Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành Công văn số 3134/STNMT-TTr thông tin về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, trong năm 2018-2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập 3 đoàn thanh tra liên ngành, kết quả, đã ban hành 30 kết luận thanh tra đối với 30 quận, huyện, thị xã. Trong các kết luận thanh tra đã kết luận việc chấp hành pháp luật đất đai trong công tác quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công thuộc trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường thị trấn trên địa bàn thành phố; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích (trong đó có đất bãi sông) sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.
Để thống nhất trên địa bàn toàn thành phố trong việc áp dụng các quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với các công trình xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp; trên cơ sở ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan, ngày 2-7 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 1864/STNMT-TTr hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích; trong đó nêu rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND các quận, huyện, thị xã; các quy định áp dụng trong xử lý vi phạm hành chính và việc áp dụng biện pháp thu hồi đất nông nghiệp được nhà nước giao, cho thuê có vi phạm.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản; công tác cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ của các đơn vị khai thác khoáng sản; kết quả giải tỏa bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ngày 4-12 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường có Báo cáo số 11390/BC-STNMT-KS báo cáo UBND thành phố về kết luận kiểm tra.
Để tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, trong đó có đất khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều, sử dụng đất làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp nội dung tổ chức hậu kiểm các kết luận thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường, để triển khai thực hiện theo quy định...
Quy Nhơn: Hơn 48.600m2 diện tích biển đang bị nạo vét, cắt xén để xây khu cao ốc
Ngày 30/12, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã có quyết định phê duyệt nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án khu Mũi Tấn (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) của Công ty CP dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn.
Theo đó, dự án khu Mũi Tấn có tổng diện tích xây dựng là hơn 73.000 m2, gồm tòa nhà 40 tầng nổi (với khu khách sạn 467 phòng và khu căn hộ có 1.646 căn), tuyến kè với tổng chiều dài là 1.493,10 m. Tổng diện tích nạo vét, cắt xén khu lấn biển là 48.600 m2. Bùn nạo vét từ dự án này được chủ đầu tư tiến hành vận chuyển đến nơi khác để tận dụng san lấp mặt bằng.
Năm 2013, UBND tỉnh Bình Định đồng ý cho một doanh nghiệp san lấp lấn biển tại khu vực Mũi Tấn với diện tích hơn 12ha, chiếm 1km bờ biển Quy Nhơn để làm cáp treo phục vụ du lịch.
Tuy nhiên, sau khi san lấp, nhà đầu tư không thực hiện dự án cáp treo khiến khu đất bị bỏ hoang suốt 6 năm qua. Nguyên nhân là chủ đầu tư muốn xây dựng biệt thự tại khu lấn biển này nhưng lãnh đạo tỉnh Bình Định không đồng ý và yêu cầu chủ đầu tư chỉ làm dịch vụ tại đây.
Theo quy hoạch mới, UBND tỉnh Bình Định giao Công ty CP dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn làm các thủ tục tiếp theo để triển khai đầu tư xây dựng.
Khắc phục hư hỏng dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn Nam - Bắc Rạch Tra
UBND TPHCM vừa giao Sở Xây dựng sớm khắc phục những hư hỏng, tồn tại của các dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn Nam - Bắc Rạch Tra.
UBND quận 12 và các huyện Hóc Môn, Củ Chi cần tổ chức kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều xung yếu và chuẩn bị vật tư để kịp thời xử lý, cơi đắp bờ bao xung yếu ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”, không để xảy ra tình trạng bể bờ bao gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân; kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn.
Riêng UBND huyện Củ Chi vận động nhân dân trong ranh dự án sớm bàn giao mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ các dự án giải phóng mặt bằng, di dời dân để các chủ đầu tư sớm triển khai các dự án, hoàn thành đưa vào sử dụng đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân đang sinh sống trong khu vực.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã có chủ trương của UBND TP do đơn vị làm chủ đầu tư, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả tiêu thoát nước, phòng chống triều cường, ngập úng, sạt lở bảo vệ an toàn cho các khu vực dân cư trên địa bàn TP trong mùa mưa lũ năm 2019.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND TP về phương án quản lý, khai thác công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn Nam - Bắc Rạch Tra.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.