Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 4 năm 2019 | 13:29

Giải pháp để XK gỗ đạt mục tiêu: Doanh nghiệp là trung tâm

Để trở thành “người khổng lồ” của ngành đồ gỗ thế giới, Việt Nam chỉ có thể dựa vào năng lực lõi với nguồn nguyên liệu rừng trồng hợp pháp, công nghệ chế biến ngày càng hiện đại và nguồn nhân lực có kỹ năng, thay đổi tư duy trong sản xuất, xây dựng thương

002.JPG
Sản xuất ván sàn xuất khẩu sang Mỹ tại Công ty Ván sàn Sao Nam - Bình Dương. Ảnh: Khoa Tư

 

Vươn lên mạnh mẽ nhưng...

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện, Việt Nam có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là doanh nghiệp tư nhân, 3,5% là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong nước chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ. Điều này cho thấy, doanh nghiệp trong nước đang vươn lên mạnh mẽ.

Cả nước hiện có 867 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động trong ngành gỗ, với tổng vốn đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI chủ yếu hoạt động trong mảng chế biến đồ gỗ xuất khẩu, tiếp đến là mảng công nghiệp phụ trợ và sản xuất ván.

Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là các quốc gia có số lượng dự án đầu tư vào ngành gỗ lớn nhất. Số doanh nghiệp FDI của 3 quốc gia này chiếm 63% trong tổng số các doanh nghiệp FDI của toàn ngành. Số doanh nghiệp FDI của Nhật Bản đứng thứ 3 nhưng có tỷ trọng nguồn vốn đăng ký đứng thứ 2.

Bình Dương là địa phương có số lượng doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành gỗ lớn nhất, chiếm gần 53% trong tổng các doanh nghiệp FDI, tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh 10,4% và Đồng Nai 9%.

Trong số các doanh nghiệp FDI hiện đang hoạt động, có 529 doanh nghiệp, chiếm 61% tổng số doanh nghiệp FDI trực tiếp có hoạt động xuất khẩu. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp này đạt gần 4 tỷ USD, chiếm gần 47% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành gỗ.

Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Forest Trends, con số gần 47% là tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ, nhỏ hơn rất nhiều so với con số về kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI nói chung (72%).

Điều này cho thấy, các doanh nghiệp của Việt Nam trong ngành gỗ đã có những nỗ lực và vai trò rất lớn trong xuất khẩu. Tuy nhiên, so sánh ở góc độ khác, các doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu chỉ chiếm gần 20% trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nhưng chiếm gần 47% trong tổng kim ngạch. Còn lại là các doanh nghiệp Việt Nam, chiếm 53% trong tổng kim ngạch gỗ và sản phẩm gỗ.

“Khát” nhân lực chất lượng cao

Một trong những thách thức lớn nhất, khiến nhiều doanh nghiệp ngành gỗ trong nước chưa theo kịp được các doanh nghiệp FDI là chất lượng nguồn nhân lực thấp, chủ yếu là lao động phổ thông. Nhu cầu nhân lực cho ngành này liên tục tăng hàng năm và luôn trong tình trạng “khát” nhân lực.

Kỹ sư Trần Huy Dũng (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam) cho biết, ngành gỗ có khoảng 5% lao động có trình độ đại học, trên đại học, công nhân kỹ thuật chiếm khoảng 30%, còn lại là lao động phổ thông. Đây là hạn chế không nhỏ, trong quá trình cạnh tranh của ngành gỗ, khi bước vào giai đoạn công nghiệp hóa hiện nay.

Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng”, dân số ở độ tuổi lao động chiếm khoảng 70%, là nguồn lao động dồi dào cho tất cả các ngành sản xuất, đặc biệt là ngành gỗ có liên quan đến sản xuất nông - lâm nghiệp, nhưng trong thời gian qua, ngành gỗ vẫn thiếu lực lượng lao động chất lượng cao.

GS.Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, khuyến nghị, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành gỗ cần có 3 giải pháp cơ bản, đó là: Tập trung xây dựng các trường đại học nghiên cứu trọng điểm của quốc gia về lâm nghiệp, đạt trình độ quốc tế; đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm nhân lực trình độ cao; nhanh chóng tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các trường của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Tạo dựng thương hiệu thay cho cần mẫn!

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty AA, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy kiếm tiền bằng sự cần mẫn trong sản xuất, lấy công làm lãi sang xây dựng thương hiệu cho riêng mình.

“Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, ngành gỗ sẽ có thay đổi mạnh mẽ, bắt đầu từ sự dịch chuyển sản xuất từ các nước đến Việt Nam. Nhiều cơ hội về thị trường đầu tư tài chính, thương mại, thiết kế, nguyên liệu, thiết bị, marketing… được hội tụ về Việt Nam. Những lực đẩy từ nhu cầu thế giới sẽ sớm đòi hỏi ngành chế biến gỗ Việt Nam phải phát triển hơn nữa để đáp ứng nhu cầu mới”, ông Khanh chia sẻ.

