Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 23 tháng 9 năm 2020 | 22:6

Giải pháp nào để nông nghiệp Tuyên Quang có nhiều đột phá?

Xác định nông nghiệp là lĩnh vực rất quan trọng nên Đảng bộ nhiều huyện ở  Tuyên Quang đã lựa chọn nhiệm vụ đột phá là phát triển nông nghiệp.

Hiện nay, các huyện đang xây dựng kế hoạch, có các giải pháp triển khai cụ thể, tập trung khai thác tiềm năng, phát triển sản xuất sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn với nhiều sản phẩm chủ lực, có vị trí vững chắc trên thị trường tiêu thụ trong nước.

 

1.jpg

Từ trồng cam, Hàm Yên có khoảng 60-70 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng.

 

Phát triển cây, con thế mạnh theo hướng hàng hóa

Ông Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, khẳng định, trong những năm qua, tỉnh đã đánh giá, đưa ra những quyết sách có tính chiến lược trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Những cây cam, chè, bưởi, lạc, gỗ rừng trồng; con trâu, con lợn và con cá đặc sản có lợi thế, sức cạnh tranh cao được quan tâm đầu tư, phát triển bài bản.

Từ nền sản xuất nông - lâm nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, đời sống của đại bộ phận người nông dân gặp không ít khó khăn, thậm chí không ít hộ bỏ ruộng, bỏ rừng thì nay họ trở thành ông chủ rừng, ông chủ trang trại, tạo việc làm cho nhiều lao động khu vực nông thôn.

Tuyên Quang có 42 sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và từ địa phương chưa có tên trong bản đồ các sản phẩm nông nghiệp, giờ đã vươn tầm đứng vào Top đầu khu vực miền núi phía Bắc, với giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm tăng khoảng 4,19%/năm. Một số sản phẩm của tỉnh đã có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý như: Bưởi Phúc Ninh (Yên Sơn), cam sành Hàm Yên (2 lần được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”).

Đặc biệt, gần đây, ngành nông nghiệp Tuyên Quang đạt được nhiều kết quả, nhiều sản phẩm chủ lực xây dựng được thương hiệu, mang lại kinh tế cao, hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, tỷ lệ che phủ rừng trên 65%, đứng top đầu cả nước về diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC với trên 27.755ha.

 

anh-tq.jpg

Trong 5 năm qua (2015 - 2020), giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh tăng bình quân trên 4,3%/năm. Nhiều cây trồng, vật nuôi sản xuất thành vùng hàng hóa, an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với nhu cầu thị trường. Một số cây trồng đạt giá trị cao như: cam 197 triệu đồng/ha, bưởi 170 triệu đồng/ha, lạc 131,7 triệu đồng/ha.

Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; thực hiện kiên cố hóa 1.004km kênh mương; xây dựng 934 nhà văn hóa xã, thôn, tổ dân phố; bê tông hóa 633 km đường giao thông nội đồng. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 46 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt trên 15 tiêu chí/xã.

Ông Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang, cho biết, sản xuất nông nghiệp của huyện đã có bước đột phá trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng trên 5%/năm. Tỷ lệ che phủ rừng cao nhất tỉnh, trên 78%.

Huyện có 04 sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa; 03 sản phẩm được cấp chứng nhận sản suất theo tiêu chuẩn VietGAP; 01 sản phẩm Chè Shan tuyết Hồng Thái được chứng nhận sản suất theo tiêu chuẩn hữu cơ (Organic). Na Hang có 05 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao, đây là những sản phẩm nông sản tiêu biểu, đặc trưng, đặc sản riêng của huyện.

Ông Đỗ Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết, giá trị ngành nông, lâm, thủy sản của huyện đạt 2.282 tỷ đồng. Trong đó, huyện có vùng sản xuất cam sành trên 7.000ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm, giá trị từ 800 - 1.000 tỷ đồng/năm. Từ trồng cam, khoảng 60-70 hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng, 170 - 180 hộ thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hàng trăm hộ có thu nhấp dưới 500 triệu đồng.

Huyện có diện tích lâm nghiệp, chè, chăn nuôi trâu, bò và một số sản phẩm đặc sản khác bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao. Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện, hiện đạt trên 31 triệu đồng/người/năm. Dự kiến hết năm 2020, huyện còn 12,8% hộ nghèo; 6/17 xã đạt chuẩn NTM.

