Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 29 tháng 10 năm 2020 | 14:59

Hà Nội: Cần liên kết “4 nhà” để xử lý môi trường khu vực nông thôn

Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên, mới chỉ có 26 cụm có hệ thống xử lý nước thải.

a-2.JPG
Công nhân trang trại Hoa Viên bổ sung thức ăn cho trùn (giun).

 

Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” vừa tổ chức hội thảo liên kết “4 nhà” trong xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt trên địa bàn Thủ đô để có hướng xử lý hiệu quả.

Ba nguồn ô nhiễm môi trường

Hội thảo đã đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp về việc xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn, trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2020 và những năm tiếp theo.

Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên, mới chỉ có 26 cụm có hệ thống xử lý nước thải. Toàn thành phố có 1.350 làng có nghề, qua khảo sát, điều tra, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề, giai đoạn 2017-2020, thấy có 139 làng nghề nằm ở tốp ô nhiễm nghiêm trọng, 95 làng nghề ô nhiễm; 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước, tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý mới chiếm khoảng 5,2%.

Về chất thải rắn, hiện nay, khối lượng vận chuyển rác thải sinh hoạt của toàn thành phố về các khu xử lý rác thải tập trung, khoảng 6.500 tấn/ngày. Trong đó, rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn 2.424 tấn/ngày.

Tính đến năm 2020, Hà Nội có 25,5 nghìn con trâu; 139,6 nghìn con bò; 1,76 triệu con lợn; 38 triệu con gia cầm. Mặc dù các hầm khí sinh học (Biogas) được xây dựng đúng quy chuẩn, song, hệ thống này chỉ phát huy đối với các cơ sở chăn nuôi dưới 100 con lợn. Ở các trang trại chăn nuôi lớn, hệ thống nước thải đã quá tải, đặc biệt, lượng nước thải ra môi trường không đảm bảo vệ sinh...

Điều đáng nói ở đây là, rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình chưa được phân loại xử lý tại nguồn, trong đó rác thải hữu cơ chính là yếu tố gây ra ô nhiễm môi trường nhiều nhất... Nước thải và chất thải rắn là những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường ở Thủ đô.

Lý giải về những căn nguyên trên, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, cho biết: “Hà Nội có 3 nguồn ô nhiễm chính là nước thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề; nước thải trong chăn nuôi; nước thải sinh hoạt. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, khu vực nông thôn Hà Nội đang phải đối mặt với rất nhiều loại ô nhiễm. Đây cũng là vấn đề đặt ra với các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ, hiệu quả và bền vững mới có thể giải quyết tận gốc”.

Nỗ lực bước đầu của người dân

Là chủ một trang trại chăn nuôi rộng hàng chục hecta tại Hoa Viên (huyện Thạch Thất), bà Trương Kim Hoa cho biết, trang trại Hoa Viên thường xuyên có hàng nghìn con lợn. Để xử lý triệt để nguồn ô nhiễm, trang trại đã sử dụng chất thải của lợn để nuôi trùn quế, phân trùn tiếp tục được quay vòng bón cho trang trại rau hữu cơ. Phương pháp này đã đưa đến lợi ích “kép” cho người chăn nuôi, vừa tiết kiệm chi phí phân bón, vừa tránh được ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Văn Hiệu (xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức) cho biết, hiện nay, rác thải vẫn đang vứt bừa bãi trên nhiều tuyến đường từ đầu đến cuối xã, gây ô nhiễm môi trường không gian chung. Vì vậy, ông đã vận động bà con chung tay dọn rác để trồng hoa, khiến cho tuyến đường liên thôn Đồng Mả, vốn là nơi tập kết rác lưu cữu, trở thành con đường hoa dài 0,5km. Không ngờ, công việc trên đã lan toả ra cả xã, mọi người thấy khung cảnh ở làng quê không khác gì thành thị, nên đã chung tay, góp sức, khiến con đường hoa đã dài 4km.

Chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương, ông Hiệu cho rằng, nếu chỉ tuyên truyền “suông” thì không hiệu quả. Trước tiên, cán bộ phải vào cuộc, để người dân nhìn thấy công việc mới dễ lan toả. Xã đang hình thành các tổ, nhóm bảo vệ môi trường, trước mắt đã có trên 100 hộ dân tự nguyện phân loại rác thải tại hộ gia đình. Song, điều Tuy Lai mong muốn là, được thành phố và các nhà khoa học hỗ trợ phân loại rác tại nguồn để nhân rộng mô hình và thực hiện xử lý rác một cách bài bản, hiệu quả. 

Cần sự liên kết 4 nhà, Nhà nước phải đi đầu

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ nhiệm Chương trình môi trường và tài nguyên 01C-09 (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội), cho biết, Sở đã có một số nghiên cứu áp dụng xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Ví như, các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, nước thải là nguồn gây ô nhiễm chính. Để xử lý, các hộ có thể lựa chọn hệ thống hầm biogas, điều này rất có lợi, vừa cung cấp khí gas cho sinh hoạt gia đình, vừa giảm được 40-50% hàm lượng hữu cơ trong nước thải, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đối với các làng nghề, nước thải từ các hộ sản xuất sau khi được xử lý sơ bộ và tách tạp chất, sau đó mới được đưa ra cống thải chung. Hệ thống cống tiếp tục bố trí các hố ga để lắng, tách tạp chất và đưa vào hệ thống xử lý nước thải chung. Điều này đã giúp giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn thành phố thời gian qua.

Về rác thải sinh hoạt, ông Nguyễn Ngọc Việt, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ (quận Bắc Từ Liêm), cho biết, việc phân loại và xử lý rác tại nguồn sẽ giúp giảm thiểu 50% lượng rác thải hữu cơ và không phải vận chuyển đến bãi rác. Đây là giải pháp đơn giản, chi phí thấp, có thể tận dụng rác thải qua xử lý để làm phân bón. Muốn thực hiện điều này, người dân phải là chủ thể, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ thí điểm để mở rộng.

Chỉ đạo của Hà Nội về công tác môi trường

Chủ trì và phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết: "Đây là lần thứ ba trong giai đoạn 2016-2020 Thành ủy tổ chức hội thảo liên kết “4 nhà”. Hiện, Thành ủy đang phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học những nội dung tham luận tại hội thảo, sẽ được chọn lọc để đưa vào. Hà Nội luôn xác định, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. 

Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, diện mạo khu vực nông thôn đã khang trang hơn. Ví như Đan Phượng đã dẫn đầu Hà Nội về đường có hoa, tranh bích họa; Thanh Trì đã cải tạo 2 bên bờ sông Tô Lịch để trồng hoa, cây xanh...

Tuy nhiên, môi trường nông thôn vẫn hết sức nan giải. Người đứng đầu địa phương chưa quyết liệt, ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường còn hạn chế. Các nhà máy xử lý nước thải mới thực hiện được khoảng 28,8% khối lượng, tại các làng nghề chỉ khoảng 5,2%, phần còn lại đang trực tiếp xả thẳng ra môi trường... Vì vậy, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tại các khu, cụm công nghiệp.

Đặc biệt, phải nghiên cứu, nhân rộng mô hình phân loại, xử lý chất thải hữu cơ tại chỗ. Các địa phương cần mời gọi các nhà khoa học, doanh nghiệp về huyện để bàn giải pháp xử lý môi trường cụ thể, hiệu quả hơn. Trong đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cần xây dựng mô hình thí điểm về ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật  đối với làng nghề, để giảm thải ô nhiễm môi trường từ đầu nguồn sản xuất.

Ứng dụng công nghệ thu gom cơ bản chất thải rắn, xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi lợn; xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn và tái chế chất thải hữu cơ, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cần có báo cáo đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm, để làm cơ sở nhân rộng mô hình, phục vụ chương trình XDNTM giai đoạn tiếp theo.

Đối với nhà khoa học, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình hay để giới thiệu với địa phương. Các doanh nghiệp phát huy vai trò hỗ trợ sản xuất, thu mua nông sản; xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải cho khu vực nông thôn...

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top