Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 25 tháng 10 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 21 tháng 11 năm 2020 | 13:51

Du lịch nông nghiệp chưa phát huy được tiềm năng

Mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng có tiềm năng lớn, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn.

Tuy nhiên, để phát huy được tiềm năng, lợi thế này, cần có những chính sách quản lý phù hợp hơn.

Làm nông nghiệp xanh kết hợp du lịch sinh thái

Vũ Xuân Thành (sinh năm 1988 ở tiểu khu Nà Sản, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) có 1.000m2 dâu tây trồng thí điểm trong nhà lưới của mình. Anh Thành cho biết, 7 năm trước, 2ha trang trại này anh dùng để chăn nuôi heo và trồng cây ăn quả. Khi ấy, anh luôn có 35 con heo nái và 250 con heo thịt thường xuyên trong chuồng.

 

nn-xanh.jpg

Mô hình nông nghiệp xanh theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu đã cho những kết quả khả quan.

 

Tuy nhiên, chăn nuôi heo rất vất vả, làm quần quật từ sáng sớm đến tối muộn vẫn không hết việc. Đã thế, giá cả lại bấp bênh, đầu ra không ổn định, chưa kể lúc có dịch bệnh thì không ai dám mua.

Cuối năm 2017, anh nghiên cứu trên mạng, sách báo và đi học hỏi thực tế những mô hình đã thành công ở các tỉnh bạn như Hòa Bình, Nghệ An. Sau đó, anh đã mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi heo sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: cam canh, nhãn miền, dâu tây, dưa lưới...

Chia sẻ về những khó khăn khi chuyển đổi từ chăn nuôi sang trồng trọt, anh Vũ Xuân Thành cho biết: “Đến bây giờ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn về kiến thức nông nghiệp hữu cơ, kiến thức về du lịch, maketing tuyên truyền quảng bá để giới thiệu về nông trại của mình. Đơn giản hơn cả là việc kiến thiết cơ bản trong nông trại để tạo ra một mô hình du lịch cũng đang gặp rất nhiều khó khăn”.

Với mô hình nông nghiệp xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP và dần chuyển đổi sang hướng hữu cơ, vụ mùa năm 2018 vừa qua, các cây trồng chủ lực trong vườn nhà anh đã cho thu hoạch đạt hiệu quả cao như: cam canh đạt sản lượng 22 tấn, thu nhập đạt trên 850 triệu đồng; dâu tây tuy mới trồng thí điểm cũng cho sản lượng cao, đạt 8 tạ/1.000m2, với giá bán ổn định 250.000/kg. Các sản phẩm này đều được xuất bán tới những chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại các thị trường tiềm năng như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Anh Vũ Xuân Thành phấn khởi cho biết: “Tôi thấy rất vui vì có những đoàn khách tham quan, trải nghiệm tại vườn và mua nông sản tại nông trại. Nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên, không ngờ ở đây cũng có nông trại như thế này”.

Tận dụng lợi thế không gian xanh vốn có, anh Thành còn kết hợp làm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, làm giàu thêm kiến thức sống và nhất là được tự tay thu hái, mua về những sản phẩm sạch, phục vụ cho sinh hoạt của gia đình.

Hoạt động du lịch cộng đồng còn tự phát

Hòa Bình hiện có trên 88.400 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, đất trồng cây ăn quả có múi tập trung đạt 4,7 nghìn ha; cây mía tím và mía ép nước trên 6,5 nghìn ha; diện tích trồng rau các loại trên 11.000 ha... Trong tỉnh đã hình thành các nhóm nông sản chủ lực, có thương hiệu. Từ những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và các trang trại có quy mô là tiềm năng lớn có thể phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.

 

dl1.jpg

Du lịch nông nghiệp, mỏ vàng cần được khai thác.

 

Hoạt động du lịch trong các trang trại, HTX nông nghiệp chủ yếu là tự phát, không có quy hoạch nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch. Lao động làm việc tại những nơi này không được đào tạo, thiếu kiến thức và kỹ năng du lịch. Công tác quản lý nông nghiệp về trang trại, HTX gắn với du lịch nông nghiệp chưa được hoàn thiện...

Theo đó, để có sự phát triển cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động du lịch nông nghiệp trong các trang trại, HTX nông nghiệp. Chú trọng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và công tác quy hoạch cho loại hình trang trại, HTX nông nghiệp kết hợp hoạt động du lịch. Tăng cường đào tạo kỹ năng hoạt động du lịch cho các trang trại, HTX và người dân. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế chính sách phát triển kinh tế trang trại, HTX gắn với du lịch nông nghiệp...

