Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 11 năm 2020 | 12:59

Hà Nội: Cùng bà con ra vườn để có sản phẩm sạch xuất khẩu

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội kết hợp với các nhà khoa học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu nhà nông, giúp bà con có sản phẩm sạch, hướng tới xuất khẩu bền vững…

Để giúp người dân huyện Quốc Oai (Hà Nội) phát triển trồng trọt, chăn nuôi bền vững, hạn chế rủi ro dịch bệnh, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội kết hợp với các nhà khoa học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu nhà nông, giúp bà con có sản phẩm sạch, hướng tới xuất khẩu bền vững…

 

t28.JPG
Các chuyên gia trả lời bà con tại Diễn đàn Khuyến nông @ Quốc Oai.

 

Để có sản phẩm xuất khẩu...

Ông Nguyễn Văn Thành (xã Đại Thành) cho biết, gia đình ông vẫn còn cây nhãn tổ 130 tuổi. Năm 2006, khi phát hiện nhãn Đại Thành có tính ưu Việt, thời gian chín kéo dài hơn 2 tháng và chín muộn hơn các loại nhãn khác (từ 15/8 đến cuối tháng 9), bà con đã tập trung nhân rộng ra toàn xã. Nhãn Đại Thành có 2 loại: loại quả tròn và loại quả méo, trong đó, loại quả méo nhiều hơn và ăn ngon hơn.

Năm 2007, nhãn Đại Thành đã được cấp mã nhãn chín muộn Hà Tây HTM1 (trái méo), HTM2 (trái tròn) và chính thức có thương hiệu từ 2012 đến nay. Một tin vui là, năm 2018, nhãn Đại Thành đã xuất 5 tấn sang Malaysia; năm 2019 xuất khẩu sang Mỹ 17,5 tấn; năm 2020 chưa tổ chức xuất khẩu do có dịch Covid - 19. Song, thời gian tới, Đại Thành sẽ tiếp tục xúc tiến sang Australia; xây dựng vùng nhãn đạt chuẩn OCOP năm 2021 để xuất khẩu ổn định. 

Được biết, Đại Thành có 141ha nhãn, trong đó 85-90ha trồng nhãn trái méo. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, trái tròn dễ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hơn trái méo, vì theo quy định: nhãn xuất khẩu phải đạt 70 quả/kg, trong khi nhãn trái méo phải 80 quả mới đạt 1kg.

Hiện, gia đình ông Thành có 1ha nhãn, trồng khoảng 200 cây, từ 10 - 20 tuổi, cây 5-10 tuổi đã cho quả ngon. Đầu ra không phải lo, do đến mùa, thương lái thu mua tại vườn với giá 40.000-50.000 đồng/kg/cả 2 loại nhãn. Việc chăm sóc nhãn đã được Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn bà con sản xuất VietGAP và hữu cơ từ nhiều năm nay.

“Để hướng tới xuất khẩu bền vững, nông dân Đại Thành đã được tham gia nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn xúc tiến thương mại và được hướng dẫn cách chăm sóc nhãn. Biết được thiên địch của nhãn là nhện đỏ, rệp sáp và đã khống chế được dịch bệnh. Song, điểm yếu là chưa mạnh dạn trẻ hoá vườn nhãn, dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, xuất khẩu cũng mới đạt vài chục tấn/năm.

Hàng năm, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội mời các chuyên gia về xã tư vấn cho bà con cách chăm sóc để hướng tới xuất khẩu bền vững”, ông Thành cho biết thêm.  

Ông Nguyễn Nhã Cường (thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang), cho biết, gia đình có vườn bưởi Diễn 2 sào  (1 sào Bắc Bộ = 360m2) và chuyên nuôi ngan sinh sản trong vườn bưởi trên 30 năm nay. Hiện, thường xuyên có 2 đàn ngan để gối vụ, mỗi đàn 300 ngan mái, mỗi năm chăn nuôi tốt sẽ có 2 đàn. Ngan mái mỗi năm đẻ trong 6 tháng, tổng cả 2 đàn trên 30 vạn trứng/năm, giá trứng bình quân 5.000 đồng/quả.

Ngan giống lấy ở Viện Chăn nuôi quốc gia, giá 42 đồng/con 1 ngày tuổi. Ngan mẹ cứ 13 tháng tuổi thì thay giống, chuyển sang làm ngan thịt, vì vậy, ông Cường rất cần kiến thức để chăm sóc ngan sinh sản…   

Đồng hành cùng bà con

Từ thực tế trên, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức “Diễn đàn Nhịp cầu Nhà nông”, mời các chuyên gia đầu ngành như: Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội các ngành sinh học Việt Nam; Tiến sỹ Ngô Vĩnh Viễn, nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật; Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Năm, Hội khoa học kỹ thuật thú y Việt Nam; Phó giáo sư, Tiến sỹ Kim Văn Vạn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Tiến sỹ Cao Văn Chí, Trung tâm nghiên cứu phát triển cây có múi – Viện rau quả, chia sẻ kinh nghiệm với bà con.

Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến xoay quanh các bệnh thường gặp trên cây ăn quả, gia súc, gia cầm, được các chuyên gia hướng dẫn tận tình, dễ hiểu, bà con dễ áp dụng.

 

t29.JPG
Ông Cường đang chăm sóc đàn ngan.

 

Trả lời câu hỏi: Ngan ốm rụng lông, có đàn trụi hết, sau đó sinh sản kém, chỉ còn 60-65%, chuyên gia cho biết, thuỷ cầm bộ lông rất quan trọng, là cơ quan điều tiết của cơ thể, có 2 kiểu rụng lông: cắt đứt ngang da và rụng cả lông. Vì vậy, sờ xem da có bị ráp không, phải điều trị ký sinh trùng, hoặc bị bệnh trong quá trình trao đổi chất. Hoặc, nhiễm độc tố trong thuốc, do dùng thuốc quá nhiều, hàm lượng cao khi điều trị, có khi điều trị xong ngan rụng hết lông.  Hoặc, mất cân bằng giữa đồng hoá, dị hoá; thiếu chất, thiếu khoáng vi lượng. Phải điều trị đúng bệnh, đúng liều, tránh việc dùng thuốc này chưa xong đã dùng thuốc khác. Cần lưu ý, phải dùng thuốc của các cơ sở có uy tín, chất lượng cao; khi kê đơn thuốc 4 -5 loại, hỏi kỹ có pha chung được không, do có thuốc pha chung tăng tác dụng, có thuốc giảm tác dụng. Đơn giản: phải đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng. Khi sử dụng thuốc thú y, thuốc BVTV cũng vậy…

Về câu hỏi cho lợn con bỏ bú như thế nào, chuyên gia trả lời: Đến ngày thứ 18 cho bú bình thường; ngày 18 - 21 giảm bú, chỉ còn 2 lần/ngày. Ngày thứ 23 bỏ, không cho bú; 3 ngày trước khi cai không cho bú, lúc này lợn ăn thì ngửi, nếm, ăn thử và ăn thật, khi giảm bú thì tăng ăn để bộ tiêu hoá quen dần. Sau đó dời lợn mẹ đi, khoảng 30-35 ngày thì xuất bán, làm đúng như vậy lợn không bị bệnh E.coli.

Bệnh E.coli là bệnh phổ biến của lợn, phải điều trị kịp thời và cần giữ yên tĩnh, do lợn bị stress nên càng yên tĩnh càng tốt. Sau đó cho uống thuốc an thần, giải độc, tiêm thuốc theo hướng dẫn thú y.

Để bưởi ra hoa sai, hàng năm phải cắt tỉa, tạo tán, bón phân. Làm sạch cỏ gốc, tuyệt đối không sử dụng thuốc giệt cỏ. Bón phân chuồng hoai mục, bón xong không tưới nước, trừ khi nắng nóng quá phải duy trì một độ ẩm nhất định. Khi ra hoa đậu quả, phải bón xen phân hữu cơ vi sinh, NPK, 2 tháng/lần, chia nhỏ lượng khi bón. Ví dụ, bưởi đường Quế Dương, tháng 12 thu hoạch, kết thúc bón phân từ tháng 10. Lưu ý, cây cần nước trong mùa khô, sợ nước trong mùa mưa (phì lộc đông không ra hoa được)…

Về cây nhãn, nếu nắng nóng quá, phải duy trì tưới gốc, hoặc phun trên ngọn vào buổi sáng hoặc chiều mát, để quả lớn đều. Đồng thời tiếp tục bón phân, nhưng phải chia nhỏ ra, khoảng 15 ngày, 1 tháng bón phân 1 lần. Đặc biệt, nhãn chín muộn Đại Thành đã xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội xúc tiến thương mại khá tốt tốt, nay bà con phải tập trung nâng chất lượng để đảm bảo xuất khẩu bền vững, sản lượng lớn. Muốn vậy, phải thành lập HTX và sản xuất theo chuỗi để ổn định đầu ra….

Ngoài ra, còn rất nhiều câu hỏi như: cách điều trị bệnh ruồi vàng trên cây táo, rau, cà chua; trồng hành hoa trên đất thịt pha sét; gà sau khi đẻ 4 -5 tuần, trứng bị mỏng vỏ; dê ho, sổ mũi, sưng bì, cách điều trị như thế nào?... Tất cả đều được các chuyên gia trả lời đầy đủ, thấu đáo để bà con hiểu và làm theo.

Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, ông Đoàn Đức Dân, cho biết: "Ngoài diễn đàn khuyến nông, cùng bà con trên đồng ruộng được tổ chức thường xuyên, Hà Nội còn có nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất như: xây dựng hạ tầng nông thôn, phát triển HTX, liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ đào tạo nghề, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, xúc tiến thương mại.  Chính sách khuyến khích sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản. Khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, nông sản; giết mổ gia súc, gia cầm, đầu tư cơ giới hoá, chuyển đổi cơ cấu cây trồng".

 

 

 

Yên Như
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top