Nông thôn là nơi sinh sống của gần 70% dân số cả nước. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường nông thôn là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh các vấn đề về sản xuất, văn hóa và an ninh trật tự, công tác bảo vệ môi trường nông thôn, đặc biệt trong giai đoạn 2016 - 2020, được xác định là một trong những trụ cột chính để nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn, đưa Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM giai đoạn 2010 - 2020 đi vào chiều sâu và bền vững. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn vẫn là vấn đề nan giải.
Ô nhiễm môi trường ở mức báo động
Nông thôn là nơi sinh sống của gần 70% dân số cả nước. Sự phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch và kế hoạch đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức đáng báo động, người dân nông thôn phải đối mặt với các vấn nạn: thiếu nước sạch sinh hoạt (hiện vẫn còn gần 50% dân số nông thôn chưa có nước sạch dùng), ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí do lạm dụng nông dược và phân hóa học trong sản xuất nông nghiệp, chất thải công nghiệp, làng nghề…
Theo số liệu thống kê, hàng năm, lượng phân bón hóa học bón cho cây trồng khoảng 10 triệu tấn các loại, cùng gần 1 triệu tấn thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã dẫn đến mất cân bằng sinh thái, gây ra ô nhiễm đất, nguồn nước… Ngành chăn nuôi thải ra trên 75 triệu tấn chất thải, trong đó có khoảng 50 - 60% chất thải được xử lý, còn lại xả thẳng ra môi trường. Ngành thủy sản, chất thải nuôi tôm, cá đều xả thẳng ra sông, biển...
Bên cạnh đó, hơn 3.000 làng nghề, gần chục nghìn nhà máy chế biến nông sản thải ra trên 150 triệu tấn/năm, trong đó thu gom chỉ được 30-40%, còn lại đổ ở những bãi rác tạm, chưa có biện pháp xử lý…
Ngoài ra, quá trình phát triển các khu công nghiệp, tình trạng phá rừng, sa mạc hóa, thiên tai, lũ lụt… cũng tạo áp lực không nhỏ trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường nông nghiệp, nông thôn hiện nay.
Đâu là nguyên nhân?
Nguyên nhân rõ ràng nhất là do nhận thức của người dân và cộng đồng dân cư nông thôn đối với môi trường và phát triển bền vững còn hạn chế.
Do tác động theo quy mô, như việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp với việc tăng sản lượng lúa và các mặt hàng nông sản xuất khẩu, đi đôi với gia tăng sử dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật và mở rộng mạng lưới tưới tiêu, dẫn đến ô nhiễm đất, nước, mặn hóa, chua phèn và nhiều hậu quả khác.
Tác động lên cơ cấu sản xuất nông nghiệp: Sự hội nhập quốc tế, kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường luôn đi cùng với thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ở các vùng nông thôn, nhiều loại sản phẩm, mặt hàng vốn không phải là sản phẩm truyền thống của địa phương lại được đưa vào sản xuất. Nhiều vùng nông thôn trước đây hoang vắng thì nay lại là các khu công nghiệp, khu chế xuất sầm uất, khu du lịch sinh thái, khu nuôi trồng thủy sản, kéo theo sự phát triển của thương mại và dịch vụ.
