Nằm liền kề với nội thành Thủ đô, xã Dương Xá (Gia Lâm - Hà Nội) có hệ thống chính trị, an ninh, trật tự ổn định; kinh tế phát triển theo hướng thương mại - xây dựng - dịch vụ; số hộ giàu, khá ngày càng tăng.
Vì vậy, địa phương đang nỗ lực để sớm về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao và tiến thẳng lên phường.
Rau, củ, quả đến mọi miền đất nước
Chị Dương Thị Phương ở thôn Thuận Quang (xã Dương Xá) cho biết, vào những năm 1990 – 1991, chị làm công nhân may. Vài năm sau, chị nghỉ việc đi buôn hành, tỏi, khoai tây; nguồn hàng chủ yếu lấy ở Nam Sách, Kinh Môn (Hải Dương), các địa phương lân cận Hà Nội và tại Dương Xá.
Các sản phẩm trên sau khi mua về được chị Phương bán cả hàng tươi và sơ chế quanh năm; ví như, chế biến thành tỏi chiên, hành sấy, khoai tây chiên. Tiêu thụ tại Hà Nội, các địa phương lân cận và đi khắp mọi miền đất nước. Trong đó, thị trường Hà Nội tiêu thụ nhiều nhất, vì có nhiều hàng ăn cần đến hành, tỏi khô như: hàng xôi, bánh cuốn, hàng phở, bún cua…
Công việc làm quanh năm, hàng tươi sống, vừa nhập, vừa bán trong ngày, vào thời vụ, mỗi ngày bóc khoảng 1 – 1,5 tấn hàng, sau đó thái nhỏ và chiên giòn. Hành chiên giá 150.000 đồng/kg; hành phơi khô 130.000 -150.000 đồng/kg; tỏi chiên 120.000 đồng/kg; hành tươi theo mùa vụ khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Sau nhiều năm buôn bán, thấy đầu ra ổn định, năm 2004, chị mở cơ sở chế biến và hoạt động cho đến nay. Đầu ra ngày càng rộng mở, nếu như trước đó chỉ 5 - 6 tạ hàng hoá/ngày, nay lên đến 1 - 1,5 tấn/ngày. Sản phẩm được sấy bằng máy công nghiệp, không phải dùng than như trước.
“Gia đình đã đầu tư dàn máy sấy 15 năm nay, với 5 loại máy (trên 2 tỷ đồng), ví như: máy chiên, máy rửa, máy thái, máy trộn, máy vắt. Công nhân chính thức có 7 người, với mức thù lao 10 triệu đồng/người/tháng; ngoài ra còn có 30 người bóc vỏ hành thủ công (giá 4,5 đồng/kg), khoảng 20 kg/người/ngày, với mức thù lao 70.000 đồng”, chị Phương cho biết thêm.
Cũng như chị Phương, anh Trần Văn Tuấn, Giám đốc HTX Rau sạch Chử Tâm (xã Văn Đức), cho biết, HTX thành lập năm 2020, có 7 thành viên. Tổ chức sản xuất hàng ngày cho 12 - 14 lao động, chuyên canh tác các loại rau ăn lá, củ quả VietGAP như: bầu, bí, mướp, su su, bắp cải; cà tím, cà rốt, củ cải, su hào…, bình quân mỗi ngày tiêu thụ trên 3 tạ.
Trước khi bắt tay vào sản xuất, HTX đã tổ chức khảo sát nguồn nước. Cung cấp thuốc BVTV, hạt giống, các loại phân bón hữu cơ, phân chuồng, phân vi lượng, lấy ở các đại lý có uy tín, để các thành viên yên tâm sản xuất. Đồng thời, HTX liên kết với các cửa hàng tiện ích đóng trên địa bàn, đảm nhận khâu đầu ra cho thành viên, với giá bán buôn 18.000 đồng/kg. Các thành viên sản xuất chủ yếu theo đơn đặt hàng của khách.
