Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 8 năm 2017 | 5:34

Hà Nội có 255 xã đạt chuẩn nông thôn mới

KTNT- Đây là thông tin được ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đưa ra tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức chiều 8/8.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ phát biểu tại buổi giao ban.

Báo cáo về Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân, ông Mỹ cho biết, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp được Hà Nội đặt lên hàng đầu. Theo đó, thành phố tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thị xã đôn đốc các địa phương và bà con nông dân thực hiện tốt công tác thu hoạch vụ xuân và chuẩn bị kế hoạch sản xuất vụ mùa 2017, vụ đông xuân 2017 -2018.

Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về các lĩnh vực ngành nông nghiệp từ thành phố đến cơ sở, nâng cao năng lực hệ thống sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm ra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, kểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát phòng chống dịch bệnh, đặc biệt về dịch cúm gia cầm, hoàn thành kế hoạch tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, triển khai thực hiện các dự án chăn nuôi, thủy sản đảm bảo phát triển bền vừng theo quy hoạch đã được thành phố phê duyệt.

Trong việc thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay toàn thành phố có 46 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó các địa phương có nhiều mô hình như: huyện Sóc Sơn có 8 mô hình; huyện Thanh Oai có 7 mô hình; huyện Thanh Trì có 3 mô hình, các huyện Ba Vì, Hoài Đức, Gia Lâm Thạch Thất mỗi huyện có 2 mô hình.

Hiện nay, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội vẫn manh mún, các hộ có 1-2 thửa, mỗi hộ 2-4 sào. Khó khăn là nếu thu hồi đất đền bù cho dân theo đơn giá thì Thành phố bỏ ra từ 8-10 tỷ đồng tuỳ theo huyện xa, gần. Số tiền này nếu nhà nước bỏ tiền ra thu hồi thành đất công thì khó khăn mà doanh nghiệp đứng ra cũng khó khăn. “Chúng tôi tham mưu 2 phương án, một là nhà nước đứng ra thuê quyền sở hữu đất của dân, trả lãi cao hơn giá dân đang hưởng từ lợi nhuận do đất mang lại và cho doanh nghiệp thuê lại. Khi chính quyền đứng giữa sẽ tạo niềm tin, khiến bà con yên tâm hơn là khi doanh nghiệp đứng ra thuê đất. Phương án thứ hai là thành lập các hợp tác xã, sau đó nông dân góp đất và liên kết với doanh nghiệp để sơ chế, chế biến, doanh nghiệp hỗ trợ giống, phân bón, vốn, thuốc trừ sâu… Chúng tôi báo cáo theo 2 phương án này để mở rộng chuyên canh, chứ để thu hồi đất thì không được”, ông Chu Phú Mỹ cho biết.

Đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thành phố tập trung tăng cường và đa dạng hóa phương pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về ý nghĩa, mục đích và trách nhiệm xây dựng nông thôn mới

Ban chỉ đạo các huyện, thị xã chỉ đạo các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 tập rung quyết liệt tổ chức thực hiện những tiêu chí còn chưa đạt, cơ bản đạt. Tiến hành họp, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo BCĐ huyện, thị xã để chấm phúc tra, đề nghị Tổ thẩm định Thành phố thẩm định, trình Hội đồng thẩm định thành phố xem xét, công nhận theo đúng quy trình.

Đến nay, thành phố có 2 huyện Đan Phương và Đông Anh đạt chuẩn nông thôn mới; 2 huyện Thanh Trì, Hoài Đức đã hoàn thiện thủ tục hồ sơ để trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo thống kê, có 255/386 xã (chiếm 66,06%) được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong 131 xã còn lại, có 93 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, còn 38 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-14 tiêu chí.

Hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận sau khi dồn điển đổi thửa cho các hộ dân trong quý III/2017.

Nhiệm vụ nâng cao đời sống của nông dân được tiếp tục với việc đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề cho nhân dân theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố phối hợp với các đơn vị có liên quan giải quyết hỗ trợ cho nhân dân vay vốn ưu đãi đã được bố trí trong kế hoạch thực hiện Chương trình của thành phố để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho nông dân.

Tập chung chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe, công tác phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Đẩy mạnh công tác xây dựng nếp sống văn hóa mới, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và các lễ hội, đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa gắn với việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tăng cường công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình của thành phố về xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi.

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Phát triển và mở rộng các khu, cụm công nghiệp và làng nghề để giải quyết việc làm cho nông dân. Phát triển hệ thống dịch vụ để từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng về nông nghiệp.

Ngọc Thủy

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top