Chính quyền huyện Bắc Quang (Hà Giang) đã vào cuộc kiểm tra, xác định vi phạm và ban hành quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực đất đai đối với bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Công ty CP Dược liệu Bông Sen Vàng (thôn Đá Bàn, xã Hùng An).
Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn chưa triển khai việc khắc phục nguyên trạng ban đầu.
Đổ đất, lấn chiếm mặt hồ Quang Minh
Người dân thôn Khiềm, xã Quang Minh, huyện Bắc Quang (Hà Giang) phản ánh: Khoảng cuối năm 2020, Công ty Bông Sen Vàng tự ý lấn chiếm ra lòng hồ Quang Minh bằng cách nhồi cọc tre, đổ đất, san ủi đất mà không được chính quyền địa phương cho phép. Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp này đã bị chính quyền “tuýt còi” và xử phạt về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Ngày 15/7/2021, UBND xã Quang Minh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 300/QĐ-XPVPHC về lĩnh vực đất đai đối với bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty Bông Sen Vàng về hành vi vi phạm hành chính. Cụ thể, trong quá trình nhồi cọc tre làm kè, chống sạt lở, đã làm đất tràn xuống hồ chứa nước Quang Minh. Mặc dù đã bị UBND xã Quang Minh áp dụng mức phạt tiền kịch khung trong thẩm quyền của UBND cấp xã, thế nhưng, công ty này vẫn chưa khắc phục hết sai phạm.
Cụ thể, tại Báo cáo kết quả kiểm tra mốc bảo vệ lòng hồ và hiện trạng sử dụng đất bảo vệ hành lang hồ Quang Minh ban hành ngày 4/4/2022 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Quang thể hiện, đơn vị trước đó đã có báo cáo về kết quả kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích hành lang, diện tích đất khu vực lòng hồ Quang Minh. Trong đó đã báo cáo mất cột mốc bảo vệ lòng hồ số 77 do bà Hiền (Công ty Bông Sen Vàng) thực hiện san lấp mặt bằng lấn chiếm hành lang lòng hồ làm mất cột mốc này.
Đến ngày 30/03/2022, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT cùng UBND xã Quang Minh tiến hành cho công ty thực hiện cắm lại mốc số 77 theo đúng tọa độ, vị trí cột mốc số 77. Kết quả, chủ khu đất đã thực hiện xong phần cắm cột mốc.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra hiện trạng sử dụng đất bảo vệ hành lang hồ Quang Minh cho thấy, tại vị trí san lấp đất tiếp giáp với cột mốc số 77, tại thời điểm kiểm tra, chủ khu đất vẫn chưa khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng đất ban đầu sau khi đã vi phạm san lấp, lấn chiếm diện tích mặt hồ Quang Minh.
Kết quả đo đạc thể hiện, diện tích san, gạt mặt bằng lấn ra hồ Quang Minh là 1.117,6m2 tính từ mép nước, diện tích cả hành lang bảo vệ lòng hồ là 2.256m2. Hiện trạng đất đã đóng cọc tre vẫn chưa được đơn vị khắc phục hậu quả.
Chưa khắc phục hậu quả?
Tại buổi làm việc, các bên cũng thống nhất yêu cầu chủ khu đất phải khắc phục hậu quả, trả lại mặt bằng lòng hồ Quang Minh xong trước ngày 20/4/2022. Tuy nhiên, đại diện Công ty Bông Sen Vàng lại cho rằng, nội dung kết luận của đoàn liên ngành là không chính xác. Ngày 12/4/2022, bà Hiền (Công ty Bông Sen Vàng) có đơn đề nghị UBND huyện Bắc Quang và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện này xem xét, giải quyết lại việc công ty lấn chiếm lòng hồ.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty Bông Sen Vàng, khẳng định, trong đơn đề nghị, bà đã xin phép chính quyền sở tại trước khi san lấp đất. Đồng thời cho rằng, thực tế diện tích đất tiếp giáp với mặt hồ của bà trước đó đã có dấu hiệu sạt lở và không thuyên giảm nên đơn vị chỉ kè để chống sạt. Qua đó, bà Hiền cũng cho rằng đoàn liên ngành không có căn cứ cho rằng bà đã đổ đất lấn chiếm mặt hồ.
Hồ chứa nước Quang Minh được huyện Bắc Quang (Hà Giang) đầu tư xây dựng nhằm mục đích dự trữ nước vào mùa kiệt, có chức năng cung cấp nước phục vụ tưới tiêu cho nghành nông nghiệp địa phương. Không những thế, hồ Quang Minh còn là địa điểm du lịch hấp dẫn cho du khách thập phương đến tham quan. |
Để khẳng định kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Bắc Quang là có cơ sở, ngày 17/6/2022, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Quang tiếp tục có văn bản trả lời bà Hiền.
Nội dung văn bản nêu, kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra được đo đạc xác định bằng máy RTK CHCNAV I50 có độ chính xác cao. Sau khi đo có đối soát chồng ghép với bản đồ tổng thể hồ Quang Minh tỷ lệ 1/2.000 (bản đồ mốc hành lang bảo vệ lòng hồ). Các tổ công tác của huyện, xã trước đó xác định diện tích lấn chiếm là đo thực tế hiện trạng lấn chiếm, tại thời điểm đo chưa có bản đồ để đối chiếu, xác định...
Về kết quả đo đạc có diện tích san gạt mặt bằng lấn ra hồ Quang Minh là 1.117,6m2 tính từ mép nước, diện tích cả hành lang bảo vệ lòng hồ là 2.256m2 là kết quả chính xác và đúng thực tế hiện trạng đã san lấp.
Để rộng đường dư luận, nhóm phóng viên đã liên hệ qua điện thoại để đặt lịch làm việc với bà Nguyễn Thị Thu Hiền thì được người này cho biết: “Mọi việc đã được xử lý xong hết rồi, đừng có lằng nhằng”.
Liên quan đến nội dung trên, một lãnh đạo xã Quang Minh cho biết, trước khi tiến hành xử phạt, xã đã 3 lần lập biên bản vi phạm của Công ty Bông Sen Vàng. Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này vẫn chưa chịu hoàn thổ mặt bằng.
Liên quan đến vụ việc trên, thiết nghĩ, UBND huyện Bắc Quang cần sớm xử lý dứt điểm, đồng thời có biện pháp mạnh tay với doanh nghiệp có hành vi lấn chiếm lòng hồ Quang Minh.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.