Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 6 năm 2020 | 22:38

Gia tăng tình trạng phá rừng tự nhiên

Tình trạng người dân phá rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên nhằm mục đích trồng rừng mới đang gia tăng khi phần lớn diện tích rừng sản xuất là đất trống, đồi núi trọc đã được trồng rừng hết.

Thời gian gần đây, người dân phản ánh tại thôn Bản Pẻn, xã Dương Quang (TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) xuất hiện tình trạng phá rừng tự nhiên tại đây. Trong khu vực rừng người dân hay gọi là Khuổi Quén, một vạt rừng tự nhiên đã bị phá trụi. Một phần trong đó đã được người dân trồng rừng bằng các loại cây mỡ và gáo; phần còn lại chưa trồng và đang tiếp tục chặt phá mở rộng. 
 
Qua tìm hiểu được biết, diện tích rừng tự nhiên này được chủ rừng phá đi để trồng rừng mới. Việc chặt phá đã diễn ra một thời gian dài nhưng kiểm lâm địa bàn không hề hay biết. Chỉ đến khi phóng viên phản ánh, Hạt Kiểm lâm TP. Bắc Kạn mới cử cán bộ vào kiểm tra, xác minh. Qua đó, Hạt xác nhận, diện tích rừng bị phá nêu trên thuộc rừng sản xuất là rừng tự nhiên, không được phép cải tạo để trồng rừng theo chỉ đạo của Chính phủ. Hạt Kiểm lâm thành phố đã lập tức chỉ đạo triển khai kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm.
 
Hiệu quả từ rừng trồng lại trở thành nguyên nhân khiến người dân cố tình phát, phá cả rừng tự nhiên để trồng rừng. Như tại tổ Tân Cư, phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn), để lấy đất trồng rừng, riêng năm 2019, trong tổ đã xảy ra tới 29 vụ phá rừng như vậy. Phó hạt trưởng Kiểm lâm TP. Bắc Kạn Hà Văn Viên cho biết, diện tích rừng ở thành phố lớn nhưng chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng sản xuất được phép trồng thì đã trồng rừng hết, do vậy, nhiều hộ dân cố tình phá rừng phòng hộ hoặc rừng tự nhiên để trồng rừng. Từ năm 2019 tới nay, Hạt đã xử lý 36 vụ phá rừng để trồng rừng.
 
Tháng 6/2019, Hạt Kiểm lâm Chợ Đồn phát hiện trên địa bàn 15 thôn, bản ở xã Lương Bằng có tới 12 điểm phát, phá rừng trái pháp luật, với diện tích lên tới 4 ha nhằm mục đích để trồng rừng. Trước đó, trong tháng 4/2019, Hạt Kiểm lâm Chợ Đồn cũng phát hiện tại xã này có 4 điểm phát, phá rừng trái pháp luật ở thôn Bản Mòn, Khuôn Hên với diện tích hơn 1,3ha.
 
Tại huyện vùng cao Pác Nặm, tình trạng phá rừng để trồng rừng cũng diễn biến phức tạp. Từ đầu năm tới nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã xử lý 18 vụ, tăng 18 vụ so với cùng kỳ 2019.
 
Phó hạt trưởng Kiểm lâm Pác Nặm Nguyễn Đức Chức cho biết, rừng đã giao hết cho dân nhưng hiện tại người nhận khoán bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên chưa được nhận tiền khoán bảo vệ. Đồng bào nghèo, thiếu sinh kế bền vững trong khi hiệu quả từ rừng trồng thì lại rất rõ ràng. Do vậy, việc người dân phá rừng để trồng rừng thường xuyên xảy ra dù mỗi vụ diện tích bị phát, phá trái phép không lớn.
20cfc4bcd898c1f7917c8e875777660c.jpg
Hiện trường vụ phá rừng sản xuất là rừng tự nhiên ở xã Dương Quang (TP. Bắc Kạn) đầu tháng 6. (Nguồn: TUẤN SƠN - Báo Nhân Dân)
Điểm chung của những vụ phá rừng tự nhiên để trồng rừng là người dân phá rừng trên chính đất của mình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bình quân mỗi hộ phá 1-2 ha nhưng đều là vi phạm pháp luật, nhiều trường hợp phải khởi tố. Người dân cho rằng, đất rừng đã được cấp cho mình nhưng mức giao khoán bảo vệ thì rất thấp, trong khi những hộ khác được trồng rừng thì thu nhập cao nên đã cố tình phá để trồng mới.
 
Theo Chi Cục Kiểm lâm Bắc Kạn, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 203 vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp. Trong đó, riêng hành vi phá rừng tự nhiên để trồng rừng là 91 vụ gây thiệt hại hơn 27 ha rừng, tăng 74 vụ và hơn 24 ha rừng tự nhiên so với cùng kỳ, tập trung ở các huyện Chợ Đồn, Ngân Sơn và Pác Nặm. Các vụ vi phạm chủ yếu xảy ra trên diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên có trữ lượng thấp hoặc chưa có trữ lượng, diện tích vi phạm chủ yếu từ 300 đến dưới 5.000 m2. Các lô rừng bị phát, phá chủ yếu ở các khu vực xa dân cư, đường giao thông, nơi hẻo lánh… Lực lượng kiểm lâm đã tham mưu chuyển cơ quan điều tra 10 vụ; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh và các huyện xử phạt 16 vụ, còn lại xử lý theo thẩm quyền.
 