Tác động lên công nghệ: Quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế sẽ làm thay đổi hình thái quản lý, xử lý chất thải và các công nghệ chống ô nhiễm. Sự phát triển nhanh chóng các làng nghề truyền thống để xuất khẩu hoặc trở thành nơi tham quan của du khách quốc tế, nhiều mặt hàng nông nghiệp như: cà phê, chè, cao su, lúa gạo… đòi hỏi phải chế biến dẫn đến phải thay đổi công nghệ, nhập khẩu các thiết bị để đảm bảo sự phát triển trong sản xuất nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đến xử lý chất thải và ô nhiễm môi trường…
Hội Làm vườn tạo đột phá trong công tác bảo vệ môi trường
Đứng trước thực trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường tại nông thôn, Hội Làm vườn Việt Nam (HLVVN) đã phát động phong trào làm vườn mẫu gắn với XDNTM để nông dân có nhà sạch, vườn đẹp, môi trường sống trong lành, đồng thời tăng nhanh thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Kết hợp các biện pháp hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp công nghệ xử lý rác thải, chất thải tạo bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, bảo vệ môi trường không đơn thuần chỉ là thu gom, xử lý chất thải, cải tạo và phục hồi môi trường (biện pháp xử lý cuối đường ống), mà còn phải chuyển đổi mô hình sản xuất, thay đổi hành vi, lối sống để giảm thiểu tác động đến môi trường và từng bước nâng cao chất lượng môi trường. Có thể nói, các giải pháp toàn diện đó đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt của nông thôn, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về bảo vệ môi trường. |
Theo GS.TS. Ngô Thế Dân, nguyên Chủ tịch HLV Việt Nam, để vận động hội viên, nông dân xây dựng vườn mẫu, điều quan trọng trước tiên là phải vận động bà con xây dựng hầm Biogas, ủ phân hữu cơ, thu gom rác thải, sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu ủ phân, không đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, vận động nông dân trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sinh học, giảm dần sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Từ kết quả xây dựng mô hình VACB (vườn, ao, chuồng và hầm khí sinh học biogas) thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới do HLV Việt Nam thực hiện năm 2016 ở 3 địa phương, xã Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), xã Nam Phong (Cao Phong - Hòa Bình) và xã Đông Sang (Mộc Châu - Sơn La) thấy bón phân hữu cơ hoai mục, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học cùng với tưới nước sạch, vải thiều, cam và rau xanh đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, tươi ngon, tiêu thụ dễ dàng với giá cao hơn. Trong khuôn viên hộ gia đình, nhờ làm hầm Biogas, mùi hôi thối giảm rõ rệt, các loại vi khuẩn gây bệnh cho người và gia súc như E.coli, Sanmolenla, trứng ký sinh trùng đều bị tiêu diệt hoàn toàn.
Thời gian qua, HLV tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đồng Tháp và HD Bank Chi nhánh thành phố Cao Lãnh hỗ trợ cho vay vốn phát triển kinh tế vườn, làm hầm Biogas (khoảng 600 hầm) cho hội viên với tổng số tiền vay gần 30 tỷ đồng. Nhờ có hầm biogas, vệ sinh môi trường chăn nuôi nông thôn được đảm bảo, góp phần cùng chính quyền địa phương hoàn thành tiêu chí số 17 về Môi trường trong XDNTM.
Nhằm giúp bà con phát triển chăn nuôi bền vững cũng như giảm thiểu tác động tới môi trường, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD - thuộc HLV Việt Nam) đã phối hợp với HLV&TT Thanh Hóa trang bị cho bà con kiến thức làm giảm đáng kể chất thải từ chăn nuôi bằng công nghệ Biogas VACVINA cải tiến.
Từ hầm Biogas, bà con sẽ thu được loại nhiên liệu sinh học sạch, dùng để đun nấu; bã thải của hầm có thể chế biến thành phân vi sinh bằng cách trộn với trấu, thân cây đậu, lạc, rơm rạ..., cộng với chế phẩm sinh học (men BioVAC), sau một thời gian ủ là có thể dùng để bón cho cây trồng.
Trước nhu cầu cao của hội viên và nông dân, HLV&TT Thanh Hóa đã phát triển mô hình hầm biogas VACVINA cải tiến theo định hướng thị trường, kết hợp với sản xuất phân hữu cơ vi sinh.
Trung tâm Khuyến viên và dịch vụ nghề vườn Việt Nam (Trung tâm Vị Nông, thuộc HLV Việt Nam) đã nghiên cứu thành công công nghệ Biogas hoạt động theo nguyên lý hoàn lưu, cho phép kết hợp hoàn hảo với hố xí tự hoại hợp vệ sinh; xử lý có hiệu quả đa nguyên liệu, gồm: các loại chất thải chăn nuôi (phân heo, phân trâu, bò có độn...), rác thải sinh hoạt hữu cơ, rác thải hữu cơ nông nghiệp quy mô hộ gia đình; được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp 2 Bằng độc quyền sáng chế.
Về hiệu quả kinh tế, mỗi gia đình nông thôn nuôi 1-2 con trâu - bò, 5-7 con heo, làm 01 hầm Biogas Vị Nông 7m3, sẽ có một hố xí tự hoại tiện nghi, hợp vệ sinh; cho phép xử lý triệt để các loại chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp, tự sản xuất được hoàn toàn chất đốt quanh năm. Sau 5 năm thu hồi vốn đầu tư, 20-25 năm sau là lãi ròng.