Về thu nhập, HTX tính công lao động cho thành viên, bình quân 200.000 đồng/ngày/8 giờ, cộng với công sơ chế 25.000 đồng/giờ. Thành viên có mức lương cao nhất trên 8 triệu đồng/tháng, thấp nhất 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện, HTX có trên 10.000m2 nhà lưới, công việc làm ăn trôi chảy, thuận tiện.
“Để tiêu thụ sản phẩm bền vững, thu nhập ổn định, HTX xác định việc giữ chân khách hàng rất quan trọng. Vì vậy, những gia đình đặt hàng thường xuyên/tháng, HTX chăm sóc tận tình, chu đáo, khách có thể đến lấy, hoặc giao hàng tận nhà (cộng thêm phí vận chuyển). Nếu người dân, công chức lấy hàng theo tuyến vào buổi sáng, thuộc khu vực Huyện uỷ, UBND huyện Gia Lâm, không mất chi phí vận chuyển.
Thời gian tới, chúng tôi còn mở rộng vùng trồng, liên kết chuỗi với một số đơn vị ở nội thành Hà Nội để nối rộng vòng tay tiêu thụ sản phẩm, hiện đang tiến hành các thủ tục truy xuất nguồn gốc”, anh Tuấn cho biết thêm.
Nỗ lực tiến lên phường
Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm - ông Nguyễn Tiến Hoàng cho biết: “Ngay sau khi được công nhận là xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020, cuối năm 2021, Dương Xá đã hoàn thành vượt mức 7/14 chỉ tiêu huyện giao, và 2/6 chỉ tiêu xã giao thêm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng, tỷ trọng nông nghiệp giảm mạnh. Tính đến đến cuối năm 2021, ngành dịch vụ đạt 49,22% (chỉ tiêu 42,86%); công nghiệp đạt 46,03% (chỉ tiêu 49,14%), nông nghiệp đạt 4,75% (chỉ tiêu 8,0%)”.
Ngoài ra, cũng theo ông Hoàng, mặc dù đến nay chưa có quy định cụ thể của UBND TP. Hà Nội về mô hình nông thôn thông minh, nhưng với quyết tâm hoàn thành xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 vào cuối năm 2022, Dương Xá quyết định xây dựng ít nhất 1 mô hình nông thôn thông minh. Hiện, thôn Thuận Quang đăng ký xây dựng mô hình “Làng nghề chế biến nông sản” thông minh tại thôn.
Mặt khác, xã cũng đã ban hành 5 văn bản, thành lập tổ công tác xây dựng mô hình “Thôn thông minh”, và “Làng nghề chế biến nông sản” Thuận Quang ngày 16/5/2022 về thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Thuận Quang.
Chú trọng tuyên truyền, vận động, biểu dương các hộ gia đình điển hình trong phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu. Đồng thời, ban hành tiêu chí xây dựng “thôn thông minh” và “làng nghề chế biến nông sản” Thuận Quang.
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, cho biết: “Việc xây dựng mô hình “Thôn thông minh” và “Làng nghề chế biến nông sản” thôn Thuận Quang là việc làm cần thiết để Dương Xá sớm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025, tiến tới thành lập phường. Ngoài ra, không chỉ thôn Thuận Quang, tới đây, nhiều thôn, tổ dân phố khác cũng sẽ xây dựng “Thôn thông minh”, hướng tới xã thông minh, để Dương Xá sớm hoàn thành xã NTM kiểu mẫu, gắn với các tiêu chí thành lập phường giai đoạn 2020 - 2025.
Về định hướng lâu dài, phải xây dựng “Điểm du lịch Dương Xá” thành địa chỉ đỏ, để du khách thăm quan di tích đền, chùa Nguyên phi Ỷ Lan, làng nghề chế biến nông sản Thuận Quang và mua sắm các sản phẩm OCOP về làm quà”.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.