Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có báo cáo đánh giá thị trường bất động sản (BĐS) năm 2020, dự báo thị trường BĐS năm 2021. Trong đó, dư nợ tín dụng của các Tập đoàn và doanh nghiệp BĐS ước khoảng 293.750 tỷ đồng, chiếm khoảng 13% tổng dư nợ.
Theo đó, năm 2020, mặc dù phải chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và cuộc chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhưng trên cơ sở kiểm soát, ứng phó hiệu quả đại dịch, nước ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo được an sinh xã hội; tăng trưởng GDP đạt 2,91% (là nước duy nhất trong 06 nền kinh tế lớn nhất của khối ASEAN đạt tăng trưởng dương).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 3,23% (TP. Hồ Chí Minh, GRDP chỉ tăng 1,39%, thấp nhất trong nhiều năm qua; riêng CPI chỉ tăng 2,78%). Thị trường BĐS cả nước và TP. Hồ Chí Minh vốn đã gặp rất nhiều khó khăn kể từ cuối năm 2015, nhất là trong 03 năm gần đây và đại dịch CoViD-19 đã tác động làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường BĐS.
Về huy động vốn tiết kiệm mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 cả nước tăng khoảng 3,23% và mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm thấp hơn năm 2019, nhưng tổng huy động vốn tiết kiệm năm 2020 trên địa bàn thành phố vẫn tăng, đạt khoảng 2,77 triệu tỷ đồng, trong đó có 2,43 triệu tỷ đồng bằng tiền đồng, tăng 9% so với cuối năm 2019. Tuy là tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với các năm trước, nhưng vẫn là mức tăng khá trong tình hình đại dịch Covid-19 tác động.
Về dư nợ tín dụng BĐS và nợ xấu BĐS, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố năm 2020 đạt khoảng 2,48 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cuối năm 2019 (Mức tăng này thấp hơn năm 2019 - tăng 10,65% - nhưng là mức tăng khá trong điều kiện bị tác động bởi Covid-19). Trong đó, tín dụng trung dài hạn chiếm khoảng 52,2%, tăng khoảng 9,1%; tín dụng ngắn hạn chiếm 47,78%, tăng 6,8% so với cuối năm 2019.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp chống chịu với đại dịch Covid-19, lãi suất cho vay trung dài hạn năm 2020 chỉ ở mức 9,63-10,03%/năm, thấp hơn so với lãi suất năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 2,25% tổng dư nợ tín dụng, đảm bảo được an toàn tín dụng (nếu loại trừ nợ xấu của nhóm ngân hàng mua lại 0 đồng, thì tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 1,99%).
Trong đó, dư nợ tín dụng của các tập đoàn và doanh nghiệp BĐS ước khoảng 293.750 tỷ đồng, chiếm khoảng 13% tổng dư nợ tín dụng và tăng 5,9% so với cuối năm 2019 (tăng trưởng thấp hơn mức tăng dư nợ tín dụng BĐS 9,14% của cả nước). Trong đó, nợ xấu tín dụng của doanh nghiệp BĐS chiếm 2,7% tổng dư nợ BĐS, cao hơn tỷ lệ nợ xấu 2,25% của tổng dư nợ tín dụng, tuy vẫn còn trong ngưỡng an toàn, nhưng có tiềm ẩn rủi ro khi đáo hạn khoản vay.
Đáng quan ngại là trong số 293.750 tỷ đồng dư nợ tín dụng tiêu dùng, có khoảng 42% được sử dụng vào các mục đích có liên quan đến lĩnh vực BĐS, nhất là để kinh doanh BĐS, tiềm ẩn rủi ro về an toàn tín dụng đối với các khoản vay này.
Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn cao hơn tín dụng ngắn hạn, cho thấy các dự án đầu tư có tính chất trung dài hạn, trong đó chủ yếu là các dự án BĐS vẫn phụ thuộc và dựa chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng, do các kênh huy động vốn trung dài hạn từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, các quỹ đầu tư BĐS, các quỹ đầu tư tín thác BĐS (REITS) chưa phát triển đầy đủ để đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường. Đây là điều rất đáng quan ngại, vì có khả năng một số khoản vay tín dụng BĐS có nguy cơ chuyển thành nợ xấu và thị trường BĐS chưa đảm bảo phát triển ổn định và bền vững.
Về việc thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở theo gói 30.000 tỷ đồng trước đó theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, kết thúc vào năm 2016, đến nay trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chỉ còn dư nợ 2.872 tỷ đồng với 8.336 khách hàng. Trong đó, có 2 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội với dư nợ 118 tỷ đồng và 8.334 cá nhân, hộ gia đình còn dư nợ 2.754 tỷ đồng.
Đối với chương trình cho vay tạo lập nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh từ năm 2006 đến nay, Quỹ phát triển nhà ở trực thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện “Chương trình cho vay tạo lập nhà ở” cho các đối tượng chưa có nhà ở, là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, cán bộ công đoàn… với hạn mức vốn vay giai đoạn đầu là 400 triệu đồng/suất và được nâng dần, hiện nay suất vay là 900 triệu đồng/suất, lãi suất vay 4,7%/năm, thời gian vay tối đa là 20 năm. Đến nay, đã có 5.087 khách hàng được vay 2.403 tỷ đồng. Trong đó, năm 2019 đã giải ngân 339 tỷ đồng; năm 2020, đã giải ngân 440 tỷ đồng.
Đây là chính sách hỗ trợ tín dụng cho vay tạo lập nhà ở được đánh giá là tốt với TP. Hồ Chí Minh với mức ưu đãi về suất vay, lãi suất, thời gian vay cao hơn cả chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội hiện nay (tương tự như cách làm của một số nước phát triển thực hiện hỗ trợ tín dụng cho người mua căn nhà đầu tiên).
Tuy nhiên, mặt hạn chế của chính sách này là độ bao phủ còn thấp, trong 16 năm qua, mới có 5.087 người, chỉ bằng khoảng 1% lực lượng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, cán bộ công đoàn của thành phố được hỗ trợ tín dụng cho vay tạo lập nhà ở, nên đa số đối tượng rất khó tiếp cận nguồn vốn cho vay hỗ trợ nhà ở này.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.