Bắc Kạn là tỉnh có phong trào trồng rừng thuộc diện hàng đầu cả nước, bình quân mỗi năm trồng mới từ 8.000 đến 10.000 ha, gần như đã phủ kín toàn bộ diện tích đất trống, đồi núi trọc. Ba năm gần đây, tỉnh đã phải chuyển dần sang trồng rừng phân tán do thiếu đất trồng rừng tập trung. Tuy nhiên, mức giao khoán bảo vệ rừng rất thấp, người dân giữ rừng nhưng nguồn lợi từ rừng không đáng kể, chênh lệch quá lớn so với người được trồng rừng. Đến nay, Bắc Kạn mới chỉ giao khoán bảo vệ được 16.000/160.000ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên với mức khoán 400 nghìn đồng/ha.
 
Chi Cục trưởng Kiểm lâm Bắc Kạn Nguyễn Hữu Thắng cho biết, đang có tình trạng người dân cố tình vi phạm khi hiệu quả xử phạt hành chính không cao. Bởi lẽ, mức phạt hiện rất cao, phát, phá từ 2.000 đến 2.500 m2 có thể bị phạt từ 50-75 triệu đồng, nhưng người dân không có đủ điều kiện để nộp phạt, nhiều gia đình thậm chí không có tài sản gì đáng giá. Trong khi đó, việc xử phạt bổ sung bằng cách thu hồi diện tích đất rừng thì lại chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai.
 
Hiện tại, ở Bắc Kạn còn xuất hiện tình trạng nhiều chủ rừng chuyển nhượng đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho người địa phương khác đến đầu tư phát, phá, trồng rừng nhưng Luật lâm nghiệp không quy định cụ thể về chuyển nhượng rừng sản xuất là rừng tự nhiên nên gây khó khăn cho công tác quản lý, thu hồi. Nguy cơ bùng phát phá rừng tự nhiên trong thời gian tới là rất cao nếu chính quyền địa phương, các ngành không quyết liệt. Do vậy, Kiểm lâm Bắc Kạn kiến nghị cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo vệ rừng; đề xuất cần nghiên cứu tham mưu thực hiện giải pháp thu hồi đất lâm nghiệp đối với chủ rừng được giao tài sản trên đất lâm nghiệp là rừng tự nhiên thuộc sở hữu Nhà nước nhưng chủ rừng phá rừng, tự ý chuyển sang mục đích khác. Đồng thời, Trung ương cần hỗ trợ cấp đủ, tiến tới nâng mức kinh phí giao khoán bảo vệ rừng.

Truy tố 7 bị can hủy hoại 10 ha rừng thông Lâm Hà

Trong một thời gian dài, các đối tượng đã hủy hoại rừng thông tại tiểu khu 292, lâm phần thuộc xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, gây thiệt hại 10ha, khối lượng 239m3 gỗ.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã hoàn tất cáo trạng, đề nghị xét xử 7 bị can trong vụ án hủy hoại 10 ha rừng thông tại Huyện Lâm Hà vào cuối tháng 4/2019.

Công an Lâm Đồng xác định Bạch Đình Kế và Nguyễn Quốc Huy cùng ngụ xã Tân Hà, Lâm Hà là những kẻ cầm đầu vụ phá rừng. Mục đích hủy hoại rừng là để chiếm đất, sau đó sang nhượng.

Kế mua khoan điện và thuốc diệt cỏcung cấp cho Diệm để Diệm đưa cho 5 đối tượng được thuê nhằm khoan lỗ vào thân cây thông và đổ thuốc diệt cỏ vào đó để đầu độc rừng thông. Những người phá rừng được Kế trả tiền công từ 500.000 - 700.000 đồng/ngày hoặc 30 triệu đồng/ha.

1fc39.jpg
Đối tượng Diệm đang thực hiện lại quá hủy hoại rừng thông. Ảnh: Báo Giao thông (Theo VTV)

Với loại thuốc diệt cỏ cực độc mà 3 đối tượng tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng dùng để bơm vào thân cây, đã có hơn 10ha rừng bị xâm hại, trong đó có hơn 3.000 cây thông có đường kính từ 20 - 40cm đã dần chuyển sang màu chết.

Theo số liệu từ ban quản lý rừng cung cấp, có đến 3.400 cây thông đã bị "bức tử" theo cách này. Số lượng cây thông bị đầu độc lên tới hàng ngàn cây, tập trung tại một khu vực chứ không phân bố nhỏ lẻ. Thế nhưng, sự việc này mãi không bị phát hiện.

 

Khởi tố vụ án hủy hoại rừng tại thị xã Hương Trà

Các đối tượng phá rừng đã lợi dụng thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19, tiến hành chặt hạ, đốt phá rừng tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Mới đây, ngày 15/6, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà Ngô Hữu Phước đã ký quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng xảy ra tại phường Hương Vân, thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên-Huế) vào khoảng tháng 4/2020, theo khoản 2, Điều 243, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Vị trí rừng bị xâm hại chặt phá xảy ra tại lô 20, khoảnh 2, Tiểu khu 109 và lô 3, khoảnh 7, Tiểu khu 108, với tổng diện tích rừng thiệt hại khoảng 2,6ha.

Theo Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà, đây là rừng tái sinh do phường Hương Vân quản lý và giao khoán cho người dân bảo vệ, được hưởng phí dịch vụ môi trường rừng.

huy_hoai_rung.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN - Theo: vietnamplus.vn)

Tại hiện trường, diện tích rừng trên đã bị các đối tượng chặt hạ, đốt phá và tiến hành trồng cây keo. Các đối tượng phá rừng đã lợi dụng thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19, tiến hành chặt hạ, đốt phá diện tích rừng trên.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà Ngô Hữu Phước cho biết quyết định khởi tố vụ án căn cứ vào kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm và các tài liệu, chứng cứ đã thu thập trên cơ sở những quy định của pháp luật, góp phần đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa những kẻ phá rừng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top