Được biết, Trung tâm Vị Nông đã triển khai thành công mô hình biogas Vị Nông tại Nghệ An.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Vị Nông, Trung tâm sẵn sàng chuyển giao phát triển công nghệ Biogas Vị Nông tới các tỉnh, thành phố và các cấp HLV, phục vụ xử lý hiệu quả ô nhiễm môi sinh môi trường, để vừa phát triển kinh tế VAC, vừa góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và tham gia chuyển dịch, phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Sáu giải pháp bảo vệ môi trường bền vững
Để bảo vệ môi trường bền vững, xin đề xuất những giải pháp căn cơ sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường. Chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với môi trường. Chỉ khi nào người dân nhận thức đầy đủ những tác hại của ô nhiễm môi trường tới sức khỏe, tới sinh hoạt của con người thì khi đó họ mới tự giác thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Phát động người dân tham gia thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, thực hiện các biện pháp canh tác khoa học, không lạm dụng hóa chất độc hại gây nguy hiểm cho đất, nguồn nước, đồng thời cải tạo môi trường sống.
Hai là, cần tổ chức lại quá trình sản xuất nông nghiệp với sự chuẩn bị tốt các biện pháp hữu hiệu hạn chế phát sinh và lây lan sâu bệnh, nhất là những dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi dễ dàng lây lan trên diện rộng.
Ba là, hạn chế tối đa sử dụng phân bón hóa học, các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng có hàm lượng độc tố cao; chú trọng các biện pháp sản xuất sản phẩm sạch, chất lượng cao, giữ gìn đồng ruộng không nhiễm hoá chất độc hại và các loại chất thải gây ô nhiễm…
Bốn là, khuyến khích các hộ nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới, nhân rộng các mô hình hiệu quả nhằm lan tỏa các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là công nghệ sinh học vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, trồng rừng để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Năm là, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và trong mở rộng làng nghề truyền thống, làng nghề mới trong nông thôn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đều phải theo quy hoạch và kế hoạch phù hợp với sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về đất, nước, kết cấu hạ tầng sản xuất. Không chuyển đổi tự phát, manh mún, mạnh ai nấy chuyển, không quan tâm đến quy hoạch chung của các vùng sản xuất.
Sáu là, nhanh chóng hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường, quy hoạch các làng nghề, cụm nghề theo hướng xây dựng các điểm sản xuất tập trung; di dời những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra xa khu dân cư; 100% làng nghề phải có quy chế quản lý môi trường; đối với các nhà máy, khu công nghiệp phải có biện pháp xử lý nước thải, rác thải đảm bảo đủ tiêu chuẩn trước khi đưa ra môi trường; phát hiện và xử lý kịp thời những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đưa vấn đề bảo vệ môi trường vào quy ước của làng, xã.
TS. Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam
Lan tỏa mô hình xử lý nước thải tại Hà Tĩnh
Một thập kỷ triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), vấn đề môi trường trong khu dân cư luôn là bài toán hết sức “khó giải” đối với cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn cả nước. Từ 2 mô hình thí điểm, đến nay, đề tài “Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt” đã lan tỏa ra 3.000 mô hình tại Hà Tĩnh. Đây là cách làm hay, các địa phương có thể học tập.