Theo ông Phạm Ninh Thái, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, huyện đã quy hoạch, hình thành 04 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá, gắn với phát triển kinh tế trang trại và gia trại, tập trung vào các sản phẩm chủ lực. Đã xây dựng 17 sản phẩm nhãn hiệu hàng hóa, trong đó 10 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Giai đoạn 2015-2020, huyện trồng trên 16.000ha rừng, trong đó có hơn 10.700ha được cấp chứng chỉ FSC. Xây dựng Cụm công nghiệp chế biến gỗ nhằm liên kết các hộ trồng rừng với doanh nghiệp, từ đó nâng cao giá trị rừng trồng. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt trên 1.780 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân đạt trên 37 triệu đồng/người/năm.

 

2.jpgNgười dân thôn Pắc Củng, xã Thượng Nông (Na Hang) hái chè Shan Tuyết.  Ảnh: Thái Sơn.

Giải pháp tạo khâu đột phá

Ông Tô Viết Hiệp cho biết, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện đề ra, Na Hang sẽ tập trung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sắp xếp hợp lý giữa trồng trọt và chăn nuôi, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng, từng địa bàn, từng xã.

Ưu tiên thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển cây chè, cây đậu tương, đậu xanh, lúa nếp, rau trái vụ, cây dược liệu quý. Phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm tập trung theo chuỗi giá trị. Khai thác hợp lý nguồn lợi thuỷ sản, với việc nuôi các loài cá đặc sản trong lòng hồ thuỷ điện theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, gắn với xây dựng nhãn hiệu sản phẩm.

Thực hiện tốt các đề án phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, gắn với thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm-OCOP”. Đến năm 2025, phấn đấu có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Đỗ Văn Hòa cho biết, thời gian tới, Hàm Yên huyện sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản hàng hóa, nâng cao hiệu quả và thu nhập, tập trung một số sản phẩm chủ lực. Tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với doanh nghiệp, HTX, tổ chức tín dụng…, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Còn theo ông Phạm Ninh Thái, để thực hiện tốt khâu đột phá trong nông nghiệp, Yên Sơn  sẽ đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông, lâm nghiệp, các sản phẩm sản xuất đạt quy chuẩn VietGAP, hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, từ đó tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, Yên Sơn có 20/28 xã đạt chuẩn NTM.

Thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”. Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực của huyện. Hình thành và nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, các loài cá đặc sản gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm đặc trưng của huyện và phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

 

3.jpg
Thời gian tới, Yên Sơn sẽ nhân rộng mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo.

 

Khi đã là ý chí

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Việt cho biết, xác định nông nghiệp là lĩnh vực rất quan trọng nên Đảng bộ các huyện đã lựa chọn nhiệm vụ đột phá là phát triển nông nghiệp. Khi đã chọn đột phá đưa vào trong văn kiện đại hội là đã đưa vào ý chí, nguyện vọng của đảng bộ huyện, lúc này cả hệ thống chính trị sẽ phải tập trung vào cuộc.

Để hoàn thành các nhiệm vụ này, nếu có thể, các huyện ban hành Nghị quyết chuyên đề, nếu không, phải xây dựng chương trình hành động, ban hành kế hoạch có lộ trình cụ thể, từng nội dung công việc một, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu. Công tác kiểm tra đánh giá phải thường xuyên, từ đó rút ra những bài học, cách làm sáng tạo để nhân rộng.

Không chỉ 5/7 huyện chọn nông nghiệp là khâu đột phá, trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Tuyên Quang cũng xác định khâu đột phá là “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Qua đây có thể thấy, tỉnh Tuyên Quang rất quan tâm, xác định được tiềm năng, vai trò, chiến lược của ngành nông nghiệp. Hy vọng, những năm tới ngành nông nghiệp Tuyên Quang sẽ tạo ra những bứt phá, tiếp tục khẳng định được vị thế, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân.


 


 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Lai Châu: Đưa cây sâm trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia

    Lai Châu: Đưa cây sâm trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia

    Tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng sâm đạt khoảng 3.000ha, sản lượng khoảng 30 tấn/năm; đến năm 2035, trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Vừa qua, trong khuông khổ của Hội chợ Nông nghiệp Mekong Agri Expo 2024 ở Đồng Tháp, tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là một hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

  • Bến Tre cần khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa

    Bến Tre cần khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa

    Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất nước với khoảng 78.000 ha, với diện tích này, tỉnh có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2. Với giá bán khoảng 5 USD/tấn CO₂, có thể mang lại thu nhập thường xuyên cho người dân trồng dừa nơi đây.

Top