Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 8 năm 2020 | 11:32

Hành trình giải oan của cựu Bí thư Huyện ủy vẫn còn đó!

Trong một ngày cuối tháng 7/2020, ông Nguyễn Thanh Sơn, cựu Bí thư Huyện ủy Sông Hinh (Phú Yên) đến VPĐD Tạp chí Kinh tế nông thôn (tiền thân là Báo Kinh tế nông thôn, đã đăng nhiều kỳ về câu chuyện đất đai của gia đình ông – NV) tại Phú Yên.

Ông Sơn đã trao đổi về những mong ước của cá nhân và gia đình. Trong câu chuyện, ông Nguyễn Thanh Sơn, cựu cán bộ tiêu biểu của người dân tộc thiểu số ở Phú Yên, người đã hiến cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho biết, ông đã gởi đơn lên Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Tổng thanh tra Chính phủ ngày 30/6/2020, mong được cấp trên giải nỗi oan ức bấy lâu về cách hành xử của UBND huyện Sông Hinh và UBND tỉnh Phú Yên với phần đất của gia đình ông ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh.

Một lần nữa, Kinh tế nông thôn lại nói về hành trình tìm lời giải cho sự oan ức của ông Nguyễn Thanh Sơn.

vc-ong-son.jpg
Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Sơn tại ngôi nhà được xây dựng làm chỗ ở ổn định tại thửa đất được phép sử dụng 3.000m2 cho cả gia đình từ năm 1988.

 

Kỳ I: Khởi đầu câu chuyện oan ức

Trước khi có câu chuyện oan ức do bị vu tội thì ông Nguyễn Thanh Sơn là một trong những hạt giống đỏ của cách mạng miền Nam và của tỉnh Phú Yên. Ông tham gia cách mạng từ những năm 1954 đến lúc nghỉ hưu năm 2003. Trong gần 50 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, ông  đã được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng, chính quyền và MTTQ-VN của tỉnh Phú Khánh và tỉnh Phú Yên; từng là tỉnh ủy viên Phú Khánh, tỉnh ủy viên Phú Yên. Trong suốt quá trình hoạt động đó, ông luôn là tấm gương về lòng trung thành, sự liêm khiết. Vậy mà, giờ đây, ông bị vu cho tội: “Cựu Bí thư Huyện ủy chiếm đất”!!?

Đau đớn trước cáo tội vô căn cứ, một đảng viên tuyệt đối trung thành với Đảng như ông một lần nữa “dấn thân” vào cuộc đấu tranh chống sự bất công và những sai phạm của các cấp chính quyền tỉnh Phú Yên.

Năm 1986, ông Nguyễn Thanh Sơn là Bí thư Huyện ủy Sông Hinh. Lúc ấy, Sông Hinh là huyện miền núi mới thành lập của tỉnh Phú Khánh: Đất  rộng, dân thưa, bà con các dân tộc thiểu số vẫn du canh, du cư, đói khổ vẫn bao trùm lên cuộc sống của họ. Thế là ông cùng vợ con đi tiên phong khai hoang, phục hóa, biến đồi hoang trở thành mảnh vườn, ao cá. Từ đó, bà con các dân tộc thiểu số của huyện Sông Hinh đã học tập theo ông và gia đình ông dần dần định canh, định cư, cuộc sống của họ được ổn định.

Tháng 6/1988, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Khánh cấp giấy phép sử dụng 3.000m 2 đất xây dựng nhà ở cho gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn. Trên cơ sở này, gia đình ông tiếp tục đầu tư mở rộng mảnh vườn, ao cá, trồng cây lâu năm trở thành mô hình sản xuất nông nghiệp VACR khép kín lên tới 4ha. Trong quá trình đầu tư sản xuất, không một cá nhân, tổ chức nào đứng ra tranh chấp QSDĐ với gia đình ông.

Ngày 15/3/2006, Ban Nhân dân khu phố 5 và Chủ tịch UBND Thị trấn Hai Riêng đã kiểm tra và xác nhận (có đóng dấu) diện tích khai hoang của gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn hiện đang sử dụng là 33.000m2. Đây là cơ sở pháp lý khẳng định gia đình ông Sơn đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo Luật đất đai (đất sử dụng liên tục trước ngày 15/10/1993 và trước ngày 1/7/2004).

Việc chưa làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình ông Sơn lúc ấy là một thiếu sót của chính quyền thị trấn Hai Riêng và huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, bởi lẽ: Theo Thông tư số 29/2004/TT-BTNMT ngày 01/4/2004 của Bộ TN&MT “Về việc hướng dẫn lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính” tại Chương III, mục I, có 2 khoản và tại khoản 2 có 3 trường hợp được xác định ranh giới, diện tích, mục đích sử dụng đất của thửa đất thể hiện trên bản đồ địa chính như sau:

a) Trường hợp đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ, thì xác định theo Giấy chứng nhận QSDĐ;

b) Trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ thì xác định theo quyết định giao đất, cho thuê đất;

c) Trường hợp không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì xác định theo hiện trạng sử dụng đất.

Như vậy, đất khai hoang của gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn thuộc trường hợp được quy định tại điểm c nói trên, hội đủ các điều kiện để cấp Giấy chứng nhận QSDĐ tại thời điểm chính quyền Thị trấn Hai Riêng xác lập địa giới (hồ sơ địa chính) vào ngày 15/3/2006; Cũng như trước đó, tổ chuyên viên của UBND huyện Sông Hinh đo đạc, lập đưa vào hồ sơ địa chính là hơn 38.000 m2 vào ngày 14/3/2005, với nội dung được ghi rõ nguồn gốc đất: đất cấp và đất tự khai hoang.

Tâm sự với Trưởng Văn phòng đại diện Tạp chí Kinh tế nông thôn tại Phú Yên, ông Sơn nói: “Những cơ sở pháp lý và căn cứ pháp luật nói trên, đã bị chính quyền huyện Sông Hinh che phủ bằng các quyết định và văn bản trái quy định pháp luật. Tôi phải tiếp tục “dấn thân” đi tìm công lý cho mình bằng bản lĩnh của một đảng viên 60 tuổi Đảng”.

Kì II : “Cuộc dấn thân” đi tìm công lý

 

 

 

Nguyễn Phi Công
Ý kiến bạn đọc
Top