Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 11 tháng 5 năm 2014 | 9:49

Hà Nội: Dự án cải tạo mương Y cụ - Y khoa bị bỏ dở vì sao?

* Hà Nội: Cải thiện môi trường hay phá đường?* Kiểm điểm đơn vị thi công ẩu* Sở GTVT Hà Nội: “Ngâm tôm” hồ sơ xin cấp phép đào đường dự án?

KTNT- Năm 2012, Dự án cải tạo mương Y cụ - Y Khoa thuộc Dự án cải tạo kênh mương thoát nước giai đoạn 2 sử dụng nguồn vốn ưu đãi của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) do Ban Quản lí thoát nước (thuộc Sở Xây dựng) đảm nhiệm. Dự án này chính thức khởi công khiến 118 hộ dân nằm sát mương Y Cụ - Y khoa (Khương Thượng, Đống Đa) phấn khởi. Thế nhưng, niềm vui ấy chưa kéo dài được 7 tháng thì dự án dừng lại, khiến người dân sinh sống dọc bờ mương tiếp tục phải hứng chịu mùi hôi nồng nặc và tình trạng ô nhiễm dai dẳng…



Mấy ngày nay, đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè năm 2014 khiến hàng trăm hộ dân nằm kề mương Y cụ - Y khoa lại mất ăn mất ngủ. Đã tập "sống chung với lũ" nhiều năm nay, nhưng chen chúc trong ngôi nhà 36m2, những thành viên trong nhà bà Nguyễn Thị Khế (số nhà 79, ngõ 454/159 Trường Chinh) lại khiếp sợ mỗi khi trời chuyển nắng hay gặp trận mưa lớn. Bà Khế cho hay: “Trời nắng nóng, mùi mương bốc lên nồng nặc. Gặp những trận mưa lớn và dai dẳng, nước mương dềnh lên, ngập vào tận nhà”. Ngày nào bà Khế cũng dùng cây gậy dài chừng 2m vớt rác lên bờ, tránh tình trạng dồn ứ nước bẩn ngay trước cửa. Bà Lương Thị Khoát (số nhà 60) thì dựng hẳn một tấm tôn cao trước cổng để hạn chế hơi nước bẩn và mùi hôi xộc vào. Bà  Khoát thở dài: “Mương sắp bị lấp kín bằng đất đá, rác rưởi mà vẫn chưa thấy dự án triển khai. Nhiều lúc nghẹt thở, nấu bữa cơm cũng không cảm nhận được mùi thức ăn”.

Ông Lê Đình Khá - tổ trưởng tổ dân phố số 23, phường Khương Thượng cho biết: Tình hình này tồn tại nhiều năm nay. Trước đây, khi Nhà máy hóa dược thủy tinh và Nhà máy Y cụ còn hoạt động, cứ mưa xuống là nước thải đổ ra, mùi rất hắc. Nay nước thải chủ yếu từ sinh hoạt gia đình. Năm 2005, UBND phường phổ biến dự án thoát nước giai đoạn 2 đến các tổ khu phố. Rục rịch mãi đến năm 2009, phía bên thực hiện mới tiến hành đo đạc. Sau hàng trăm buổi họp suốt 7 năm qua, việc bê tông hóa mương Y cụ Y khoa vẫn còn trên giấy. “Đa số dân ở khu phố là người về hưu, công nhân viên chức, mức sống thấp, họ chỉ muốn giải quyết ô nhiễm nhanh chóng để sống yên ổn”, ông Khá phản ánh.

Hơn 1 năm nay, đoạn cống đầu tiên nằm ngay ngõ 10 Tôn Thất Tùng (đoạn rẽ từ Tôn Thất Tùng vào Khương Thượng) bị “bỏ mặc”, thợ dựng lều làm nhà kho và trú nắng trú mưa. Đoạn cống hóa dang dở trở thành nơi tập kết rác, ngổn ngang vật liệu xây dựng, xung quanh được quây rào đã gãy vỡ, mục nát. Con đường đổ bê tông men theo mương vốn chật hẹp giờ bị “băm nát”, vỡ nhiều đoạn. Ông Trần Văn Sơn (Bí thư chi bộ khu 9, phường Khương Thượng) thở dài: “Thời gian đầu, phía thi công còn “chặt” vào đường điện, ống nước khiến nhịp sống của dân lao đao. Vấn đề điện nước và ngập mưa ngay sau đó được khắc phục nhưng vấn đề rác ứ đọng quanh khu vực thi công dở thì… bốc mùi nồng nặc. Khổ nhất là hàng nghìn hộ dân sống trong khu giải tỏa “treo”, không thể sửa nhà vì nằm trong dự án”.


Người dân sống quanh mương phải chịu cảnh hôi thối dai dẳng nhiều năm nay.


Chuyện ô nhiễm không chỉ là nỗi bức xúc của người dân mà chính quyền địa phương cũng tỏ ra sốt sắng. Ông Nguyễn Hoàng Thắng - Phó chủ tịch UBND phường Khương Thượng cho biết, cứ có dự báo mưa to là lãnh đạo phường thấp thỏm cùng dân; điều động người lo việc đóng cọc tiêu, căng dây phân chia ranh giới giữa đường xóm và con mương, hạn chế đến mức thấp nhất nguy hiểm khi nước và đường hòa làm một. Con đường men mương chỉ vỏn vẹn 1m, rình rập đầy nguy hiểm.

UBND phường Khương Thượng đã nhiều lần gửi văn bản, ra công văn, mời chủ đầu tư đến làm việc trực tiếp; yêu cầu phía thi công phải thực hiện 4 nội dung: đảm bảo vệ sinh môi trường cho khu dân cư, thúc đẩy tiến độ cải tạo; đảm bảo tiêu thoát nước, không để úng ngập khi có mưa lớn và dỡ bỏ hàng rào quây xung quanh đã xuống cấp để giao thông không bị ùn tắc. Mới đây nhất, đầu tháng 6/2013, chính quyền phường đã làm việc với chủ đầu tư, họ thừa nhận nhà thi công kém, năng lực yếu… Thế nhưng, dù đã thay nhà thầu khác, tiến độ vẫn không có gì mới (!).

Về phía quận Đống Đa, theo ông Nguyễn Song Hào – Chủ tịch UBND quận, quận đã rất nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở chủ đầu tư về tình trạng chậm tiến độ. Song tình trạng bỏ dở giữa chừng vẫn cứ tồn tại gây bức xúc cho người dân xung quanh. Đến giờ, người dân Khương Thượng vẫn đang “dài cổ” chờ đợi.

Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.

Thành Vinh

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top