Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 12 năm 2017 | 7:30

Hố rác đồng ruộng: Sạch ruộng, khỏe người

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình thu gom rác thải nông nghiệp ngay trên đồng ruộng.

 

Thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng cho vào hố rác.

Từ thực tế bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng nhựa, ni lông, chai lọ khó phân hủy, nếu vứt bừa bãi sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, đầu năm 2017, huyện Nghĩa Đàn đã giao cho Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện xây dựng mô hình lắp đặt bể thu gom rác thải thuốc BVTV trong 3 năm từ (2017 - 2020) tại 25 xã, thị trấn.

Bể được đúc bằng bê tông, có chiều sâu 1m, đường kính 1,5m, có nắp đậy kín đảm bảo theo đúng quy cách tiêu chuẩn quy định, có thể chứa tới 1,5m3 vỏ, bao bì thuốc BVTV đã sử dụng; được đặt xa nguồn nước, xa khu dân cư, phân bố hợp lý trên các chân ruộng.

Ông Phan Văn Hòa, một người dân cho hay: Vỏ thuốc BVTV rất độc hại, do vậy việc thu gom và xử lý loại rác thải này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn là bảo vệ sức khỏe của chính những người nông dân.

Vỏ thuốc bảo vệ thực vật được bỏ đúng nơi quy định

Ở huyện Anh Sơn, nhiều năm qua phong trào làm sạch đồng ruộng bằng mô hình hố rác bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật cũng được triển khai và nhận được nhiều sự đồng tình ủng hộ của người dân. Nếu như trước đây, sau khi sử dụng xong các loại thuốc bảo vệ thực vật để phun cho các loại cây trồng, người dân thường vứt ngay xuống chân ruộng hoặc các mương nước, thì giờ đây, nhờ có sự tuyên truyền vận động của lực lượng đoàn viên thanh niên cùng với việc xây dựng hố rác trên đồng ruộng mà ý thức của người nông dân đã có sự thay đổi đáng kể. Ông Lê Văn Cán người dân thôn 1, xã Hoa Sơn cho biết: “Trước đây, trong quá trình sản xuất, hầu hết người dân sau khi sử dụng xong các loại thuốc BVTV tiện tay vứt bao bì, chai lọ trên đồng ruộng, dọc các kênh mương. Nhưng giờ ai cũng có ý thức thu gom, nhắc nhở nhau bỏ rác thải BVTV vào bể chứa đúng quy định”.

 Với hơn 110 ha lúa/vụ nên số lượng thuốc bảo vệ thực vật được dùng để phòng trừ các loại sâu bệnh là rất lớn, từ ý thức bảo vệ môi trường, lực lượng đoàn viên thanh niên xã Hoa Sơn đã tình nguyện xây dựng hàng chục hố rác ngay tại đồng ruộng, tại mỗi cánh đồng có từ 3-5 cái hố rác để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu gom và xử lý rác thải. Anh Phan Ngọc Tài, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hoa Sơn cho biết: Đoàn Thanh niên xã Hoa Sơn đã lên kế hoạch phân công các đồng chí trong Ban chấp hành đoàn xã phụ trách các khu vực đồng ruộng, vận động bà con khi phun xịt thuốc xong thu gom lại bỏ rác đúng nơi quy định rồi tiêu hủy. Qua thời gian phát động, bà con đã ý thức được việc bảo vệ môi trường nên hiệu quả đạt cao.

Không chỉ huyện Nghĩa Đàn, Anh Sơn mà hiện nay nhiều địa phương khác Nghệ An ở cũng đã triển khai hiệu quả mô hình này.Mô hình hố rác tại đồng ruộng không chỉ bảo vệ sức khỏe của người nông dân mà còn hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững, mong rằng bà con nông dân tham gia với ý thức tự giác.

Huyền Trang

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top