Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020), sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, mở rộng sản xuất hàng hóa.
Theo đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng bình quân 4,17%/năm, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân tiếp tục được nâng cao.
Những con số biết nói
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, thể hiện qua những con số cụ thể. Sản xuất trên 3 triệu cây giống lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô, hỗ trợ nhân dân trồng trên 2.800ha rừng bằng cây keo mô; trồng 432ha cam chu kỳ 2 bằng giống cam ghép sạch bệnh; tuyển chọn giống bưởi, chè chất lượng cao, phục tráng giống lúa đặc sản, giống lạc…
Nâng tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật, giống chất lượng cao được gieo cấy đạt trên 90% diện tích; thụ tinh nhân tạo trên 3.200 con trâu, trên 500 con nghé đẻ ra, trọng lượng nghé sơ sinh cao hơn từ 10-15% so với sinh sản thông thường; xây dựng trên 1.000km kênh mương bằng công nghệ bê tông thành mỏng đúc sẵn.
Mở rộng sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn, có trên 1.690ha cây trồng sản xuất nông nghiệp tốt; trên 15.000m3 lồng nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP; 25.366ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC, cao nhất toàn quốc. Toàn tỉnh hiện có 47 nhãn hiệu nông sản hàng hóa; 23 cơ sở được xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn và trên 100 cơ sở, hộ gia đình dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm an toàn.
Về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, trong 5 năm đã tăng 25 doanh nghiệp, 501 trang trại, 194 hợp tác xã nông lâm nghiệp, thủy sản. Thu hút 30 dự án đầu tư nông nghiệp, nông thôn với tổng số vốn cam kết trên 5.900 tỷ đồng. Sửa đổi, ban hành 10 chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn; ngân sách hỗ trợ trên 500 tỷ đồng để thực hiện các chính sách.
Trong giai đoạn 2016-2020, sản xuất nông nghiệp của tỉnh duy trì tăng trưởng khá, tăng bình quân 4,17%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước khoảng 3%); GRDP khu vực nông nghiệp của tỉnh đứng thứ 3/11 tỉnh miền núi phía Bắc. Các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi chủ lực tiếp tục phát triển mạnh, hiệu quả, như: Vùng cam tập trung 7.557,5ha; chè 8.588ha; mía 4.540ha; lạc trên 4.500ha; năng suất các cây trồng chủ lực tăng bình quân hàng năm từ 1-5%.
Chăn nuôi chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa; chăn nuôi trang trại, gia trại, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường được mở rộng. Nuôi cá lồng trên sông, trên hồ thủy điện ngày càng phát triển. Sản xuất lâm nghiệp là một trong những tỉnh có công nghiệp chế biến gỗ tiên tiến, tỷ lệ che phủ rừng 65%. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2020 ước đạt gần 1.200 tỷ đồng.
Giá trị hàng hoá chủ lực chiếm trên 62% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản; thu nhập và đời sống của người dân tiếp tục được nâng lên, góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến trình và chất lượng xây dựng nông thôn mới.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh theo tinh thần chủ động, quyết tâm, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả. Dự kiến, đến hết năm 2020 có trên 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 32,6%), tiếp tục rà soát, lựa chọn bổ sung số xã đưa vào kế hoạch đăng ký hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 (dự kiến vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra).
Nhiệm vụ trọng tâm
Giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp Tuyên Quang đề xuất gắn mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU với tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Trọng tâm ngành nông nghiệp Tuyên Quang sẽ thực hiện một số nhiệm vụ, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững theo hướng nâng cao chất lượng giá trị gia tăng, trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất hữu cơ, công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với mục tiêu “giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”.
Thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ; nâng cao hiệu quả ngành lâm nghiệp, chế biến gỗ xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu bền vững.
Đổi mới nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất hàng hóa gắn với du lịch sinh thái, phát triển mạnh các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; Phát huy giá trị của du lịch nông nghiệp để tăng thu nhập cho người nông dân, xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững trên cơ sở kết hợp mô hình trang trại quy mô vừa và nhỏ với kinh tế hộ gia đình...
Một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp Tuyên Quang đến năm 2025 Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4,5%/năm. Tỷ lệ che phủ rừng trên 60%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%. Giá trị sản xuất bình quân/ha canh tác đất sản xuất nông nghiệp năm 2025 đạt 120 triệu đồng/ha. Sản lượng chè búp tươi trên 70.000 tấn; sản lượng mía trên 660.000 tấn; sản lượng lạc 14.600 tấn; sản lượng cam trên 100.000 tấn. Chăn nuôi: Đàn trâu tăng 1%/năm; đàn bò tăng 5%/năm; đàn lợn tăng 4%/năm; đàn gia cầm tăng 6%/năm. Sản lượng thủy sản trên 15.000 tấn. Trồng rừng tập trung bình quân 9.500ha/năm. Năng suất gỗ rừng trồng bình quân trên 17m3/năm. Duy trì độ che phủ của rừng ổn định trên 60%. Duy trì, giữ vững thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện; trên 67% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu/tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.