Theo bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL: Để phát triển hài hòa, bền vững về du lịch nông nghiệp, rất cần có sự ưu tiên nguồn lực, coi trọng đầu tư cơ sở vật chất tạo sự phát triển đồng bộ. Ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến quảng bá phát triển du lịch và các sản phẩm du lịch. Đồng thời cần có sự tăng cường phối hợp liên ngành, trong đó nòng cốt là 2 ngành VH-TT&DL, NN&PTNT và nâng cao hơn nữa vai trò chủ động, quyết liệt của các địa phương cũng như sự vào cuộc chất lượng, hiệu quả của các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Việc phát triển mô hình du lịch nông nghiệp là góp phần định hình lại nền nông nghiệp Việt Nam xanh - sạch. Trong đó xác định rõ phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là lòng tự hào với quê hương, xứ sở. Đặc biệt là rất cần sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách, đơn vị lữ hành, doanh nghiệp để loại hình du lịch này phát triển mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.

Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn

Theo thống kê, cả nước hiện có gần 34.400 trang trại nông nghiệp. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có số lượng trang trại nhiều nhất cả nước với hơn 8.000 trang trại; tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ, vùng Trung du Miền núi phía Bắc… Nhận thấy tiềm năng phát triển, một số địa phương thời gian qua đã tổ chức xây dựng các chương trình du lịch nông thôn gắn trang trại với các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của địa phương.

Dựa trên báo cáo nhanh của một số địa phương, hiện chỉ có một bộ phận nhỏ trang trại nông nghiệp (ước tính không quá 3-5% tổng số trang trại của từng địa phương) ngoài sản xuất nông nghiệp có kết hợp các hoạt động du lịch nông nghiệp và đa số không có hoạt động lưu trú khách du lịch qua đêm. Đối với các mô hình HTX phát triển du lịch được phân thành 2 dạng: HTX sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch và HTX phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp nghỉ dưỡng.

Ninh Thuận xây dựng chương trình tham quan, nghỉ dưỡng tại các vườn nho, vườn táo, trang trại nuôi dê, nuôi cừu. Các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu long xây dựng chương trình khai thác các yếu tố gắn với văn hóa, sinh thái sông nước như chợ nổi, cù lao ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang; đàn ca tài tử ở Bạc Liêu; lễ hội trái cây, hoa cảnh miền Tây,…

 

dl2.jpg

Gắn du lịch với nông nghiệp là hướng đi đầy triển vọng trong tương lai.

 

Bình Thuận hiện có tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp. Chẳng hạn như: vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha tại huyện Bắc Bình; du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp trên các đảo, xung quanh hồ thủy điện, thủy lợi tại các huyện vùng cao như Tuy Phong, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc...

Hiện nay, Bình Thuận đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, coi đây là một hướng đi mới và bền vững cho ngành du lịch, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Cùng với sự đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng, tài nguyên, Bình Thuận hiện có 270.000 ha đất sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như lúa, bắp, nho, cây trôm, đặc biệt là cây thanh long. Đây là lợi thế rất lớn để Bình Thuận khai thác và phát triển loại hình du lịch gắn với nông nghiệp bền vững.

Sơn La là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc có khí hậu đa dạng, là điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao. Với nguồn tài nguyên du lịch sinh thái phong phú, đồng lúa, rau màu, rượu, mật ong, cây ăn quả ôn đới dài ngày như (cà phê, chè..) có ưu thế ở Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu là những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung ở Quỳnh Nhai, Mường La… Ngoài ra, Sơn La cũng có nguồn tài nguyên về du lịch độc đáo như: Lòng hồ thủy điện Sơn La, Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, Nhà máy thủy điện Sơn La… Đây là những lợi thế để Sơn La phát triển du lịch gắn với nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

Từ những mô hình du lịch hộ gia đình cho đến mô hình trang trại, trồng cây ăn quả… tại 1 số địa phương trên địa bàn tỉnh đã cho thấy du lịch gắn với nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho cá nhân gia đình và địa phương. Chính sự tham gia trực tiếp của người dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp đã tạo ra nên sự phong phú hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời mang lại một nguồn thu nhập cho bà con nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy, đây được coi là một phương thức xóa đói giảm nghèo đặc biệt tại những cộng đồng khó khăn, tạo thêm nguồn sinh kế ổn định cải thiện đời sống nhân dân, giúp người dân gắn bó với quê hương hơn.

Hiện, có hai loại hình trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp: một là các trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch, các hợp tác xã nông nghiệp có tổ chức hoạt động du lịch; hai là hợp tác xã sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch và hợp tác xã phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp nghỉ dưỡng (homestay). Việc phát triển các loại hình này đã thúc đẩy nông nghiệp sạch phát triển; đồng thời thu hút và tạo công ăn việc làm tại chỗ cho lao động địa phương; giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện môi trường sinh thái, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Cần có chính sách quản lý phù hợp

Mặc dù có tiềm năng, nhưng hoạt động du lịch trong các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp hiện vẫn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Du lịch nêu thực tế: “Sản phẩm đơn điệu, nghèo nàn chủ yếu dựa vào tài nguyên tự nhiên nên trùng lặp, việc khai thác các yếu tố sản xuất nông nghiệp nông thôn và du lịch nhiều khi còn rời rạc chưa có sự liên kết chặt chẽ để hình thành nên chuỗi giá trị trên cơ sở liên kết điểm đến với các doanh nghiệp lữ hành, liên kết giữa sản xuất hàng hóa với tiêu dùng du lịch. Lao động nông thôn trong khu vực du lịch còn khoảng cách rất lớn so với khu vực đô thị. Phần lớn bà con nông dân làm du lịch không được đào tạo kỹ năng và tư duy kinh doanh dịch vụ. Vấn đề tiếp thị quảng cáo sản phẩm nông nghiệp chưa được chú trọng”.

