Còn nhiều khó khăn, thách thức trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với các tiêu chí đạt thấp, nhưng trong năm 2020, xã Nậm Chày (Văn Bàn - Lào Cai) đã rất nỗ lực trong công tác xoá nhà tạm, dột nát, nhằm giúp người dân ổn định đời sống.
Để dân an cư lập nghiệp
Vượt qua cung đường 30km gập ghềnh đất đá từ trung tâm thị trấn huyện Văn Bàn (Lào Cai) vào đến xã Nậm Chày, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của bản làng. Nhiều ngôi nhà tạm dột nát đã được thay thế bằng ngôi nhà xây kiên cố khang trang. Có những ngôi nhà sàn nổi bật lên bởi bộ cột kèo nâu mới. Mái gianh mục nhường chỗ cho lớp ngói cứng cáp. Sau những vườn cây ăn trái, thôn bản có được diện mạo mới.
Nậm Chày vốn là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn với 99,8% dân số là người dân tộc Mông. Do giao thông đi lại giữa các thôn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là mùa mưa lũ nên nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cây- con giống, đào tạo nghề và chuyển đổi nghề, nâng cao thu nhập cho nhân dân nhiều lúc còn chưa kịp thời. Tốc độ phát triển kinh tế chậm, trình độ dân trí chưa đồng đều, ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông - lâm nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tới 36,12%.
Trước đây, Nậm Chày không chỉ nhiều nhà tạm, nhà dột nát mà cơ sở hạ tầng của xã cũng rất khó khăn. Được quan tâm đầu tư xây dựng của các cấp chính quyền nhưng phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách nhà nước, thời tiết thay đổi thất thường, dẫn đến tiến độ thi công các công trình trên địa bàn xã còn chậm. Địa hình tự nhiên không thuận lợi, việc quy hoạch mặt bằng các công trình cơ sở hạ tầng khó khăn.
Tính đến tháng 11/2020, Nậm Chày còn 12/19 tiêu chí NTM chưa đạt, gồm: TC 2- Giao thông; TC 4- Điện; TC 5- Trường học; TC 6- Cơ sở vật chất văn hóa; TC 7- Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; TC 9- nhà ở dân cư; TC 10- Thu nhập; TC 11- Hộ nghèo; TC 14- Giáo dục và đào tạo; TC 16- Văn hóa; TC 17- Môi trường và an toàn thực phẩm; TC 18- hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Chính vì vậy, Ban chỉ đạo XDNTM xã Nậm Chày đã quyết tâm thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể.
Ông Sùng A Dùng, Chủ tịch UBND xã Nậm Chày, cho biết: “Ban chỉ đạo xác định, muốn người dân chuyển biến tư duy làm kinh tế, trước hết cần phải giúp bà con “an cư để lập nghiệp”, không phải thấp thỏm trước mỗi mùa mưa bão, tạo tâm lý ổn định và phấn khởi làm ăn, Nậm Chày đã bắt tay vào tập trung xoá nhà tạm, nhà dột nát. Công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, liên tục, đảm bảo cả bề rộng lẫn chiều sâu để tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công cuộc XDNTM. Tập trung vào 5 lĩnh vực trọng tâm trong Chương trình XDNTM trên địa bàn. Khơi dậy và phát huy các nguồn lực trong nhân dân để tham gia XDNTM, làm cho người dân hiểu được mục đích XDNTM là vì lợi ích thiết thực của người dân và nhân dân đóng vai trò chủ thể”.
Theo rà soát đến năm 2020, trên địa bàn xã Nậm Chày có 106 nhà tạm, dột nát tại các thôn: Hỏm Dưới, Khâm Dưới, Nậm Chày, Lán Bò, Khâm Trên… Nhiều căn nhà không thể sửa chữa nên phải xây mới. Ban chỉ đạo XDNTM xã kêu gọi, huy động nguồn lực từ các ban ngành, đoàn thể và cá nhân, cán bộ công chức xã (ít nhất mỗi người đóng góp 200.000 đồng, nhiều lên đến 200 triệu đồng), lồng ghép thêm nguồn vốn từ các chương trình, dự án… Người dân đóng góp bằng ngày công lao động. Chỉ trong năm 2020, xã đã cơ bản xoá được 75 nhà tạm, dột nát trên địa bàn.
Phấn khởi làm kinh tế
Ngôi nhà của gia đình ông Chảo A Dơ ở thôn Hỏm Dưới với mái gianh vách nát. Ngoài hai vợ chồng, 7 con từ vợ chồng người con trai cả cho đến đứa con nhỏ gần 2 tuổi đều ở tại căn nhà này. Mỗi khi mưa to gió lớn, gia đình 9 người phải nháo nhác đi che chắn những chỗ mưa dột gió lùa. Được cán bộ xã, huyện hỗ trợ 25 triệu đồng, anh em họ hàng giúp thêm 30 triệu đồng nữa, ông Dơ bắt tay xây lại nhà mới. “Khi tôi làm nhà, cán bộ các cơ quan đoàn thể, bà con thôn xóm đến giúp rất đông, mỗi người một việc nên nhà tôi xây nhanh, chỉ sau vài tháng chúng tôi đã được dọn vào ngôi nhà mới, khang trang to đẹp. Từ khi có nhà mới, cả nhà tôi rất phấn khởi, tập trung vào làm kinh tế. Hiện gia đình đang canh tác gần 1ha lúa, 2-3ha thảo quả…, thu nhập vài chục triệu đồng/năm. Sau mỗi mùa vụ, các con tôi lại đi làm thuê kiếm thêm tiền nên cuộc sống của gia đình cũng ổn định hơn rất nhiều”, ông Dơ tâm sự.
Gần nhà ông Dơ là gia đình ông Giàng A Tế, bà Và Thị Chư cũng được hỗ trợ 25 triệu để xây nhà mới. Với sự giúp công của anh em họ hàng và bà con trong thôn, xã, gia đình 4 người nhà ông Tế cũng đã được đón Tết 2021 trong ngôi nhà mới. Hiện vợ chồng ông đang tính toán để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Văn Bàn, cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao những thành quả mà Nậm Chày đạt được trong năm qua. Tuy là xã khó khăn, tiêu chí NTM đạt được còn rất thấp (đăng ký về đích NTM năm 2025), nhưng Nậm Chày đã làm rất tốt công tác xoá nhà tạm, dột nát, chứng tỏ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã hiểu được những lợi ích và nhiệm vụ XDNTM khi cùng chung tay góp sức để thực hiện. Xoá nhà tạm, ổn định đời sống cho người dân mà Ban chỉ đạo NTM Nậm Chày thực hiện là hướng đi đúng để địa phương tiếp tục có động lực đạt được nhiều tiêu chí khác, sớm về đích NTM”.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.