Sau 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt, nhiều mặt hàng đang dần chuyển sang sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, phục vụ cho chế biến gắn với thị trường.
Tổng giá trị ngành nông nghiệp Tuyên Quang năm 2015 đạt 6.846,7 tỷ đồng
Bắt tay triển khai Đề án, UBND tỉnh Tuyên Quang đã thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất hàng hóa ở 5 lĩnh vực chính của ngành nông nghiệp; ban hành một số chính sách hỗ trợ cho các hộ dân trong quá trình thực hiện như: phát triển trang trại, sản xuất hàng hóa đối với một số loại cây trồng, vật nuôi…
Đến nay, ngành nông nghiệp Tuyên Quang đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hết năm 2015, vùng cam hàng hóa đạt 5.490ha, sản lượng 45.000 tấn, giá trị đạt trên 500 tỷ đồng. Diện tích chè duy trì ổn định trên 8.000ha, sản lượng búp tươi 63.000 tấn, giá trị đạt trên 300 tỷ đồng. Thâm canh cây mía nguyên liệu đạt 11.600ha, sản lượng mía cây 691.000 tấn, giá trị đạt 621 tỷ đồng.
Cơ cấu cây trồng từng bước được thay thế bằng những giống mang lại hiệu quả cao, trồng trên diện rộng như: giống lúa lai gieo cấy đạt trên 85% diện tích; tỷ lệ chè lai, chè đặc sản tăng từ 47,2% (năm 2013) lên 50,26% cơ cấu giống (năm 2015). Thu nhập từ trồng trọt đạt 60 triệu đồng/ha. Tổng giá trị trong lĩnh vực trồng trọt (theo giá so sánh năm 2010) đạt 3.581,7 tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm 2013, theo giá hiện hành đạt 4.330 tỷ đồng, chiếm 55,3% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Lĩnh vực chăn nuôi đang chuyển dịch theo hướng tập trung quy mô trang trại, gia trại. Hiện, Tuyên Quang có 170 trang trại chăn nuôi, tăng 140 trang trại so với năm 2013, có nhiều hộ chăn nuôi có quy mô 300 - 500 lợn thịt/lứa, 2.000 - 3.000 con gia cầm/lứa; tổng đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh, sản lượng thịt hơi năm 2015 đạt trên 56.000 tấn, sản lượng sữa bò tươi đạt khoảng 13.000 tấn. Giá trị trong lĩnh vực chăn nuôi theo giá hiện hành đạt 3.411,8 tỷ đồng, chiếm 43,5% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Phát huy thế mạnh của mình, Tuyên Quang tập trung nâng cao năng suất, giá trị và hiệu quả rừng trồng. Năm 2015, toàn tỉnh trồng mới 13.800ha rừng tập trung và tổ chức khai thác, tiêu thụ 660.000m3 gỗ. Cùng với tiềm năng nguồn nước mặt lớn, nghề nuôi cá lồng đang phát triển mạnh, nhất là những loài cá đặc sản như: cá lăng chấm, cá chiên. Năm 2015, toàn tỉnh có 1.285 lồng cá, trong đó có 400 lồng nuôi cá đặc sản. Sản lượng cá toàn tỉnh đạt trên 6.800 tấn với tổng giá trị sản phẩm thủy sản đạt hơn 290 tỷ đồng.
Thực hiện chương trình cơ giới hóa trong sản xuất, đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 40.806 thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, tỷ lệ cơ giới hóa các khâu sản xuất đối với các loại cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh đạt 46,5%. Từ năm 2013 đến nay, Tuyên Quang đã đầu tư xây mới và sửa chữa nâng cấp 134 công trình thủy lợi; kiên cố hóa được 176,7km kênh mương, đưa tổng chiều dài kênh mương cứng hóa trên 2.000km, đáp ứng 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cấy lúa cả năm và 60% diện tích vụ đông.
Đến hết tháng 5/2016, tổng nhu cầu vay vốn có hỗ trợ lãi suất toàn tỉnh đạt 446,3 tỷ đồng, đã giải ngân cho vay vốn 126,5 tỷ đồng. Hỗ trợ cho 163 trang trại vay vốn sản xuất; hỗ trợ sản xuất theo VietGAP cho 4 trang trại, nâng tổng số trang trại toàn tỉnh lên 427 trang trại, tăng 278 trang trại so với cuối năm 2014.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang, để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian tới, Sở sẽ tham mưu với tỉnh triển khai các giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý nghĩa về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tổ chức lại sản xuất, gắn với thị trường, từng bước chuyên môn hóa để đảm bảo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp, chú trọng vai trò thị trường để nâng cao giá trị mặt hàng nông sản. Kiên trì bám sát mục tiêu sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, đổi mới phương thức hoạt động của HTX, tổ hợp tác trên các lĩnh vực. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến nông, lâm, ngư nghiệp. Đưa nhanh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, có giá trị thương phẩm cao vào sản xuất. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở thị trường liên kết giữa các vùng miền, tạo thuận lợi tiêu thụ và khuyến khích sản xuất phát triển.
P.V
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.