Sau gần 7 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Giao Thủy (Nam Định) đã đạt được những kết quả tích cực, tạo được sự chuyển biến trong đời sống người dân; nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện.
Sau gần 7 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Giao Thủy (Nam Định) đã đạt được những kết quả tích cực, tạo được sự chuyển biến trong đời sống người dân; nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Mai Thanh Long, Chủ tịch UBND huyện xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của Chương trình XDNTM trên địa bàn huyện Giao Thủy thời gian qua?
Những năm qua, nền kinh tế của huyện Giao Thủy phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2016 đạt 11,3%, thu nhập bình quân tăng gấp 2,6 lần (từ 14,8 triệu đồng năm 2011 lên 38,52 triệu đồng năm 2017). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp và giảm tương đối các ngành nông, lâm, thủy sản. Năm 2011, cơ cấu nông, lâm, thủy sản chiếm 45,4%; công nghiệp, xây dựng 15,8%; dịch vụ 38,8%; đến năm 2017 cơ cấu nông, lâm, thủy sản còn 36,68%, công nghiệp - xây dựng lên 19,97% và dịch vụ lên 43,35%.
Thực hiện Chương trình XDNTM, giai đoạn 2011-2015, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng, đoàn thể quần chúng từ huyện đến cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động như tuyên truyền vận động, thành lập ban chỉ đạo các cấp, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện... Cuối năm 2011, Giao Thủy hoàn thành công tác lập quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch XDNTM và đề án XDNTM ở 20 xã giai đoạn 2010 - 2015.
Đến năm 2013 huyện đã thực hiện thành công dồn điền đổi thửa, xóa bỏ ruộng manh mún, là một trong những huyện hoàn thành sớm nhất tỉnh. Theo đó, nhân dân trong huyện đã tự nguyện góp 391ha đất làm hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, sau dồn đổi bình quân chỉ còn 1,5 thửa/hộ, giảm 0,81 thửa/hộ so với trước.
Tính đến tháng 12/2017, Giao Thủy có 20 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 100%. Huyện cũng đã hoàn thành 9/9 tiêu chí NTM, đang hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ thẩm định công nhận. Nhìn chung, việc triển khai XDNTM đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân. Nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện và là định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhận thức, trách nhiệm của nhân dân được nâng lên, nhân dân đã dần xác định được mình là chủ thể chính trong XDNTM nên tự nguyện tham gia các phong trào vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp, tăng gia sản xuất phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa. Qua đó góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, an ninh trật tự xã hội ngày càng ổn định.
Đâu là những tồn tại, hạn chế của chương trình này tại Giao Thủy, thưa ông?
Trong quá trình triển khai, cấp cơ sở chưa thực sự coi trọng thực hiện toàn diện các tiêu chí XDNTM, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nhận thức chưa đầy đủ về nội dung, phương pháp, cách làm. Việc triển khai tổ chức thực hiện chương trình ở một số địa phương còn lúng túng, thiếu đồng bộ, một số nội dung bị chậm. Nguồn lực thực hiện XDNTM chủ yếu vẫn dựa vào hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và nhân dân đóng góp để xây dựng. Công tác phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho người dân chưa đáp ứng yêu cầu. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp mặc dù được quan tâm chỉ đạo xây dựng nhưng chưa được mở rộng, chưa thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của người dân.
Nguyên nhân của tình trạng này là do một số cấp ủy chính quyền địa phương chưa nhận thức được đúng vị trí, vai trò và ý nghĩa của chương trình. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành đôi khi còn thiếu kịp thời, chặt chẽ, nhất là thời kỳ đầu thực hiện chương trình.
Những sáng tạo mang sắc thái riêng của huyện trong Chương trình XDNTM là gì, thưa ông?
Giao Thủy chủ trương xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản liên kết chuỗi giá trị. Hiện, toàn huyện có 52 trại sản xuất giống thủy sản các loại. Điển hình là mô hình sản xuất giống và nuôi ngao luân canh với tôm thẻ chân trắng của ông Lê Văn Hưng ở xóm 19, xã Giao An, quy mô trang trại giống gần 20ha và 70ha bãi nuôi ngao thương phẩm, hàng năm trang trại sản xuất khoảng 6 - 10 tỷ ngao giống. Ngoài cung cấp cho cơ sở ương nuôi trong tỉnh, trang trại của ông Hưng còn cung cấp ra các tỉnh, thành phố như Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An... Doanh thu hàng năm đạt khoảng 30 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Bên cạnh đó, mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại 5 xã vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy bắt đầu triển khai tại xã Giao Xuân vào năm 2006. Đến nay, mô hình đang được nhân rộng ra các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Hải tạo thành mạng lưới cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái, trung bình hàng năm thu hút trên 25.000 lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Đoàn công tác của Trung ương vừa tiến hành thẩm định công tác XDNTM của Giao Thủy để công nhận là huyện NTM. Dự kiến Giao Thủy sẽ trở thành huyện NTM thứ 5 của tỉnh Nam Định vào quý II năm 2018. |
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.