Gỡ khó Hiện, không ít địa phương đang bế tắc trong việc tìm kiếm vị trí tập kết, xử lý rác; nước thải chảy tràn lan, tự do xuống kênh mương, sông suối, ảnh hưởng đến môi trường. Với dân số sống tại nông thôn hơn 1 triệu người, chiếm trên 72%, theo ước tính, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn nông thôn Hà Tĩnh khoảng 700 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 70%. Lượng nước thải khoảng 83.000 m3/ngày đêm, nhưng phần lớn chưa được xử lý đúng quy định. Nhìn nhận được tính bức thiết trong việc tháo gỡ “nút thắt” khi thực hiện tiêu chí số 17 – tiêu chí môi trường, ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM Hà Tĩnh “khai sinh” ý tưởng xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt tại gốc, theo quy mô hộ, nhóm hộ, phù hợp điều kiện kinh tế, địa hình khu vực nông thôn. Ông Oánh cho hay, ý tưởng này hình thành khi ông chứng kiến những vườn mẫu, khu dân cư mẫu đẹp nhưng hệ thống nước thải, chất thải sinh hoạt đổ tràn lan ra môi trường, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. “Từ nguyên lý hoạt động của bể phốt nhà vệ sinh tự hoại, tôi phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh thực hiện đề tài “Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư”. Sau hơn 1 năm triển khai, đề tài thành công vượt ngoài mong đợi, góp phần gỡ khó cho tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM”, ông Oánh chia sẻ. Hiệu quả cao, sức lan tỏa lớn “Tôi đánh giá cao sáng kiến xây dựng mô hình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn của Hà Tĩnh. Đây là mô hình cần được nhân rộng”, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng điều phối NTM Trung ương nhận xét.
Với chi phí đầu tư xây dựng không lớn nhưng các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt ở Hà Tĩnh bước đầu đã phát huy tác dụng. Nguồn nước sau khi được xử lý có thể sử dụng tưới các loại cây trồng. Đến nay, Hà Tĩnh có khoảng 3.000 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt hộ gia đình vận hành hiệu quả. Hiện, tỉnh đang tiếp tục nhân rộng trên địa bàn công trình xử lý nước thải sinh hoạt được xây dựng tại các khu dân cư. Tháng 4/2019, thôn La Xá, xã Thạch Lâm (nay là xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) và thôn Bắc Bình, xã Tượng Sơn (huyện Thạch Hà) được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư. Sau khi được tập huấn, ông Phan Văn Đệ (thôn La Xá, xã Tân Lâm Hương) tiên phong thực hiện mô hình xử lý nước thải 7 ngăn để xử lý cho các hội viên trong HTX trồng rau thơm và cả khu dân cư. Còn rác thải sinh hoạt được hội viên, hộ dân phân loại tại nhà, sau đó thu gom, sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. “Sau khi thực hiện mô hình, chúng tôi nhận thấy lượng rác thải thải ra môi trường giảm đến 70 - 90%. Riêng nước thải, sau khi xử lý, hội viên trong HTX tái sử dụng để sản xuất rau thơm, hạn chế tối đa việc lãng phí tài nguyên nước, nhất là trong những tháng nắng hạn vừa qua”, ông Đệ nói. Hộ tham gia đề tài được hỗ trợ 100% chi phí xây dựng mô hình, hỗ trợ chế phẩm sinh học, kỹ thuật thu gom, phân loại, xử lý rác thải, nước thải. Nhiều xã ở các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Vũ Quang… đã ban hành cơ chế hỗ trợ 3 - 5 triệu đồng/hộ để nhân rộng mô hình xử lý nước thải, rác thải trong khu dân cư. Mặc dù không nằm trong diện hỗ trợ của đề tài nhưng sau khi nhận thấy lợi ích thiết thực của mô hình, gia đình ông Lê Hữu Hùng (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) mạnh dạn đầu tư 5 triệu đồng xây dựng hố xử lý nước thải theo giải pháp của Văn phòng điều phối NTM và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Hà Tĩnh. Sau hơn 1 tháng đưa vào sử dụng, nước thải trong hơn, mùi hôi giảm rõ rệt. Toàn bộ nước thải này ông Hùng sử dụng tưới cho cây ăn quả trong vườn, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp Hội đồng Khoa học nghiệm thu kết quả đề tài khoa học công nghệ “Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư”. Đề tài đạt kết quả xuất sắc. Đánh giá về hiệu quả của đề tài, ông Trần Huy Oánh cho biết: Mục tiêu đề tài là xác định giải pháp kỹ thuật và quản lý phù hợp để công tác thu gom, phân loại, xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt đạt hiệu quả cao, có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn khu vực nông thôn. Vấn đề cốt lõi mà đề tài đạt được là làm thay đổi nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường. Sau khi thực hiện mô hình với hiệu quả rõ rệt, nhân dân cảm thấy có trách nhiệm với xã hội hơn. Từ đó cho thấy, NTM của Hà Tĩnh ngày càng đi vào chiều sâu, chú trọng đến chất lượng cuộc sống. Trà Giang |
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.