Theo nhận định của Chủ tịch HAWA, năm 2019 là thời điểm của ngành công nghiệp đồ gỗ và nội thất Việt Nam, hội tụ các yếu tố cần thiết để tạo sự đột phá, trở thành ngành mũi nhọn và hướng tới hình thành trung tâm gỗ - nội thất của thế giới tại Việt Nam.

Cơ hội và thách thức

Giám đốc Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc, ông Phan Thiên Hải, doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ, cho biết, xuất khẩu gỗ vào Mỹ đang có nhiều thuận lợi. Sẽ có một khoảng trống tại thị trường Mỹ khi doanh nghiệp Trung Quốc gặp hạn chế trong xuất hàng qua Mỹ. Doanh nghiệp gỗ Việt Nam như chúng tôi đang nỗ lực để tiếp cận và lấp khoảng trống ấy.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo ra lợi thế cho Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường, tuy nhiên, ngành gỗ cũng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực. Dự báo sẽ có làn sóng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc lựa chọn Việt Nam là quốc gia trung chuyển, xây dựng nhà xưởng, sản xuất sản phẩm xuất đi Mỹ, dẫn đến nguy cơ sản phẩm gỗ xuất xứ từ Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá, gian lận thương mại...

Một thách thức khác, theo ông Bùi Như Việt, Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Long Việt là vấn đề mặt bằng nhà xưởng. Doanh nghiệp gỗ muốn tăng trưởng mạnh cần có mặt bằng nhà xưởng lớn. Hiện nay, để đem về doanh thu 9,4 tỷ USD, nhà xưởng của các doanh nghiệp đã chật kín. Do đó, cần có thêm khu công nghiệp chuyên cho ngành gỗ mới xây dựng được chuỗi sản xuất, từ đó ứng dụng công nghiệp 4.0 để có sản lượng lớn, số lượng lớn.

Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, ngành gỗ cần có sự thay đổi cơ bản, chuyển hướng từ xuất khẩu các sản phẩm thô sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành phải có sự thay đổi đồng bộ, từ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển mẫu mã thiết kế đến xây dựng hình ảnh, thương hiệu.

Nhiệm vụ Thủ tướng giao  

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã “đặt hàng” với ngành Nông nghiệp, trong 10 năm tới Việt Nam phải lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, là trung tâm hàng đầu thế giới về chế biến, xuất khẩu gỗ. Hiện thị phần xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm 6%, trong khi toàn thế giới nhu cầu đồ gỗ lên tới 430 tỷ USD, giá trị thương mại nội thất, ngoại thất 150 tỷ USD. “Vậy đến năm 2030, chúng ta sẽ đạt được 30% hay 50% thị phần và làm thế nào để đạt được mục tiêu này? Đây là câu hỏi lớn, chiến lược lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đề nghị, ngoài ngành Nông nghiệp, các địa phương cũng cần phải nghiên cứu hợp lý về chiến lược trồng rừng, chế biến xuất khẩu gỗ.

Về mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 11 tỷ USD năm nay, theo Thủ tướng: “Làm thế nào biến Việt Nam trở thành công xưởng xuất khẩu đồ gỗ thế giới. Một câu hỏi lớn, chứ không phải kim ngạch xuất khẩu  trên dưới 10 tỷ USD mà chúng ta đã thoả mãn rồi, đó là thỏa mãn non”.

Gợi ý cho một số câu hỏi trên, Thủ tướng yêu cầu ngành gỗ cần nhận diện đầy đủ về tiềm năng, lợi thế để phát huy, tận dụng, nắm bắt thời cơ để phát triển bền vững, đạt hiệu quả. Về cơ chế chính sách, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương có nhiều nỗ lực triển khai một số giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố để có nguồn nguyên liệu đủ lớn, hợp pháp từ rừng trồng cho sản xuất đồ nội thất xuất khẩu, giúp doanh nghiệp liên tục xuất siêu ở mức cao. Đây là cơ sở hình thành bản sắc riêng, niềm tự hào quốc gia.

Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản nâng cấp, ứng dụng khoa học công nghệ cao, đổi mới thiết bị sản xuất, thiết kế mẫu mã, mỹ thuật, tận dụng được tối đa nguyên liệu, tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Vấn đề nữa được Thủ tướng đưa ra, đó là cần quan tâm đúng mức đến việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và cả thương hiệu quốc gia trong ngành gỗ...

 

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 3 ước đạt 872 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quí I đạt khoảng 2,3 tỷ USD, tăg 15,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ, chiếm gần 80% tổng giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh nhất so với các thị trường khác, cao hơn 34% so với cùng kỳ năm 2018.

 

Bài 3: Nâng cao đời sống người trồng rừng

 

 

 

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top