 

dl.jpg
Để kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cần sớm ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Để khắc phục những hạn chế tồn tại này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cùng các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển hoạt động du lịch nông nghiệp, nông  thôn trong các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho loại hình trang trại, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp hoạt động du lịch.

“Ở vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long kết hợp với cảnh thiên nhiên tạo ra những nơi nghỉ để cho khách du lịch dừng chân chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên kết hợp với với sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là mô hình chúng tôi thấy cần phải tiếp tục phát huy. Cần tạo chuỗi liên kết phát triển du lịch làm nông nghiệp nông thôn, đưa tour khách du lịch về nông thôn, liên kết chặt chẽ các đơn vị du lịch”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Để kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cần sớm ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó chú trọng vào các hoạt động du lịch nông nghiệp, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên; xác định hướng đi chủ đạo là phát triển du lịch nông nghiệp trên nền tảng nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

 

 

Tiềm năng phát triển của du lịch nông nghiệp

Theo một báo cáo của Fortune Business Insights, quy mô thị trường du lịch nông nghiệp toàn cầu trị giá 69,24 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến đạt 117,37 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 7,42% trong giai đoạn dự báo 2020 – 2027.

Xu hướng du lịch xanh đang nhận được sự chú ý nhiều hơn từ du khách cũng như các nhà làm du lịch trong những năm gần đây là một dấu hiệu tốt cho tiềm năng phát triển của du lịch nông nghiệp. Du khách ngày càng mong muốn có những trải nghiệm độc đáo, được tham gia vào việc học hỏi, sáng tạo trong các chuyến đi của mình và đóng góp cho các hoạt động bảo tồn hơn là chỉ nghỉ dưỡng đơn thuần. Do đó, các hình thức du lịch bền vững, các điểm đến và hoạt động thân thiện với môi trường mà du lịch nông nghiệp là một điển hình sẽ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Ngoài ra, chính phủ các nước cũng đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến du lịch nông nghiệp, đặc biệt là các quốc gia châu Á. Chẳng hạn như tại Thái Lan, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã cùng với Bộ Du lịch và Thể Thao đã phối hợp chặt chẽ trong nhiều hoạt động thúc đẩy du lịch nông nghiệp của nước này. Hay chiến dịch “It’s more fun in Philippine farms” (2017) nhằm mục tiêu quảng bá du lịch nông nghiệp của Philippines là những hoạt động đáng chú ý của loại hình du lịch này trong những năm qua.

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thông điệp quan trọng tại Hội nghị BRICS mở rộng

    Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thông điệp quan trọng tại Hội nghị BRICS mở rộng

    Tại Hội nghị các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất năm kết nối chiến lược để cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn, hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng; đồng thời chia sẻ bài học phát triển của Việt Nam về "kết nối, hội nhập, cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn" với 3 quan điểm lớn.

  • Thủ tướng dự lễ đón các nhà lãnh đạo tại Hội nghị BRICS mở rộng

    Thủ tướng dự lễ đón các nhà lãnh đạo tại Hội nghị BRICS mở rộng

    Chiều tối 23/10 theo giờ địa phương, tại Trung tâm Hội nghị Kazan Expo, thành phố Kazan, Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024 chủ trì lễ đón các trưởng đoàn và chiêu đãi trọng thể chào mừng các đoàn tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và BRICS mở rộng.

  • Thủ tướng: Phát triển ngành Halal vừa là 'cơ hội vàng', vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc

    Thủ tướng: Phát triển ngành Halal vừa là 'cơ hội vàng', vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc

    Nhấn mạnh những ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chiến tranh, xung đột diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam coi Halal là "cơ hội vàng", là định hướng mới trong hoạt động sản xuất, là "nội hàm hợp tác kinh tế quan trọng, trụ cột mới, động lực mới" trong phát triển quan hệ với các nước.

  • Quảng Ngãi tăng cường quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản

    Quảng Ngãi tăng cường quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản

    Đề án đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2022 - 2030 của tỉnh Quảng Ngãi đề ra mục tiêu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

  • Cấp đông - động lực mới cho xuất khẩu trái cây

    Cấp đông - động lực mới cho xuất khẩu trái cây

    Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa tổ chức tập huấn hướng dẫn quy định mới của nước nhập khẩu về yêu cầu vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và bưởi cho đại diện các chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh phía Nam, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh và bưởi.

  • Quảng Ngãi mở rộng sản xuất, thị trường, hướng đến xuất khẩu nông sản

    Quảng Ngãi mở rộng sản xuất, thị trường, hướng đến xuất khẩu nông sản

    Những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo, tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ nhiều giải pháp trong trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Top