nguyễn Tùng, đại diện nhà đầu tư phân trần với người dân

Ông Trần Văn Dự hỏi: “Tại sao chủ đầu tư tự lập phương án đền bù sau đó bảo dân nhận tiền đền bù, mà không báo cho dân biết? Một điều bất thường nữa, chính quyền mời dân đến họp sau đó bắt chúng tôi ký vào một tờ giấy nói là nhận tiền xăng xe, sau này chúng tôi mới biết tờ giấy đó xác nhận đồng ý với giá đền bù 24.000 đồng/m2, có phải lừa dân hay không?”.

Còn ông Trần Văn Trúc - đại diện cho hộ ông Trần Xê bức xúc: “Theo Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Quảng Ngãi thì điều chỉnh đất làm muối đến năm 2018 chỉ có 3ha, đến năm 2020 thêm 6ha, trong khi dự án điều chỉnh 11,6ha đất làm muối trên tổng diện tích dự án hơn 19ha. Vậy phần chênh lệch đất đó lấy đâu ra hay dự án làm trái Nghị định của Chính phủ?”. Khi ông Trúc hỏi chủ đầu tư có biết nghị định này không thì đại diện chủ đầu tư tỏ ra lúng túng.
 
“Nếu chúng tôi chấp nhận giá đền bù này thì có thể ưu tiên chúng tôi mua lại đất sau khi hoàn thiện dự án với đơn giá nhà nước không? Bởi giá đền bù 24.000 đồng/m2 tức là bên công ty đền bù 24 triệu đồng/100m2, trong khi tại các trang mạng rao bán nền của dự án này là 7,2 triệu đồng/m2, tức 100m2 là 720 triệu đồng. Giá cả quá chênh lệch, dân chúng tôi làm ruộng quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời làm sao mua nổi 1 lô đất như vậy để ổn định cuộc sống. Phải chăng có lợi ích nhóm trong dự án này”, ông Trúc nói.
 
Trong khi đại diện nhà đầu tư phân trần, hiện giờ công ty chưa bán đất nền, còn các trang mạng rao bán là chuyện của họ, thì người dân bức xúc cho rằng việc này ảnh hưởng đến nhà đầu tư lẽ nào chủ đầu tư không can thiệp, hay là giả vờ không biết. Lúc này, nhà đầu tư chỉ biết im lặng.
 
Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cũng cho rằng, nhà đầu tư cần tăng mức đền bù thì mới hợp lý và lúc đó, người dân mới có thể đồng ý.
 
Bài 2: Chưa giải phóng mặt bằng, chưa xong đền bù đã bán đất dự án
Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top